Một mối nguy hiểm rất lớn đang đe dọa toàn bộ thể chế hành chính, lập pháp và hơn 90 triệu người dân nước Việt: chính sách “nhất thể hóa” của đảng cầm quyền sẽ biến hóa tình trạng độc tài tập thể thành độc tài cá nhân, đẩy vọt vị thế “độc tôn tham nhũng” của các lãnh chúa địa phương, phát sinh nạn cát cứ quyền lực cùng sứ quân địa phương lan rộng, dẫn đến chia tách từng mảng vùng miền và còn có thể làm méo mó xáo trộn bản đồ Việt Nam.
Đó là chủ trương dự kiến “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân.”
Hội Nghị Trung Ương 6 của đảng cầm quyền diễn ra vào nửa đầu Tháng Mười, 2017 đã vừa xoáy mạnh vào “tinh gọn bộ máy” cùng “nhất thể hóa.” Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, chủ đề “nhất thể hóa” được đảng chi tiết hóa một cách ráo riết như hiện thời.
Nhưng vẫn còn một câu hỏi: “nhất thể hóa” chỉ tiến hành ở quy mô cấp xã và huyện thôi hay còn “lên” nữa?
Cho dù ý chí của Tổng Bí Thư Trọng tại Hội Nghị Trung Ương 6 đề cập về “quy mô xã, huyện,” nhưng ngay sau hội nghị này, đã có những quan chức có trách nhiệm của đảng nói thẳng về tương lai gần nhất thể hóa là “bí thư tỉnh kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân tỉnh.” Cựu Thứ Trưởng Nội Vụ Nguyễn Tiến Dĩnh và Phó Bí Thư Thường Trực Tỉnh Ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng là những quan chức phát ra thông điệp trần trụi như thế.
Trong khi đó, giới quan chức, đặc biệt là những quan chức về hưu, lại bộc lộ mối lo ngại về việc “nếu nhất thể hóa chức danh đảng và chính quyền mà không chọn được người có đủ tài và tâm thì nguy cơ tha hóa và tiêu cực sẽ rất lớn.”
Vào khoảng thời gian cuối năm 2015, trước Đại Hội 12, giới lý luận của đảng đã bắt đầu bộc lộ mối lo ngại về nạn cát cứ quyền lực ở nhiều địa phương. Khi đó, đã bắt đầu rộ lên phong trào “đánh nhau lớn” ở Yên Bái, Thanh Hóa, Đà Nẵng và “đánh nhỏ” ở nhiều tỉnh thành khác. Cũng vào thời gian cuối năm 2015, có nhiều dấu hiệu cho thấy thực trạng sứ quân và cát cứ quyền lực địa phương đã trở thành mối lo sợ lớn nhất của đảng, chứ không phải là “thế lực thù địch” hay phong trào dân chủ nhân quyền trong nước.
Tương lai trở về thời lãnh chúa địa phương lại được củng cố bởi một dấu hỏi – nghi ngờ quá lớn chưa hề được giải đáp: vì sao khi “nhất thể hóa 3 thành 1,” đảng lại hầu như không đưa ra bất kỳ cơ chế nào để kiểm soát quyền lực? Có phải đảng muốn lờ đi cơ chế kiểm soát quyền lực để không còn cơ quan nào có thể giám sát những gì đảng sẽ làm?
Thậm chí sau một thời gian thực hiện “3 thành 1” mà chẳng bị kiểm soát quyền lực, rất dễ để “giới tinh hoa” của đảng coi sóc linh hồn dân ở nhiều địa phương sẽ biến những địa phương đó thành một vương quốc riêng của mình. Thậm chí rất có thể sẽ xuất hiện những “chính ủy chuyên quyền” tham vọng và liều lĩnh nhất khi nghĩ đến việc tự trang bị cho địa phương mình một “lực lượng vũ trang” riêng, bao gồm vừa công an vừa quân đội…
Cấp tỉnh thành e rằng vẫn chưa phải hết. Vì “nhất thể hóa” ở cấp xã , huyện và tỉnh thành mới chỉ mang tính “thí điểm.” Điều gì sẽ tiếp đến sau chiến dịch thí điểm này? Sẽ “nhất thể hóa” các chức danh đảng và chính quyền ở cấp cao hơn – trung ương đảng, nhà nước và chính phủ?
Đó là một khả năng hoàn toàn không viển vông. Nếu kịch bản “chủ tịch nước kiêm tổng bí thư” đã được đảng đưa ra bàn trong vòng 15 năm qua và ngày càng bàn rôm rả lẫn quyết tâm theo “mô hình Tập Cận Bình” ở Trung Quốc, thì tương lai “gom” hai chức danh mà hiện thời đang thuộc ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trần Đại Quang làm một sẽ không phải quá xa xôi.
Chỉ còn là bài toán quá khó giải: nếu ông Trọng kiêm chủ tịch nước thì ông Quang đi đâu, hoặc ông Quang kiêm tổng bí thư thì ông Trọng đi đâu…
Vẫn chưa phải hết. Mô hình “nhất thể hóa” chức danh và cả nội dung giữa đảng và chính quyền tất yếu phải dẫn đến cơ chế “gom” hai vị trị tổng bí thư và thủ tướng chính phủ làm một, theo đúng tinh thần “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân” ở cấp tỉnh thành đã được “thí điểm.”
Khi đó, nếu ông Trọng kiêm thủ tướng thì ông Phúc sẽ làm gì, và ngược lại, nếu ông Phúc kiêm tổng bí thư thì ông Trọng sẽ đi đâu?
Nhưng những đề án tinh gọn bộ máy trước đây không đến nỗi tham vọng ghê gớm như cơ chế “chính ủy chuyên quyền” tước sạch các quyền dân như hiện nay.
Cuối cùng, không thể không nói đến Quốc Hội và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Nếu chiếu theo tinh thần “bí thư kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân” mà đã được “thí điểm” ở các tỉnh thành, vai trò của Quốc Hội, cho dù có được cho giữ lại mà không phải giải thể, cũng chẳng còn tác dụng gì nữa. Sẽ không còn chuyện Quốc Hội được giám sát hoạt động của Chính phủ, càng không có chuyện Quốc Hội nhòm ngó vào các đề án kinh tế và đặc biệt là tình hình tài chính, ngân sách của chính phủ lẫn của đảng. Khi đó, toàn bộ ghế và quyền lập pháp sẽ vào tay đảng trị. Khi đó, bà Kim Ngân sẽ biết làm gì cho hết ngày giờ?
Phạm Chí Dũng
No comments:
Post a Comment