Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ GIỚI NHÂN QUYỀN ĐỆ TRÌNH LHQ VỀ NHỮNG VI PHẠM CỦA VN
Một số tổ chức quốc tế vào ngày 11/10 cho biết đã cùng nhau
đệ trình đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc văn bản về những vi phạm quyền
con người của nhà nước Việt Nam.
Văn bản được đệ trình cho kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát
(UPR) đối với Việt Nam dự trù sẽ diễn ra vào tháng 4 năm tới tại Geneva. Các tổ
chức vừa nêu trên gồm Văn bút Hoa Kỳ, cùng với Văn bút Quốc tế và Văn bút Việt
Nam Hải ngoại, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế cùng Ủy ban Quyền làm người Việt
Nam.
Trong văn bản đệ trình về việc Việt Nam không thực hiện
những khuyến nghị chính yếu mà Hà Nội chấp nhận tại kỳ kiểm điểm năm 2019. Đó
là những vi phạm thuộc các lãnh vực bảo vệ nhân quyền, xã hội dân sự; phê chuẩn
một số thỏa ước quốc tế nhân quyền, xử án công bằng và tư pháp, bảo vệ quyền tự
do biểu đạt (gồm cả trên mạng) và các quyền tự do tín ngưỡng, hội họp ôn hòa.
Văn bản của các hội Văn bút cũng nêu ra những vi phạm
quyền tự do biểu đạt, quyền văn hóa, quyền riêng tư, quy trình tố tụng và tình
trạng bắt giữ tùy tiện.
Điều phối viên chiến dịch của Văn bút Hoa Kỳ, bà Võ Anh
Thư, trong thông cáo nêu rõ là trên trường quốc tế, nhà nước Việt Nam đã dối
trá về quyền tự do biểu đạt và nhân quyền. Nhưng trong thực tế, Việt Nam vẫn
duy trì một thành tích tồi tệ liên quan đến quyền tự do ngôn luận.
Riêng ông Lloyd Duong thuộc Văn bút Việt Nam Hải ngoại thì
nhận định rằng thực tế nhân quyền tại Việt Nam đã suy thoái đáng kể qua hai điều
luật hình sự 117 và 331, làm co hẹp không gian dân sự và kết tội việc bình luận
về những vấn đề đất nước.
Trưởng khu vực Á châu của Văn bút Quốc tế thì cho rằng một phần nỗ lực của nhà nước VN là không ngừng vũ khí hóa hệ thống luật pháp chống lại giới văn sĩ, nhà báo và những người khác dám chỉ trích hay thách thức chủ trương, đường lối của đảng và nhà nước.
2/ HÀNG LOẠT CÔNG TY BẤT ĐỘNG SẢN KHẤT NỢ HƠN 95 NGÀN TỶ ĐỒNG
Có tới khoảng 50 tập đoàn và công ty Việt Nam, trong đó có hơn
một phần năm là các tập đoàn bất động sản, mới đây đã lên tiếng “xin nhà nước
cho khất nợ” hơn 95 ngàn tỷ đồng trái phiếu, tức khoảng 4 tỷ Mỹ kim.
Theo các nguồn tin cho hay vào hôm qua 12/10, hàng chục công ty kể trên đã phải đàm phán
dời ngày đáo hạn hoặc chưa mua lại trái phiếu đến hạn của họ có trị giá tương
đương gần 4 tỷ Mỹ kim vì họ “thiếu vốn và kinh doanh khó khăn”.
Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán xác nhận rằng
một doanh nghiệp có nợ một khoản tiền đối với người nắm giữ trái phiếu trong
một thời gian cụ thể, và công ty có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ đó.
Trong số các công ty được báo chí Việt Nam nêu tên phải khất
nợ có tới hơn 10 tập đoàn bất động sản nổi tiếng như Novaland, Sovico, Hưng
Thịnh, Phú Long, Gia Khang, Helios và Bamboo Capital.
Theo VNExpress, Sovico được đồng ý nới hạn về
trách nhiệm thanh toán với 11 lô trái phiếu, tương ứng khoảng 12 ngàn tỷ đồng.
Các công ty của Hưng Thịnh muốn lùi thời hạn tổng cộng 7 lô trái phiếu trong
tháng 9, có giá trị khoảng hơn 9 ngàn tỷ
đồng. Riêng Bamboo Capital cũng dời hạn thanh toán khoảng 8 ngàn tỷ đồng trái
phiếu.
Đa phần các công ty nói trên đều khất nợ được
thêm hai năm, sang năm 2025 và 2026, trong khi bức tranh ảm đạm trên toàn quốc
là tình trạng chậm trả tiền lời vẫn diễn ra.
Tính đến ngày 3/10, có khoảng 69 công ty nằm trong danh sách chậm trễ thanh toán tiền lời hoặc nợ gốc trái phiếu, theo thông báo của sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ước tính tổng dư nợ trái phiếu của nhóm này hơn 176 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 18% toàn thị trường.
3/ THÊM MỘT FACEBOOKER BỊ CẤM XUẤT CẢNH
Bạo quyền VN mới đây đã cấm xuất cảnh đối với bà Ngô Thị
Oanh Phương, người được biết đến rộng rãi trên mạng có tên Phuong Ngô vì thường
lên tiếng về nhiều vấn đề trong xã hội và nhiệt tình chống tiêu cực trong nhiều
năm qua.
Công an phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất đã không cho bà
Phương xuất cảnh vào sáng sớm hôm 5/10 sau khi bà đã hoàn tất thủ tục lên máy
bay từ Sài Gòn đến thủ đô Tokyo của Nhật Bản.
Hai công an phi trường và một đại diện hãng hàng không
Japan Airlines đã lập biên bản về việc “tạm hoãn xuất cảnh” đối với bà Phương.
Tờ biên bản có đoạn viết rằng bà không được rời khỏi Việt Nam “vì lý do quốc
phòng, an ninh”.
Bà Phương 42 tuổi, thường trú ở Sài Gòn, đã nổi tiếng trên
mạng nhiều năm qua do tích cực lên tiếng chống bất công, trong đó đặc biệt nổi
bật là việc bà đấu tranh chống các trạm thu phí đường bộ đặt ở các vị trí bất
hợp lý và cứu trợ những người nguy khốn vì đại dịch Vũ Hán.
Trước trường hợp bà Ngô Thị Oanh Phương, bạo quyền Việt Nam đã cấm xuất cảnh đối với nhiều nhà đấu tranh và bất đồng chính kiến như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Luật sư Võ An Đôn, tín hữu Cao Đài Nguyễn Xuân Mai, tín đồ Tin Lành Y Sĩ Êban và Linh mục Trương Hoàng Vũ.
4/ THỦ TƯỚNG DO THÁI TUYÊN BỐ SẼ KHAI TỬ HAMAS
Trong khi loan báo thành lập “chính phủ đoàn kết khẩn cấp” và một “hội đồng chiến tranh” vào tối 11/10, Thủ tướng Do Thái Benjamin
Netanyahu cam kết sẽ “khai tử”
phong trào Hồi giáo Hamas.
Ông tuyên bố là “số
phận của mỗi chiến binh Hamas đã được an bài”. Thủ tướng Do Thái tuyên bố phong trào Hamas sẽ bị tiêu diệt sạch sẽ,
Do Thái sẽ khai
tử mỗi chiến binh Hamas.
Trên nguyên tắc vào
tối 11/10, chính phủ đoàn kết quốc gia Do Thái mới chính thức tuyên thệ trước quốc
hội, nhưng tất cả đã bắt tay ngay vào làm việc từ sáng sớm.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu và lãnh đạo đối lập, đảng Đoàn
kết thuộc cánh trung Benny Gantz, đã đồng ý thành lập một nội các liên minh
vì lợi ích quốc gia. Hai ông Netanyahu, Gantz và đương kim bộ trưởng quốc phòng
Yoav Gallant cùng tham gia trong hội đồng chiến tranh.
Cần biết ông Benny Gantz từng là một tướng chỉ huy quân đội
Do Thái và cũng từng là bộ trưởng quốc phòng trong giai đoạn từ năm 2020 đến
2022.
Nội
các chiến tranh này chỉ tồn tại trong thời chiến. Mọi dự luật mới, nhất là dự
luận liên quan đến việc cải tổ hệ thống tư pháp, đều bị đóng băng. Lãnh đạo
đảng Đoàn kết, ông Benny Gantz, giải
thích là mối quan hệ đối tác sẽ không mang tính chính trị, mà đây là quan
hệ đối tác vì vận mệnh chung.
Nội
các này được hình thành với trách nhiệm điều phối các chiến dịch quân sự. Về
mặt chính thức và thể theo một tiến trình khá phức tạp, tất cả những quyết định
đều sẽ phải được trình lên và có sự đồng ý của ủy ban đặc trách về an ninh.
Trong số những thành viên của tổ chức này có hai bộ trưởng thuộc cánh cực hữu là các ông Itamar Ben Gvir và Betsalel Smotrich. Liên minh mới tại quốc hội được mở rộng từ 64 lên thành 76 dân biểu. Đây là đa số cần thiết để thông qua mọi quyết định về một chiến dịch quân sự đánh vào Dải Gaza.
No comments:
Post a Comment