Hàng triệu độc giả của báo chí và cộng đồng mạng đang theo dõi vụ “tài xế dùng tiền lẻ khi qua trạm thu phí Cai Lậy”, với cả sự hồi hộp lẫn thích thú. Vụ Cai Lậy sau này chắc sẽ còn được kể lại nhiều lần như một chuyện vui. Nhưng còn hơn thế nữa: Những người lái xe dùng tiền lẻ đóng phí đã mang đến cho chúng ta một ví dụ tuyệt vời về phản kháng dân sự phi bạo lực, “hay lắm, đẹp lắm, có thể viết thành sách”.
Bản chất của vụ dựng chốt thu phí ở BOT Cai Lậy là Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (Giám đốc: Nguyễn Phú Hiệp) lập một trạm thu phí trên Quốc lộ 1. Trước đây, họ đã đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) tuyến đường tránh 12 km thuộc thị xã Cai Lậy. Tuy nhiên, thay vì đặt trạm thu phí ở đường tránh thì công ty lại “xếp nhầm” nó vào Quốc lộ 1, khiến cho ngay cả những người không sử dụng đường tránh mà đi qua Quốc lộ 1 cũng phải nộp tiền. Và vì Quốc lộ 1 là đường giao thông huyết mạch với hàng chục nghìn lượt xe qua lại mỗi ngày, việc chặn đường thu phí như vậy bảo đảm nhà đầu tư không để lọt “con mồi”, ngược lại, thu được số tiền vô cùng lớn: Mỗi xe đi qua, tối thiểu cũng phải nộp 35.000 đồng/lượt (xe bốn chỗ), tối đa lên tới 180.000 đồng/lượt (xe container).
Hai điều khiến các lái xe phẫn nộ là trạm bị đặt sai chỗ và mức phí quá cao. Thứ nhất là trạm nằm trên quốc lộ nên kể cả người không sử dụng đường tránh cũng phải đóng tiền. Thứ hai là mức phí bất hợp lý. Anh Vũ Huy Hoàng, một tài xế 45 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Một tuyến đường tránh chỉ dài 12 km mà áp phí gần bằng đường cao tốc Trung Lương 50 km. Tôi lái xe bốn chỗ vào đường cao tốc Trung Lương, mất 40.000 đồng, mà qua Cai Lậy mất 35.000 đồng”.
“Bên công ty đầu tư lý giải là ngoài làm đường tránh, họ còn “tăng cường mặt đường” 26 km trên Quốc lộ 1 nữa. Thật ra họ chỉ phủ nhựa một số chỗ, dặm vá lại một số ổ gà và sơn phết lại vài cây cầu. Trong khi đó, đúng ra, Quốc lộ 1 phải được tu sửa bằng tiền ngân sách nhà nước, trong đó có khoản phí cầu đường mà các xe hàng năm đều đóng. Trong giá xăng cũng đã tính cả phí cầu đường rồi” – anh Hoàng nói rõ.
Lâu nay, tình trạng lập trạm bừa bãi (đường một nơi, trạm một nẻo) để thu phí BOT và nạn phí chồng phí đã xảy ra ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Nhưng chỉ đến khi các lái xe nhìn ra được những điều bất hợp lý đó, phản kháng dân sự mới bắt đầu.
Tháng 4/2017, hàng trăm tài xế điều khiển xe di chuyển với tốc độ rùa bò qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 (Nghệ An), gây ách tắc giao thông. Còn “chiến dịch tiền lẻ” ở Cai Lậy mở màn vào khoảng ngày 1/8/2017.
Bài học đầu tiên: phải hiểu biết
Trả lời câu hỏi, “vì sao các trạm BOT khác không có vấn đề gì mà Cai Lậy mới lập được hơn một tuần đã có chuyện”, anh Vũ Huy Hoàng nhận định: “Quan trọng là bây giờ tài xế bắt đầu nhìn nhận được những bất công, bất hợp lý trong chính sách rồi. Người ta có nhận thức hơn rồi. Vụ Cai Lậy này, tôi nghĩ là có “học tập kinh nghiệm” từ vụ cầu Bến Thủy”.
Kinh nghiệm đó đã từng được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội, trong những nhóm Facebook của các tài xế.
Ba ngày đầu tiên (1-3/8), theo phản ánh của nhà đầu tư, có bảy xe “dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500, 1.000 đồng vo tròn để trong chai nhựa, túi nhựa hoặc đưa từng tờ tiền lẻ rồi buộc nhân viên kiểm đếm lại nhiều lần” (Thanh Niên, 5/8/2017).
Trạm thu phí phản ứng ngay: Hễ xe nào đi qua mà có hiện tượng trả tiền lẻ thì nhân viên thu phí nhấn nút, còi hụ ầm ĩ lên và lập tức có người của trạm vác máy ra quay phim, chụp hình xe đó, ghi biển số lại. Ngày 7/8, trả lời phỏng vấn báo Infonet, luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Công ty Luật IPIC – nhận định rằng hành vi bỏ tiền lẻ vào chai nhựa, gây ùn tắc giao thông, là có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng và có thể bị phạt tù 2-7 năm.
“Thật ra lúc ấy anh em cũng hoang mang” – anh Hoàng kể. “Nhưng rồi có người có ý kiến là việc gì pháp luật không cấm thì ta có quyền làm, mà chưa có văn bản nào cấm sử dụng tiền lẻ cả, đừng nghe hù dọa. Thế là anh em vững dạ làm tới thôi”.
“Hôm đầu tiên còn ít xe dùng tiền lẻ thì trạm đối phó bằng cách cho các xe trả tiền lẻ đi vào len (lane – làn đường) dự phòng, đứng ở đó chờ nhân viên trạm ra đếm tiền. Qua ngày thứ hai, thứ ba, nhiều người hưởng ứng hơn, rồi đông quá, không đủ len dự phòng nữa, trạm đành chịu. Thế rồi nghẽn hết cả, nhiều lúc trạm phải xả cửa, không thu tiền, cho xe qua miễn phí để giải tỏa ách tắc”.
Các tài xế cũng không nhét tiền vào chai nhựa nữa mà đưa cả bó. VnExpress ghi lại, chiều 9/8, có khoảng 10 xe trả tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng khi qua trạm BOT Cai Lậy, gây ùn tắc kéo dài tới 4km.
Có thể thấy ngay bài học đầu tiên mà các “tài xế tiền lẻ” ở Cai Lậy đem đến, là phải hiểu biết: nhận ra những điều bất hợp lý, hiểu quyền của mình, hiểu mình không sai, hiểu cái nguyên tắc cao nhất của pháp luật là người dân được làm mọi thứ pháp luật không cấm.
Đoan Trang
No comments:
Post a Comment