Bão Damrey đổ bộ vào Việt Nam: 20 người chết, 17 người mất tích
6 giờ sáng ngày 4/11, bão Damrey, còn gọi là bão số 12 với vận tốc gió 135 km/giờ, bắt đầu đổ bộ vào vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, kéo dài suốt 9 tiếng, khiến 20 nạn nhân tử vong, 17 thuyền viên mất tích, hơn 500 nhà bị sập, khoảng 23,000 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trong số 20 tử vong, riêng Khánh Hòa có tới 12 người, tiếp đến là Bình Định và Lâm Đồng, mỗi tỉnh có 3 người thiệt mạng. 17 thuyền viên mất tích đều thuộc về số 7 tàu hàng bị chìm trên biển. Giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không cũng bị ảnh hưởng khiến hàng chục hành khách đã phải dừng tại các ga để tránh trú bão, và ít nhất 80 chuyến bay đã bị hủy bỏ. Cơn bão này cũng gây mưa lớn suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Nguy cơ ngập lụt ở những vùng trũng thấp và sạt lở đất ở vùng núi là rất cao.
Tân đại sứ Mỹ đã đến Hà Nội để cùng Tổng thống Donald Trump dự Hội nghị APEC
Chiều thứ Bảy, 4/11, các đại diện của các đại sứ quán tại Hà Nội đã đến Đại sứ quán Hoa Kỳ để tiễn ông Cựu đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius rời Việt Nam. Chỉ vài giờ sau, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tiếp đón tân đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink đến Việt Nam nhậm chức. Tân đại sứ Kritenbrink sẽ trình ủy nhiệm thư lên Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang vào đầu tuần này để chính thức đảm nhận chức vụ đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam. Ông sẽ cùng đi với Tổng thống Donald Trump dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng và chính thức thăm Việt Nam tại Hà Nội. Ngay trước khi được bổ nhiệm làm đại sứ ở Việt Nam, ông Kritenbrink là Cố vấn Cao cấp tại Bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách Chính sách đối với Triều Tiên.
Vấn đề Biển Đông không nằm trong nghị trình APEC
Sau khi vận động với nước chủ nhà là nước điều hành Hội nghị APEC năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Trung cộng Lý Bảo Đông vào thứ Sáu, 3/11 vừa qua khẳng định rằng vấn đề Biển Đông sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị APEC tại Việt Nam, và cũng không nằm trong các cuộc thảo luận xung quanh cuộc họp thượng đỉnh này. Ông hy vọng Hội nghị chỉ tập trung vào vấn đề hợp tác kinh tế của khu vực châu Á Thái-Bình- Dương mà thôi.
Oanh tạc cơ Mỹ và Nam Hàn tập trận trên bán đảo Triều Tiên
Thứ sáu, 03/11, hai oanh tạc cơ siêu âm B-1B của Mỹ, được hai chiến đấu cơ F-16 của Nam Hàn yểm trợ, đã thực tập oanh tạc các mục tiêu giả định trên một cánh đồng gần biển phía đông của Nam Hàn. Cuộc tập trận này nhằm phô trương sức mạnh đối với Bắc Hàn trước chuyến công du châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời để phản ứng trước việc Trung Quốc cho máy bay ném bom loại mới bay thử nghiệm tại vùng biển gần đảo Guam và Hawai, lãnh thổ Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. Trước sự việc này, báo chí Bắc Hàn tố cáo Mỹ là tìm cách gây chiến tranh nguyên tử, đồng thời cảnh báo Mỹ không nên hành động thiếu suy nghĩ.
Quốc hội Mỹ chuẩn bị trừng phạt quân đội Miến Điện
Quân đội Miến Điện từng bị tố cáo là có những hành động tàn ác nhắm vào cộng đồng người Rohingya. Vì thế, ngày 03/11 vừa qua, một nhóm dân biểu đã đệ trình lên Hạ viện Mỹ một dự luật trừng phạt quân đội và nhiều tướng lãnh của Miến Điện. Dự luật này hạn chế các hoạt động hợp tác quân sự với Miến Điện, đòi hỏi chính quyền Trump cấm các tướng tá có liên can đến những vụ bạo động người thiểu số Rohingya được nhập cảnh vào Mỹ. Tại Thượng viện, nhiều nghị sĩ cả hai đảng cũng đã đệ trình một dự luật tương tự. Vì được nhiều dân biểu và nghị sĩ cả hai đảng ủng hộ, nên dự luật này có nhiều triển vọng được cả Hạ viện lẫn Thượng viện thông qua.
Thủ tướng Hun Sen tuyên bố đảng Cứu quốc sẽ bị giải thể 100%
Ngày 4/10, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố trên truyền hình rằng Đảng Cứu quốc (còn gọi là Đảng Cứu Nguy Dân Tộc), tức đảng đối lập do ông ông Kem Sokha lãnh đạo, sẽ bị giải thể 100%, và ông này còn cho rằng đây là công việc cấp bách không thể không làm, vì đảng này là một đảng phản quốc. Cách đây 2 tháng, vào rạng sáng 3/9, ông Kem Sokha, 64 tuổi, lãnh đạo Đảng Cứu Quốc, đã bị bắt tại nhà riêng với cáo buộc “phản quốc”. Ông này đã bị đưa tới nhà tù bên ngoài Phnom Penh. Sau khi đảng Cứu quốc bị giải thể, thì hơn 100 cán bộ cấp cao của đảng này sẽ bị cấm tham gia chính trị trong thời gian 5 năm. Cũng theo ông Hunsen, ngày 16/11 tới đây, Tòa án Tối cao, cơ quan duy nhất có quyền giải thể đảng phái chính trị, sẽ phán quyết về số phận của đảng Cứu quốc, và phán quyết này là phán quyết cuối cùng không còn ai có quyền kháng cáo nữa.
Bất chấp bị Trung cộng phản đối, Tổng thống Đài Loan vẫn thăm viếng đảo Guam
Ngày 3/11, trên đường trở về Đài Loan sau khi thăm các đồng minh ngoại giao tại Thái Bình Dương, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã ghé thăm đảo Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương, bất chấp bị Trung cộng phản đối mạnh mẽ và vào thời điểm Tổng thống Donald Trump sắp đến Bắc Kinh vào tuần tới.
Guam là nơi có căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ và sẽ là vị trí quan trọng cho bất cứ sự trợ giúp nào của Mỹ đối với Đài Loan trong trường hợp có xung đột với Trung cộng. Trong cuộc gặp gỡ với Tổng Thống Thái Anh Văn, Ông James Moriarty, Chủ tịch Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, nhấn mạnh rằng Hawaii, Guam và Đài Loan ràng buộc với nhau không chỉ bởi Thái Bình Dương nhưng còn vì “khát vọng dân chủ.” Còn bà Thái Anh Văn mô tả Guam như là “phần đất của Hoa Kỳ gần Đài Loan nhất” và nói thêm rằng “nhân dân Đài Loan cám ơn sự ủng hộ của người dân đảo Guam.”
No comments:
Post a Comment