Wednesday, November 1, 2017

Ở nơi ấy có một sinh viên yêu nước

Đất Nước Đứng Lên

Người ta thiếu cái gì thì tìm kiếm cái đó, cũng có thể người ta đang tìm kiếm cái mà họ đang nắm giữ trong tay. Điều đó bàng bạc giống như chuyện sinh viên Việt Nam biểu lộ lòng yêu nước của mình qua những hành động cụ thể mà chúng ta đang tìm kiếm. Ở Việt Nam sinh viên có yêu nước không? Chắn chắn là có và có nhiều không? Chắn chắn đại đa số chứ chưa nói đến là tất cả. Chúng ta đang nắm giữ trong tay cả một thế hệ có trí tuệ và lòng yêu nước nồng nàn nhưng tại sao chúng ta phải đốt đuốc đi tìm?

Sinh viên Phan Kim Khánh, sinh năm 1993 là sinh viên năm cuối Khoa Quốc Tế, Đại học Thái Nguyên, đã bị nhà cầm quyền cộng sản đưa ra xét xử theo cái gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” trong điều 88 Bộ Luật Hình sự vào ngày 25 tháng 10 năm 2017.
Tuổi trẻ thức tỉnh.
Phan Kim Khánh thật là có phúc, vì người sinh viên trẻ này đã biết ‘thức tỉnh’, sự thức tỉnh của Khánh được tỏ hiện rõ ràng bằng thái độ sống và hành động của mình. Nó được diễn tả sinh động qua tư tưởng, hành động, suy nghĩ về hiện tình đất nước.
Khánh có thể lựa chọn cho mình sự im lặng, thờ ơ, lạnh lùng với xã hội, với con người như nhiều sinh viên chúng ta biết, thấy qua các phương tiện truyền thông, họ bê tha trong rượu chè, chìm đắm trong nhục dục. Thế nhưng Khánh đã vượt qua những cám dỗ thường tình của đời sống đó mà dấn thân trên con đường đầy chông gai, tù đày. Một tinh thần đã vượt qua mức so sánh hơn _ thiệt, được _ mất khi quyết định bước đi trên con đường hẹp.
Khánh đã đặt ưu tiên cho quê hương dân tộc hơn là ưu tiên cho bản thân mình, ở độ tuổi thanh xuân nhưng Khánh không tiếc mà ném thân mình vào nơi tù tội. Giữa sự thế thăng trầm, Khánh đã biết chọn đường ngay lẽ phải mà đi, dám can đảm để chọn lựa những việc làm mà ít người dám làm hoặc không muốn làm.
Và hành động.
Việc làm của Khánh là gì? Từ năm 2015, sinh viên Phan Kim Khánh lập và điều hành hai blogs có tên vietnamweek.net và baothamnhung.com. Trên hai blogs đó có những bài viết chống tham nhũng trong giới lãnh đạo đảng và tập đoàn cầm quyền Việt Nam cũng như lập ba tài khoản Facebook có tên :Báo Tham Nhũng, Tuần Việt Nam và Dân chủ TV. Bên cạnh đó là hai kênh YouTube Việt Báo TV và Vietnam Online. Những nội dung được đăng tải trên đó bàn về thực trạng hiện nay tại Việt Nam.
Nhìn trên nền tảng pháp luật thì những việc làm của Khánh được bảo vệ và không bị cấm, đó là sự tôn trọng các nguyên tắc phổ quát về quyền biểu đạt, quyền tự do ngôn luận và báo chí. Nhìn về chiều sâu lương tâm thì phải khẳng định Khánh là người yêu nước nồng nàn, có tấm lòng vì mọi người và dân tộc. Một sinh viên trẻ dám can đảm lên tiếng về thực trạng có chiều hướng và khuôn khổ xấu xa của hệ thống lãnh đạo khiến đất nước lạc hậu và dân tình lầm than đói khổ.
Chế độ sợ hãi.
Tại sao những việc làm đáng được khích lệ như Khánh đang làm là chống tham nhũng, lên án sự bất công trong xã hội mà lại bị nhà cầm quyền bắt giam, đem ra xét xử như phường tội lỗi? Vì Khánh đã vận dụng suy nghĩ, lấy trí tuệ và sức lực của mình để chống lại cái xấu, điều đó làm kinh động đến hệ thống cầm quyền từ trên xuống dưới đang ăn tàn phá hoại đất nước, đang nhũng loạn tham ô từng đồng xu cắc bạc của dân.
Những việc làm của sinh viên Khánh như chạm vào mạnh máu chứa nỗi sợ thực tế và có phần ảo tưởng của nhà cầm quyền như:
_ Sợ hãi vì mình làm điều xấu xa bị người khác phơi bày sự thật.
_ Sợ hãi vì sự căm hận của lòng dân đối với mình khi trộm cắp, vơ vét tài sản của họ bằng quyền lực.
_ Sợ hãi vì sức mạnh của tuổi trẻ có trí thức khuấy động vào tâm thức của quần chúng, khơi dậy sự thức tỉnh biết đòi quyền lợi trong người dân.
_ Sợ hãi, lo lắng một ngày nào đó sẽ bị nhân dân trả thù vì những tội ác tàn độc khi còn đang cầm quyền.
Ở nơi ấy, Thái Nguyên có Phan Kim Khánh yêu nước. Và còn rất nhiều sinh viên, bạn trẻ khác trên đất nước này đang nung nấu một ý chí, một lòng dạ dựng xây quê hương giàu mạnh và trường tồn. Những vụ bắt bớ xét xử người yêu nước là các bạn trẻ, sinh viên trong nhiều năm qua cho ta một niềm hy vọng: Đất nước còn nhiều Hồng Phúc lắm thay!
Paulus Lê Sơn

No comments:

Post a Comment