Mở đầu chương trình, Vân Hà & Miên Dương mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1/ HỦY BUỔI NÓI CHUYỆN CỦA NHÀ VĂN GỐC VIỆT VÌ ỦNG HỘ PALESTINE
Một tổ chức Do Thái ở thành phố New York đã hủy bỏ buổi nói chuyện của
nhà văn Nguyễn Thanh Việt, người đoạt giải Pulitzer vào năm 2016, mà không đưa
ra lời giải thích sau khi ông Việt đã ký vào một bức thư ngỏ lên án tình trạng
bạo lực của Do Thái ở Dải Gaza.
Ông Nguyễn Thanh Việt là nhà văn người Mỹ gốc Việt với cuốn
tiểu thuyết “The Sympathizer” đã đoạt giải Pulitzer dành cho tiểu thuyết vào năm
2016. Ông dự trù sẽ có phát biểu tại trung tâm văn học ở Manhattan vào lúc 8
giờ tối ngày 20/10.
Trong thông điệp trên mạng, nhà văn này cho biết vào lúc 3
giờ chiều ông được thông báo là sự kiện nói trên đã bị ban tổ chức hủy bỏ.
Trong một tuyên bố, phát ngôn nhân của trung tâm nói trên xác
nhận họ đã đình hoãn sự kiện này. Tuyên bố cũng trích dẫn lập trường của ông
Việt với Do Thái, cũng như vụ tấn công ngày 7/10 của phong trào Hamas và việc
tiếp tục giam giữ các con tin, điều mà họ nói "đã khiến cộng đồng suy
sụp".
Phát ngôn nhân này cho rằng với những phát biểu công khai
của tác giả Nguyễn Thanh Việt về Do Thái, trung tâm cảm thấy có trách nhiệm
phải đình hoãn sự kiện.
Trong một bài đăng trên mạng vào tuần trước, ông Việt cho
biết ông đã ký bức thư ngỏ cùng với các tác giả khác phản đối chính sách của Do
Thái mà theo ông sẽ đưa tới hậu quả là cái chết không thể tránh khỏi của thường
dân.
Cần biết là vào năm 2017, tuyển tập truyện ngắn The Refugees (Những người tỵ nạn) của Nguyễn Thanh Việt thu hút sự chú ý rộng rãi tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Tập truyện ngắn với lời đề "tặng những người tị nạn, ở bất cứ đâu” sau đó đã được xuất bản tại Việt Nam với tên gọi Người tị nạn.
2/ ĐỀ NGHỊ KỶ LUẬT HÀNG LOẠT QUAN
CHỨC TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VN
Bộ công thương VN vừa đề nghị kỷ luật hàng loạt quan chức
cầm đầu tập đoàn Điện lực Việt Nam về tội “gián đoạn việc cung ứng điện” trong
thời gian qua.
Đề nghị nói trên được đưa ra sau khi bộ công thương ban
hành kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về việc
điều hành cung cấp điện của tập đoàn và các đơn vị có liên quan đến cung cấp
điện vào cuối tuần qua.
Cụ thể, bộ này đề nghị kỷ luật khiển trách đối với các quan
chức cầm đầu của tập đoàn Điện lực Việt Nam, gồm ông Dương Quang Thành, chủ
tịch tập đoàn này; ông Trần Đình Nhân, tổng giám đốc; ông Ngô Sơn Hải, phó tổng
giám đốc, và một loạt các giám đốc trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.
Đối với ông Trần Đình Nhân, bộ này cho biết sẽ điều động
nhận nhiệm vụ khác hoặc cho nghỉ hưu đối với ông Nhân.
Cần biết là trong thời gian từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 6
vừa qua, đã xảy ra tình trạng gián đoạn điện lực trên diện rộng, đặc biệt ở các
khu vực miền bắc, gây phẫn nộ trong dư luận và ảnh hưởng đến đời sống của người
dân.
Theo báo cáo, tập đoàn điện lực đã tổ chức kiểm điểm tại 24
đơn vị, 85 tập thể, 161 cá nhân có liên quan. Hiện nay quá trình kiểm điểm và
xử lý kỷ luật đã hoàn tất.
Theo báo cáo mới đây của bộ kế hoạch gửi nhà nước, vào cuối tháng 9 năm nay, tập đoàn Điện lực VN đã thua lỗ hơn 32 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 1 tỷ rưởi Mỹ kim.
3/ HẢI CẢNH TRUNG
CỘNG TẤN CÔNG TÀU TIẾP TẾ PHILIPPINES Ở BIỂN ĐÔNG
Chính phủ Philippines vừa lên tiếng cáo buộc hải quân Trung
Cộng đã dùng tàu đâm vào chiếc tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây, nơi đã
có các căng thẳng giữa hai nước trong vài tuần qua.
Chiếc tàu Phi vào hôm Chủ nhật 22/10 đang
trên đường tới một tiền đồn quân sự của mình tại Bãi Cỏ Mây thì bị các chiến
hạm hải cảnh Trung Cộng mở cuộc ngăn cản đầy nguy hiểm.
Tuy nhiên, phía Trung Cộng cho rằng tàu Phi
đang “cố tình gây rắc rối”. Cần biết là chiến hạm hai nước Trung Cộng và Phi
thường xuyên chơi trò “mèo vờn chuột” ở bãi cạn này khi các tàu Phi đưa tiếp tế
cho một số binh sĩ Phi đang đóng trên một chiến hạm cũ kỹ và đổ nát.
Trong vụ mới nhất này, cũng xảy ra gần
Bãi Cỏ Mây vào hôm qua 22/10, chính quyền Phi cho biết một tàu ngư quân Trung Cộng
đã va vào một tàu tuần duyên Phi.
Manila cho biết tàu tiếp tế thứ hai đã có
thể tiếp cận đồn trú quân sự của Phi ở bãi cạn này.
Cần nhắc lại, Trung Cộng luôn tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa nơi có Bãi Cỏ Mây. Vào năm 2016, tòa án trọng tài quốc tế tại The Hague đã ra phán quyết hủy bỏ các yêu sách này của Trung Cộng, dựa trên vụ kiện do Manila đưa ra. Tuy nhiên Trung Cộng đã từ chối công nhận phán quyết này.
4/ LẦN ĐẦU TIÊN MỸ - NHẬT – NAM HÀN TẬP TRẬN CHUNG TRÊN KHÔNG
Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản vào hôm qua 22/10 đã bắt đầu đợt
thao diễn chung trên không lần đầu tiên, ở gần bán đảo Triều Tiên nhằm củng cố
hợp tác ba bên về an ninh trước các mối đe dọa từ Bắc Hàn.
Theo các nguồn tin quân sự, lực lượng không quân Nam Hàn, Hoa
Kỳ và Nhật Bản, đã thực hiện bài tập bay theo đội hình với các chiến đấu cơ của
ba nước hộ tống máy bay ném bom B-52, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Đây là lần đầu tiên, Hoa Kỳ gởi một chiếc B-52 đáp xuống
căn cứ quân sự Nam Hàn vào hôm thứ Ba 17/10. Chiếc B-52 này cũng đã có màn thao
diễn với các chiến đấu cơ Nam Hàn.
Cuộc tập trận chung trên không được tổ chức sau khi lãnh
đạo ba nước, tại thượng đỉnh Trại David hồi tháng 8 năm nay, đã đồng ý tăng
cường hợp tác an ninh nhằm đối phó với các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ
Bắc Hàn.
Thông tấn xã Yonhap của Nam Hàn nhắc lại là vào đầu tháng 10, lần đầu tiên tính từ 7 năm qua, Seoul, Washington và Tokyo cũng đã tổ chức một cuộc tập trận "cấm tầu bè qua lại" ở vùng biển phía nam bán đảo Triều Tiên.
No comments:
Post a Comment