Thursday, October 5, 2023

Chùm “ chuyện nhỏ” trong chuyện lớn, cách nào để cải?

Chuyện Nước Non Mình

Chế độ bạo quyền cs VN là một chế độ hung tàn, tham nhũng, vô giáo dục từ trên xuống dưới cũng như trong toàn hệ thống, do đó không thể thay đổi được.

Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Chùm “ chuyện nhỏ” trong chuyện lớn, cách nào để cải?” của Trân Văn sẽ được Ngọc Sương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Trân Văn.

Ông Nguyễn Duy Hiền, Hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc, tọa lạc ở huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, vừa cho biết… sẽ không phạt học sinh đã ghi hình, đưa lên Internet cảnh cô Nguyễn Thị Phượng, Chủ nhiệm lớp 12D4, nắm cổ áo một nữ sinh là Bí thư chi đoàn lớp này kéo từ hành lang vào phòng học khi cô đã bất tỉnh.

Trước đó chỉ một ngày, cũng ông hiệu trưởng này tuyên bố với báo giới rằng đã báo công an về việc có một học sinh quay video, phát tán clip lên mạng “ảnh hưởng tai hại đến hình ảnh của trường và tâm lý của rất nhiều học sinh”. Lúc ấy, ông Hiền khoe đã đến lớp 12D4 để phân tích cho học sinh hiểu tác hại của việc phát tán video clip và nếu công an xác định hành vi đó vi phạm Luật An ninh mạng, trường THPT Đa Phúc sẽ “xử lý nghiêm học sinh ghi hình, phát tán video theo quy định của pháp luật”.

Scandal liên quan đến trường THPT Đa Phúc xảy ra ngày 29/9/2023. Hôm đó, lớp 12D4 tổ chức mừng sinh nhật những bạn sinh trong tháng 9. Cô Phượng ra lệnh cho Bí thư chi đoàn lớp đi mua bánh sinh nhật tại tiệm bánh do cô chỉ định. Chưa biết vì sao nữ sinh được giao nhiệm vụ chuẩn bị bánh sinh nhật lại mua bánh ở tiệm khác. Đó là lý do nữ sinh bị cô Phượng chửi mắng nặng nề kèm tuyên bố sẽ “hạ hạnh kiểm, không cho thi tốt nghiệp” rồi đuổi ra khỏi lớp. Hoảng sợ, nữ sinh quỳ ở cửa lớp suốt hai tiếng, khóc, xin lỗi nhưng cô giáo cương quyết không tha. Khi ngất vì kiệt sức và kích xúc, nữ sinh bị cô Phượng túm áo lôi đi…

Không có bất kỳ học sinh nào của lớp 12D4 dám lên tiếng bênh vực bạn của các em. Nạn nhân – vốn là Bí thư chi đoàn cũng không dám phản kháng mà chỉ van xin cô giáo thương xót. Học sinh duy nhất dám ghi hình và post lên Internet để tố cáo bạo hành tại trường THPT Đa Phúc thì bị hiệu trưởng đề nghị công an điều tra. Tình thế chỉ xoay chuyển khi video clip khiến công chúng phẫn nộ tới mức Sở GDĐT Hà Nội không thể làm ngơ nên gửi công văn cho hiệu trưởng, yêu cầu tạm đình chỉ công tác cô Phượng – người vừa là Chủ nhiệm lớp 12D4, vừa là giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân, vừa đảm nhận vai trò tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường.

Tại sao nạn nhân và các bạn cùng lớp lại khiếp sợ cái sai đến mức tê liệt hoàn toàn như vậy? Tại sao một nữ giáo viên giảng dạy giáo dục công dân, phụ trách tư vấn tâm lý cho học sinh lại dám hành xử càn rỡ, thậm chí tàn bạo đến mức như vậy trong môi trường giáo dục? Tại sao hiệu trưởng chỉ bận tâm đến “hình ảnh của trường” và thay vì chấn chỉnh “để môi trường giáo dục thực sự trong sạch, lành mạnh, an toàn, để các cô giáo, thầy giáo và các học sinh, sinh viên được giảng dạy và học tập trong niềm vui, hạnh phúc” như cam kết của Chủ tịch Nhà nước hồi tháng trước thì lại cậy tới công an, muốn dùng Luật An ninh mạng để xử lý học sinh?

***

Không chỉ có lĩnh vực giáo dục mới lắm chuyện. Lĩnh vực tư pháp cũng thế. Cho dù dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam vẫn còn rúng động khi hệ thống tư pháp thản nhiên thi hành bản án tử hình ông Lê Văn Mạnh, bất kể có rất nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính hệ thống này cũng phân vân, khó xác định ông Mạnh có đúng là thủ phạm vụ hiếp dâm trẻ em, giết người xảy ra hồi 2005 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa hay không thì hệ thống tư pháp lại… bồi dưỡng thêm cho công chúng một scandal khác… Ngày 3/10/2023, Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Tối cao bắt quả tang bà Nguyễn Thị Tuyết Sương – Phó Chánh án Tòa án thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long nhận hối lộ.

Theo báo chí Việt Nam, bà Sương đã ngâm hồ sơ nhằm buộc nạn nhân phải chấp nhận “bồi dưỡng” 50 triệu đồng để vụ kiện được đưa ra xét xử. Sáng 3/10/2023 khi bà Sương trực tiếp nhận 40 triệu đồng của nạn nhân thì “bị bắt quả tang nhận hối lộ”. Tại sao Phó Chánh án Tòa án một huyện lại dám tống tiền như vậy? Hệ thống tòa án Việt Nam được tổ chức và vận hành như thế nào mà hết thẩm phán này đến thẩm phán khác vào tù vì nhận hối lộ nhưng dường như chẳng thẩm phán nào, kể cả lãnh đạo Tòa án cấp tỉnh chùn tay? Rộng hơn, hệ thống tư pháp Việt Nam được tổ chức và vận hành như thế nào mà ngoài thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cũng thi nhau nhận hối lộ?

Song giáo dục, tư pháp không phải là những lĩnh vực cá biệt. Không thể tìm được bất kỳ lĩnh vực nào ở bất kỳ cấp nào tại Việt Nam an ổn, sạch sẽ, kể cả cấp cao nhất! BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 đang hội họp lần thứ tám. Ở kỳ họp này có thêm hai thành viên nữa (ông Lê Đức Thọ – Bí thư Bến Tre và ông Điểu K’ré – Phó Bí thư Thường trực Đắk Nông) bị loại bỏ. Đến nay, trong 180 cá nhân được cho là “thực sự có trí tuệ, xứng đáng với sự ký thác của nhân dân, đảng viên” đã có 13 người vướng vào đủ thứ chuyện liên quan đến năng lực, tư cách và không ai dám chắc, hết nhiệm kỳ này, 180 thành viên “đủ đức, đủ tài” như vậy sẽ còn bao nhiêu?

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã mô tả 4/13 thành viên BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 vừa bị loại bỏ, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Trần Văn Nam – Bí thư Bình Dương, Phạm Xuân Thăng – Bí thư Hải Dương, Chu Ngọc Anh – Chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Y tế)… “tài, đức” như thế nào. Ở kỳ họp thứ tám kéo dài một tuần này (2/10/2023 – 8/10/2023) BCH TƯ đảng khóa 13 lại tiếp tục… “quy hoạch” những người “đủ đức, đủ tài” theo kiểu y hệt như vậy để BCH TƯ đảng khóa tới (khóa 14) tiếp tục lãnh đạo… cải cách!

No comments:

Post a Comment