Monday, October 17, 2016

Tin Tức Ngày Chủ Nhật, 16.10.2016

TinTức

Liên Hiệp Quốc đòi hỏi Việt Nam phải bỏ điều 88 và 79 bộ luật hình sự
Trong thông cáo ra ngày 14/10, người đứng đầu Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là ông Al Hussein đã bày tỏ lo ngại về việc CSVN bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhiều nhà đấu tranh khác, đặc biệt những người bị bắt và bị tù vì tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật hình sự. Ông Hussein nói: Điều 88 có thể kết án bất kỳ công dân nào đã sử dụng quyền tự do để bày tỏ chính kiến và phê phán chính phủ. Ông kêu gọi chính phủ Việt Nam tuân hành luật nhân quyền đồng thời trả tự do cho tất cả những ai bị giam giữ liên quan đến điều luật 88 này. CSVN chưa phản ứng gì về lời kêu gọi này của Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Giáo dân Phú Yên rất phẫn nộ về văn thư của UBND tỉnh Nghệ An đề nghị tòa Giám mục Vinh chấm dứt những hoạt động mục vụ của Linh mục Đặng Hữu Nam
Khi đọc những lời dối trá trong công văn của UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Giám mục Giáo phận Vinh chấm dứt những hoạt động mục vụ của Linh mục Đặng Hữu Nam, giáo dân Phú Yên đã tỏ ra rất phẫn nộ. Vì thế, chiều ngày 14/10, bà con giáo dân đã tập trung đông đảo đến gặp cha Nam để chia sẻ ý muốn đồng hành với ngài. Họ cũng có ý định đến các UBND xã, huyện để phản đối hành động sai trái này, nhưng ngài đã ngăn cản. Đối với họ, Linh mục Nam là mục tử tốt lành, sẵn sàng đồng hành với giáo dân và tranh đấu cho quyền lợi của họ.

Bộ trưởng Công Thương tuyên bố: Tội hủy hoại môi trường sẽ bị trừng trị
Hàng tấn cá đã chết tại Hồ Tây Hà Nội, tại sông Sàigòn và một số sông rạch khác, tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam cũng ở mức báo động. Trước tình trạng ô nhiễm cao độ tràn lan tại Việt Nam, ngày 6/10, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, cũng là con trai Cố chủ tịch nước Trần Đức Lương, đã triệu tập một cuộc họp khẩn gồm lãnh đạo các tập đoàn và tổng công ty lớn của ngành. Ông tuyên bố sẽ đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm và coi việc tàn phá môi trường là một tội hình sự. Nhưng quá kinh nghiệm về những hứa hẹn của các cán bộ cộng sản, người dân đã tỏ ra hoàn toàn không tin.

Sau 3 năm, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc phường Quỳnh Xuân, Nghệ An bị “lòi mặt chuột” đã biển thủ tiền cứu trợ nạn lụt năm 2013
Năm 2013, sau trận lũ lụt lịch sử tại Nghệ An, nhiều gia đình lâm cảnh trắng tay. Nhiều tổ chức, cá nhân trên cả nước đã cùng nhau quyên góp giúp đỡ đồng bào bị nạn. Các hộ dân có tên trong danh sách được cứu trợ, sau khi nhận được tiền, thì phường xin lại hơn phân nửa với lý do để chia bớt cho những hộ khác không nằm trong danh sách được nhận tiền. Sau 3 năm, sự việc tình cờ bị phanh phui, người dân mới biết số tiền thu lại đó là 33 triệu đồng đã được nộp lại cho Chủ tịch Mặt trận tổ quốc phường Quỳnh Xuân thời điểm đó. Nhưng số tiền này không được thực hiện như đã thông báo. Ngoài ra, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân còn cho biết: trong danh sách những nạn nhân được nhận tiền cứu trợ lụt, thì hầu hết là người nhà của các cán bộ trong phường.

200 người dân biểu tình trước Khu công nghiệp Lai Vu, 1 người nhập viện
Cách đây 14 năm, do tiền bồi thường để giải phóng mặt bằng cho Khu công nghiệp Lai Vu không thỏa đáng, nên có 316 hộ dân ở đây đã không nhận tiền. Vì thế, khoảng 200 người dân, đa số là phụ nữ ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, đã đến trước khu công nghiệp Lai Vu suốt 5 ngày qua để biểu tình. Họ dùng những chiếc xe đạp làm hàng rào chặn cổng để phản đối. Sự việc này khiến cho đoạn quốc lộ 5 qua trước khu công nghiệp bị ách tắc, công nhân công ty Tinh Vũ phải nghỉ việc nhiều ngày nay. Trước sự việc này, công an đã đánh một phụ nữ bị thương phải nhập viện. Người dân đã dùng phân bò hắt vào phía công an để tự vệ.

Nga và Trung cộng cũng quan tâm đến kết quả bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ
Dân chúng và các chính trị gia của nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới tại Hoa Kỳ, nhất là Nga và Trung cộng, vì nó có thể ảnh hưởng quan trọng đến chính quốc gia họ. Một cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin mới nói với phóng viên đài CNN rằng: nếu bà Hillary Clinton thắng trong cuộc bầu cử sắp tới tại Hoa Kỳ thì “sẽ có chiến tranh”. Để phòng bị chiến tranh và để sẵn sàng ứng chiến, Nga đã đưa giàn hỏa tiễn Iskander-M đến Aliningrad ở phía Bắc Ba Lan và Lithuania. Hỏa tiễn này có khả năng gắn bom nguyên tử để bắn tới các thành phố lớn ở Âu châu. Trong khi đó, đài truyền hình NTV của chính phủ Nga đã cảnh báo dân chúng mình rằng chiến tranh có thể xảy ra, đồng thời khuyên họ hãy lo tìm chỗ tránh bom gần nhà mình nhất để nếu cần thì có thể chạy tới ngay.

Nga và Trung cộng hợp tác chống hệ thống lá chắn phi đạn Mỹ
Ngày 11/10 vừa qua, một vị tướng thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga cho biết: Mạc Tư Khoa sẽ hợp tác với Bắc Kinh chống lại hệ thống phòng không của Mỹ vì 2 nước này cho rằng họ là mục tiêu của hệ thống phòng không trên. Theo hãng thông tấn Bloomberg, Nga rất quan ngại về khả năng nguyên tử của Hoa Kỳ. Thực ra, hệ thống phòng không của Hoa Kỳ chỉ là biện pháp quốc phòng duy nhất chống lại các cuộc tấn công có thể xảy ra từ các “nước được cho là hiếu chiến” như Iran và Bắc Hàn, nhưng Nga và Trung cộng lại lo ngại cho chính an ninh của mình.

Giải Nobel năm 2016 đã được công bố
(Bản tin này hơi dài, có thể bỏ bớt phần trong ngoặc)
Ngày 13/10, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã công bố giải Nobel cuối cùng trong 6 giải là giải Văn học. 6 giải này sẽ được trao cho những người trúng giải tại Oslo-Na Uy và Stockholm-Thụy Điển vào ngày 10/12 tới. 6 giải Nobel năm 2016 gồm có:
1) Giải Văn học được trao cho nhạc sĩ kiêm nhà văn Bob Dylan (vì đã tạo ra phương thức diễn đạt thi vị mới với những ca khúc truyền thống tuyệt vời của người Mỹ).
2) Giải Y sinh học được trao cho Giáo sư Ohsumi người Nhật Bản (với những nghiên cứu về cơ chế tự thực của tế bào).
3) Giải Vật lý được trao cho ba khoa học gia người Anh (nghiên cứu về trạng thái lạ của vật chất).
4) Giải Hóa học được trao cho ba nhà khoa học thuộc ba nước Mỹ, Hà Lan và Pháp (với sự thiết kế và tổng hợp những cỗ máy siêu nhỏ cỡ nano).
5) Giải Hòa bình được trao cho Tổng thống nước Colombia (vì đã chấm dứt thành công cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm ở Colombia).
6) Giải Kinh tế được trao cho hai nhà khoa học người Mỹ và Phần Lan (với những phương thức mới giải quyết những khó khăn trong các hợp đồng kinh tế).

No comments:

Post a Comment