Tập Cận Bình đã được nâng lên gần ngang hàng với Mao Trạch Đông trên bảng phong thần những lãnh tụ Cộng Sản Trung Quốc. Trước khi kết thúc, đại hội đảng lần thứ 19 đã biểu quyết ghi “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào cương lĩnh đảng. Trong gần 100 năm lịch sử, Cộng Sản Trung Quốc chỉ ghi tên hai người với vai trò lý thuyết gia là Mao và Đặng. “Tư tưởng Mao Trạch Đông” được coi là chủ đạo từ năm 1945. “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, khi ông ta xóa bỏ chính sách tập thể hóa của họ Mao, bắt đầu đổi mới kinh tế theo lối tư bản, được ghi vào cương lĩnh từ năm 1997, sau khi họ Đặng qua đời. Tập Cận Bình có thể coi đã đạt địa vị cao hơn Đặng Tiểu Bình; vì giờ này Tập vẫn còn sống. Hơn nữa, “Tư tưởng” chắc chắn được coi trọng hơn “Lý luận”.
Nhưng Tư tưởng Tập Cận Bình là cái gì?
Bản Cương lĩnh của Trung Cộng viết đầy đủ 16 chữ “Tư tưởng Tập Cận
Bình (về) Chủ nghĩa Xã hội (với) Đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại mới”.
Điều được nhấn mạnh ở đây là “Tư tưởng Tập Cận Bình” vẫn được coi là
một thứ “chủ nghĩa xã hội”. 4 chữ này đã được dùng hơn 200 năm nay, ý
nghĩa đã hao mòn, rỉ sét, khó biết được nội dung chứa những gì. Mao
Trạch Đông có thể coi là người có sáng kiến biến đổi chủ nghĩa
Marx-Lenin áp dụng vào nước Tàu: Cho nông dân đóng vai chính thay cho
công nhân trong giấc mộng hoang đường của Karl Marx. Cuộc cách mạng vô
sản toàn thế giới Mao muốn thực hiện sẽ “lấy nông thôn bao vây thành
thị”, dùng các nước Châu Á, Châu Phi bao vây các nước tư bản Âu Mỹ.
Nhưng còn cái gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình, nó là cái gì?
Trong mấy năm qua, chánh văn phòng của Tập là Lật Chiến Thư đã đề ra
từ ngữ Tư tưởng Tập Cận Bình. Lật Chiến Thư gom các bài diễn văn của ông
chủ in thành sách, bắt quân đội và học sinh phải học tập. Nội dung
những diễn văn đó gồm các khẩu hiệu và chính sách đối phó với các vấn đề
thực tế, đã được Tập Cận Bình nói trong 5 năm qua. Nếu gọi đó là “Chính
sách Tập Cận Bình” thì đúng nghĩa hơn là “Tư tưởng”! Nhưng ngay các
chính sách đó cũng chỉ được họ Tập nêu ra như là những mục tiêu muốn đạt
tới, chứ chưa được áp dụng và thi hành! Nên gọi đó là những “mơ ước”
đúng hơn là chương trình hay đường lối. Tập Cận Bình đã tóm tắt trong ba
chữ “Trung Quốc Mộng”.
Đối với người dân Trung Hoa trong lục địa, có lẽ phần hấp dẫn nhất
trong Tư tưởng Tập Cận Bình là chính sách ngoại giao của ông ta. Đầu năm
nay, đài truyền hình của đảng Cộng Sản đã chiếu một chương trình dài về
những thành tích ngoại giao của Tập Cận Bình. Ý tưởng chính được đề cao
là: Nước Trung Hoa đang được cả thế giới kính nể!
Tập Cận Bình tấn công đúng một nhược điểm trong tâm lý người dân nước
Tàu: Họ vẫn xấu hổ và còn uất hận khi nhớ đến hơn một thế kỷ bị thế
giới khinh khi. Tập Cận Bình hứa hẹn một tương lai huy hoàng, người
Trung Hoa đi tới đâu cũng được kính trọng, qua hình ảnh chính ông ta khi
gặp nữ hoàng Anh hoặc tổng thống Mỹ. Nhưng tham vọng của Tập Cận Bình
cao hơn việc gây ảnh hưởng bằng tiền hoặc bắt ép buộc bằng súng đạn.
Trong chương trình dài hạn, ông ta còn muốn cả thế giới phải ngưỡng mộ
và học hỏi “văn minh Trung Quốc”. Đó gọi là “chiến lược sức mạnh mềm”.
Nhưng sự thật là hiện nay trên thế giới người ta không thấy một thứ
gì của Trung Quốc đáng làm gương cho mọi người bắt chước. Không có một
nhãn hiệu hàng tiêu thụ nào của Trung Quốc được người ta giành mua, như
xe hơi Nhật Bản hay điện thoại cầm tay của Mỹ. Trung cộng cũng không sản
xuất được một sản phẩm văn hóa nào thu hút người ngoại quốc, nhất là
giới trẻ, như phim ảnh, sách báo, ca nhạc. Hy vọng của Tập Cận Bình là
Trung Quốc sẽ “làm gương” cho cả loài người một “mô hình” làm mẫu về
cách tổ chức xã hội, kinh tế, chính trị để mang lại hạnh phúc cho con
người, có thể so sánh với những mô hình xã hội tự do, dân chủ của Tây
phương.
Đó quả là một “giấc mộng lớn”. Vì cho tới nay, chưa thấy có dấu hiệu
nào điều Tập Cận Bình mơ ước có thể thành sự thực. Kinh tế Trung Quốc
đang trì trệ, càng chậm cải tổ càng nguy hiểm. Chế độ độc tài toàn trị
của Trung Cộng chắc chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng và ông Duterte muốn bắt
chước.
Chính cái gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình” cũng chỉ là một cái thùng
rỗng. Theo một giáo sư Đại Học Bắc Kinh nhận xét, mặc dù Tập Cận Bình đã
thâu tóm được rất nhiều quyền lực, nhưng suốt 5 năm qua không thấy một
chính sách nào của ông ta được thi hành để cải tổ hệ thống kinh tế, nâng
cao mức sống của nông dân và giảm bớt bất công xã hội. Đó là những điều
ông ta vẫn hô hào. Một lý do gây ra tình trạng này là, cả hệ thống hành
chánh của đảng cũng như của nhà nước đang trở nên ù lì, có thể gọi là
bị tê liệt, vì sợ bị tố cáo tham nhũng. Vị giáo sư này so sánh: Mao và
Đặng nói, lời họ nói đưa tới những hành động cụ thể, gây kết quả rõ
ràng. Họ đúng là “Hạch Tâm Lãnh Đạo” (lãnh đạo hạt nhân), còn Tập Cận
Bình cũng nói, mà không thấy điều nào được thực hiện cả. Đó là một hạt
nhân trống rỗng!
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment