Thưa quý thính giả, vụ nổ súng bắn một học sinh 18 tuổi tại
Hongkong trong ngày lễ Quốc khánh của Trung cộng hôm thứ Ba, ngày 1/10
và lệnh cấm mang mặt nạ hôm thứ Sáu, ngày 4/10 là 2 hành vi tạo cho bạo
động leo thang kể từ khi có các cuộc xuống đường phản kháng hồi tháng 6.
Hai hành vi này đã tạo ra mồi lửa dẫn đến các cuộc xuống đường biểu
tình rầm rộ khắp các nẻo đường Hongkong. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Hongkong Kiên Cường” qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Sau khi Đặc khu trưởng Hành chánh, bà Carrie Lam tuyên bố lệnh khẩn
cấp, cấm người biểu tình mang mặt nạ (người vi phạm sẽ đối diện với án
tù từ 6 tháng đến 1 năm hoặc phải đóng số tiền phạt hơn $3,100.00 Mỹ
kim), người dân Hồng Kông liền đồng loạt phản ứng dữ dội. Lệnh cấm này
là được xem là một hành động tuyên chiến mới đối với người dân sau 18
tuần chiến đấu cho tự do và vụ một học sinh 18 tuổi bị cảnh sát Hồng
Kông bắn đạn thật vào ngực.
Mặc dù qua thời gian dài bị đàn áp bằng bạo lực nhưng cuộc chiến tại
Hồng Kông không có dấu hiệu suy yếu, cho dù không được Liên Hiệp Quốc và
các nước siêu cường như Hoa Kỳ, Anh, Nhật ủng hộ, bằng chứng là Chủ
Nhật, ngày 13/10 vừa qua tại Hồng Kông có đến 18 nơi biểu tình và hàng
ngàn người biểu tình đều mang mặt nạ.
Vấn đề Hồng Kông trở thành một thách thức đau đầu cho Trung Cộng vì
cuộc khủng hoảng này đã lên đến đỉnh điểm, có thể dẫn đến kết cuộc là
Hồng Kông sẽ không bao giờ trở thành một “Hồng Kông bị lệ thuộc” như Bắc Kinh mong muốn.
Thứ Sáu, ngày 4/10/2019, chỉ vài giờ sau khi bà Carrie Lam lệnh cấm
mang mặt nạ, bạo lực đã bùng nổ với hàng ngàn học sinh bãi khóa và hàng
chục ngàn người dân mang mặt nạ tràn xuống đường đốt các trạm xe điện,
đập cửa kiếng các chi nhánh ngân hàng có bản doanh tại Bắc Kinh và trang
bị gậy gộc xô xát với cảnh sát Hồng Kông. Người biểu tình đã hô các
khẩu hiệu: “Người dân Hồng Kông hãy nổi dậy”, “Chiến đấu vì tự do, đứng chung với Hồng Kông”.
Nền kinh tế Hồng Kông bị thiệt hại nặng, có nguy cơ rơi vào tình
trạng suy thoái mặc dù Paul Chan, Trưởng phòng Tài chánh Hồng Kông loan
báo rằng, thị trường tài chánh Hồng Kông vẫn vững mạnh.
Tình hình tại Hồng Kông căng thẳng từng ngày, đến Chủ Nhật, ngày
6/10/2019, Trung Cộng đã đưa quân từ lục địa sang trú đóng tại Hồng Kông
và lực lượng này đưa ra lời đe dọa rằng, người biểu tình sẽ bị bắt giữ
khi sử dụng đèn laser chiếu lên tường doanh trại của lực lượng.
Trong khi đó tại Úc, các cuộc biểu tình liên tục ủng hộ Hồng Kông tại
nhiều tiểu bang với sự tham dự của hàng ngàn người Hoa, Việt và Úc. Và
bà Ngoại trưởng Úc, Marise Payne lên tiếng cảnh báo nhà cầm quyền về
luật này trong khi hàng chục ngàn người Hồng Kông tràn ra đường biểu
tình phản đối. Đặc biệt là khi 2 thiếu niên bị bắn và 1 phóng viên bị
thương vì đạn thật ở tầm gần. Bà nói thêm là Úc rất quan ngại về sự kiện
này có thể gây bất lợi trên phương diện ngoại giao.
Và tại Canada, tình trạng “xô xát vì Hồng Kông” đã gây nên sự chú ý
của giới truyền thông. Khoảng hơn 200 người biểu tình ở trạm xe điện
Aberdeen Sky Train Station tại Richmond, Canada, mang mặt nạ và giăng
biểu ngữ ủng hộ người dân Hồng Kông. Các biểu ngữ có nội dung: “Hồng Kông không phải Trung Cộng”, “Vì tự do cho Hồng Kông”, “Hãy ủng hộ Hồng Kông”
bị một nhóm ủng hộ Bắc Kinh giằng co giựt lấy tạo hỗn độn nên cảnh sát
Canada phải can thiệp. Và ngày hôm sau, nhóm này trở lại xé các khẩu
hiệu dán trên tường có nội dung chống Trung Cộng.
Cuộc chiến giữa độc tài và dân chủ, giữa bạo lực và hòa bình, giữa gian dối và chân thật…
Cuộc tranh đấu của người dân Hồng Kông chưa biết sẽ còn kéo dài bao
lâu, nhưng ngay hôm nay, Hồng Kông đã có tự do vì những thanh niên đầy
nhiệt huyết, hiên ngang đứng lên với quyết tâm “Mang vinh quang cho Hồng Kông”.
Mặc cho làn khói lựu đạn cay và vòi rồng từ xe cứu hỏa ngăn chận, nhưng
niềm khao khát độc lập – dân chủ, người dân Hồng Kông can đảm, kiên
cường vùng lên, quyết đánh đổi mạng sống cho sự tự do của thế hệ mai
sau, để con cháu họ khỏi phải sống cuộc đời nô lệ.
Người dân Hồng Kông đã thấy rõ, một nền dân chủ chân chính là khi thể
chế chính trị tôn trọng quyền công dân, quyền biểu quyết của người dân.
Họ thừa biết, việc đàn áp tôn giáo, bức hại dân chủ, triệt tiêu văn
hóa, thủ tiêu tự do, chiếm đất đai và biển đảo là sách lược của Trung
Cộng từ bao lâu nay. Điển hình như Sri Lanka phải cho Trung Cộng thuê
hải cảng 99 năm. Zimbawe trở nên đói nghèo, Venezuala bị lạm phát phi
mã… Hàng loạt các nước Đông Nam Á bị vướng vào vòng xoáy nợ nần đều nằm
trong dự tính của Trung Cộng.
Giải quyết vấn đề Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, Biển Đông
và cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, lãnh đạo Trung Cộng từ nay sẽ phải
“đầu tắt, mặt tối” để đương đầu, đối phó, chứ không còn yên ổn như ngày
xưa nữa. Và nếu họ thất bại, chế độ cộng sản tại lục địa có thể bị sụp
đổ trong một ngày không xa.
Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment