Tuesday, November 28, 2017

Bộ TN&MT tiếp tay cho Formosa phạm luật

Đất Nước Đứng Lên

Trở lại facebook bằng chủ đề liên quan đến Formosa, thực ra tôi chẳng lấy gì làm vui vẻ. Thế nhưng, chuyện này không thể không nói. Nó không đơn thuần là vấn đề Formosa được xả thải vượt chuẩn, mà quan trọng hơn nó là vấn đề thái độ của cơ quan công quyền trong việc vận hành pháp luật.
Theo quy chuẩn Việt Nam về khí thải của ngành công nghiệp luyện thép, hàm lượng oxy tham chiếu là 7%. Thế nhưng, kỳ lạ là riêng Formosa lại được áp dụng một hàm lượng khác.

Cụ thể, ngày 10/12/2013, Formosa có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề khí thải trong công đoạn thiêu kết của quy trình luyện thép.
Ngày 9/1/2014, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến phúc đáp, cho phép Formosa được áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu trong khí thải là 15%, thay vì 7% như QCVN 51:2013/BTNMT đã ban hành.
Như tôi đã nói rất nhiều lần, nếu các nhà máy thép, trong quá trình hoạt động có thể đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về việc bảo vệ môi trường thì tôi luôn ủng hộ. Hơn bao giờ hết, đất nước cần dồn mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, nếu không muốn tụt lại ở cuối con đường.
Tuy nhiên, nếu các nhà máy thép không đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường thì dù nó có lớn đến đâu đi chăng nữa, dù nó có đóng góp những con số đẹp cho các báo cáo về GDP thì tôi vẫn không đồng thuận. Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định không thể đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Và thực ra, chúng ta đã ăn vào môi trường quá nhiều. Đã đến lúc thế hệ hôm nay cần chấm dứt việc ăn vào cả tương lai của con cháu mình.
Dự án thép Formosa với những bê bối đi vào lịch sử quản lý môi trường ở Việt Nam không còn phải nói nữa. Chính phủ đã quyết tâm giữ dự án này thì phải bảo đảm nó được vận hành theo đúng quy định của pháp luật về quản lý kinh tế và đặc biệt là quản lý môi trường.
Việc cho phép nhà máy thép Formosa áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu cao gấp đôi mức tham chiếu trong quy chuẩn quốc gia, xét về mặt kinh tế là tạo ra một môi trường cạnh tranh bất bình đẳng. Tại sao các nhà máy thép khác phải áp dụng đúng quy chuẩn mà Formosa lại được đặc cách?
Xét về vấn đề môi trường, tôi chưa bàn đến hàm lượng oxy tham chiếu lên 15% thì sẽ gây ra vấn đề gì, có khiến môi trường bị ô nhiễm hay không. Tuy nhiên, mọi quy chuẩn với những thông số rất cụ thể được đưa ra đều có căn cứ và cơ sở khoa học của nó. Trong khi đó, chính quy chuẩn khí thải ngành luyện thép đã quy định các nhà máy thép phải tuân thủ.
Khi cho phép Formosa áp dụng hàm lượng tham chiếu 15%, ông Bùi Cách Tuyến giải thích rằng một số nước cũng áp dụng mức này. Nhưng thật buồn cười là chính ông Bùi Cách Tuyến lại là người ký Thông tư ban hành quy chuẩn khí thải đối với ngành luyện thép, trong đó giới hạn hàm lượng oxy tham chiếu là 7%. Nói nôm na là vị thứ trưởng này đưa ra quy định 7%, rồi chính ông ấy cho phép một doanh nghiệp được đặc cách.
Tôi đọc Luật Bảo vệ môi trường 2005 (thời điểm đó vẫn áp dụng luật này) thấy có quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Tiêu chuẩn môi trường cụ thể ở đây là Quy chuẩn Việt Nam về khí thải trong ngành công nghiệp luyện thép. Tức là theo luật, Formosa phải xử lý khí thải đạt quy chuẩn.
Tôi đọc đi đọc lại Luật Bảo vệ môi trường 2005 và không thấy có quy định nào cho phép Bộ Tài nguyên và Môi trường được quyền đặc cách cho một doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn quốc gia.
Trong câu chuyện này, chưa bàn đến hệ luỵ môi trường có hay không, mà chỉ bàn đến việc một cơ quan quản lý ngành lại cho phép doanh nghiệp đứng trên quy định pháp luật là rất không ổn. Bởi, hành động cho phép ấy chứng tỏ cơ quan vận hành pháp luật đã không tôn trọng chính những quy định mà họ ban hành.
Nhân dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Nhưng cơ quan công quyền thì chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Có như vậy mới bảo đảm không tồn tại những hành vi lạm quyền trong quá trình vận hành bộ máy.
Tiếc là, những ống khói của nhà máy thép Formosa lại vẽ lên bầu trời một bức tranh nhá nhem về ứng xử pháp luật tại Việt Nam.
Bạch Hoàn

No comments:

Post a Comment