Trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, bề ngoài có
vẻ bất ổn nhưng luôn bền vững vì khung sườn pháp luật nghiêm minh. Trong
khi đó một chế độ độc đảng độc tài thì bề ngoài có vẻ ổn định nhưng
thực chất có thể sụp đổ bất cứ lúc nào vì chỉ có luật rừng ngự trị xã
hội. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng
với tựa đề: “Dân Chủ Như Nước Israel” sẽ được Song Thập trình bày, và
đây là tiết mục để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ngô Nhân Dụng
Dân chủ là một cuộc tranh đua trong luật lệ. Giống như cuộc chơi đá
banh, hay đánh cờ. Khó hơn đá banh và đánh cờ, luật lệ các cuộc chơi dân
chủ thay đổi, tùy theo lựa chọn của mỗi nước. Và khi áp dụng các luật
lệ này, kết quả cũng thay đổi tùy theo tánh chất của mỗi xã hội.
Những chính quyền độc tài thường chỉ trích chế độ dân chủ làm cho
quốc gia yếu đi vì tranh chấp đảng phái. Trường hợp Ấn Độ và Israel
chứng minh ngược lại, đặc biệt là Israel!
Ấn Độ và Israel cùng ra đời trước đây ngoài 70 năm, mà trước đó họ
đều chưa hề có quốc gia! Khi lập quốc, hai nước đều chọn thể chế tự do
dân chủ.
Ấn Độ là một nước lớn và phức tạp nhất, Israel thuộc hàng nhỏ nhưng
thuần chủng nhất. Nhưng cả hai chế độ dân chủ ở hai nơi đều sống bền bỉ,
chưa bao giờ đứt đoạn.
Hơn một tỷ dân Ấn Độ sống trong mấy chục nước nhỏ, nói hàng ngàn thứ
tiếng khác nhau, theo nhiều thứ tôn giáo mà ngay trong Ấn Giáo cũng chia
ra nhiều chi phái. Đa số dân theo Ấn Giáo, họ vẫn tin rằng loài người
chia thành bốn đẳng cấp cha truyền con nối, có những người sinh ra đã
đáng trọng hay đáng khinh rồi. Với một dân tộc nghèo, ít học với đủ các
động cơ chia rẽ như thế, khi nước Ấn Độ giành được độc lập năm 1947
không ai tin chính quyền dân chủ sẽ kéo dài được mươi năm. Cả thế giới
chờ coi được mấy năm thì Thủ Tướng Nehru sẽ phải cai trị theo một chế độ
độc tài, như Mao Trạch Đông bên nước láng giềng.
Nhưng sau hơn 70 năm, Ấn Độ vẫn kiên trì theo thể chế dân chủ. Các
cuộc bầu cử tổ chức đúng kỳ hạn. Hai đảng chính trị lớn đã nhiều lần
thay nhau lên cầm quyền, ở cấp liên bang cũng như cấp tiểu bang. Đa số
1,300 triệu người dân Ấn coi ngày bỏ phiếu cũng là một lễ hội, mặc dù có
lúc người ta vẫn đánh nhau vỡ đầu. Ấn Độ là một tấm gương cho các dân
tộc muốn xây dựng tự do dân chủ, vì nếu hơn một tỷ dân Ấn Độ sống được
thì dân tộc nào cũng có thể sống theo lối dân chủ được!
Nước Israel khác hẳn. Dân số chỉ có 9 triệu; trong đó 75% thuộc một
chủng tộc là người gốc Do Thái. Nước này bị kẹp giữa mấy trăm triệu
người ở các nước Á Rập thù nghịch, mà ngay trong nước họ, một phần năm
dân số là người Á Rập từng ở đó trước khi nước Israel ra đời. Những
người Á Rập này là công dân, có quyền bỏ phiếu.
Người Do Thái được tiếng là “đoàn kết” với nhau vì tất cả đều quyết
tâm xây dựng lại “đất tổ” sau hai ngàn năm phải sống lưu vong. Nhưng
trong nước Israel vẫn có hàng chục đảng chính trị của người gốc Do Thái,
cùng với năm, bảy nhóm chính trị người gốc Á Rập. Nhìn từ bên ngoài,
chính trị nước Israel có vẻ “nát bét!” Nhưng họ vẫn là quốc gia hùng
mạnh nhất vùng Trung Đông!
Cuộc bỏ phiếu ngày 17 Tháng Chín vừa rồi tại Israel cho thấy cuộc
sống chính trị phức tạp trong thể chế dân chủ. Tại Ấn Độ, nơi có những
đảng lớn đủ chiếm đa số ở quốc hội và được ủy quyền thành lập nội các,
những cuộc chuyển giao quyền giữa các đảng diễn ra dễ dàng. Nhưng Israel
thì không được như vậy, đảng thắng lớn nhất trong cuộc bỏ phiếu tuần
trước cũng chỉ chiếm được 33 trong số 120 ghế dân biểu!
Cuộc chơi dân chủ cũng nhiều may rủi! Lần bỏ phiếu này Netanyahu thua
nặng hơn. Đảng Likud chỉ được 31 ghế, trong khi đảng Xanh và Trắng (màu
cờ Israel) được 33 ghế! Theo Hiến Pháp, tổng thống Israel sẽ mời lãnh
tụ đảng có nhiều ghế nhất lập chính phủ mới. Lãnh tụ Xanh và Trắng,
Tướng Benny Gantz, cựu tham mưu trưởng quân đội Israel, có thể được Tổng
Thống Reuven Rivlin mời lập chính phủ, nếu ông ta liên minh được các
đảng cho đủ 61 phiếu!
Trong mấy ngày qua, ông Rivlin đã mời lãnh tụ tất cả các đảng trong
quốc hội mới tham khảo để coi đảng nào ủng hộ ai, tính toán cho có người
hội đủ 61 phiếu.
Cuộc thăm dò cho thấy Netanyahu, đương kim thủ tướng, được 55 đại biểu ủng hộ, còn Tướng Gantz chỉ có được 54 người.
Không ai hội đủ 61 phiếu, Tổng Thống Reuven Rivlin đã mời cả Netanyahu và Gantz tới, đề nghị hai đảng chiếm nhiều ghế nhất lập một “chính phủ đoàn kết.”
Không ai hội đủ 61 phiếu, Tổng Thống Reuven Rivlin đã mời cả Netanyahu và Gantz tới, đề nghị hai đảng chiếm nhiều ghế nhất lập một “chính phủ đoàn kết.”
Nhưng nếu lập một chính phủ đoàn kết thì ai sẽ làm thủ tướng,
Netanyahu hay Gantz? Hoặc hai người sẽ luân phiên nhau, mỗi người giữ
chức hai năm? Tại Israel đã có tiền lệ, từ năm1984 tới 1988, hai ông
Shimon Peres, phe tả, và Yitzhak Shamir, phe hữu, đã thay phiên nhau cầm
quyền. Nhưng ai sẽ làm thủ tướng trước, Netanyahu hay Gantz?
Tướng Gantz chống không muốn Netanyahu làm thủ tướng, vì ông ta sắp
phải ra tòa sau khi bị truy tố ba vụ lạm dụng quyền hành. Nếu còn tiếp
tục làm thủ tướng, Netanyahu có thể được miễn khỏi hầu tòa, cho tới khi
mãn nhiệm. Ngược lại, nếu chỉ là một bộ trưởng, Netanyahu sẽ phải ra tòa
và có thể bị mất chức. Trong hai người, Netanyahu hay Gantz, ai sẽ
nhượng bộ?
Trong “cuộc chơi dân chủ” vừa qua, những công dân Israel gốc Á Rập đã
đi bỏ phiếu rất đông! Hồi Tháng Tư, chỉ có 47% dân gốc Á Rập đi bầu,
tháng này tỷ số lên tới 60%. Nguyên nhân là vì họ chỉ muốn lật đổ ông
Netanyahu!
Nếu Gantz và Netanyahu không thể nào ngồi chung, đảng Yisrael Beitenu
của ông Avigdor Lieberman có thể chiếm ưu thế. Với tám ghế trong quốc
hội mới, họ ngả về phía nào đều có thể giúp một trong hai ông này có đủ
61 phiếu thuận! Lieberman đang nắm quân bài lớn trong tay!
Cuộc đấu cờ, hay cuộc đá banh dân chủ ở Israel còn tiếp tục trong những ngày sắp tới!
Người ngoài nhìn vào có cảm tưởng Israel là một quốc gia chia rẽ, nát
như tương, vì các đảng phái tranh hùng. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Các
nhà chính trị chia chác mặc cả với nhau không hề ảnh hưởng tới nền tảng
của quốc gia. Quân đội, cảnh sát, guồng máy tư pháp cũng như hành chánh,
hệ thống tài chánh, ngân hàng, vẫn hoạt động điều hòa vì tất cả đứng
độc lập với các nhà chính trị. Đảng phái vẫn tranh hùng nhưng không làm
nước Israel yếu ớt!
Ngược lại, chính vì người dân Israel tin tưởng vào các quy tắc dân
chủ, đã sống theo những thủ tục do chế độ dân chủ đặt ra, cho nên họ mới
có thể đoàn kết với nhau, đứng vững suốt 70 năm giữa một thế giới thù
nghịch!
Những quốc gia chưa thành lập được thể chế tự do dân chủ nên nhìn vào
Israel học xem cách người ta sống tự do dân chủ như thế nào./.
No comments:
Post a Comment