Saturday, October 12, 2019

Anh Hùng Thiên Hộ Dương

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, hơn 170 năm về trước, nước Việt xuất hiện một thủ lãnh nghĩa quân có quyết tâm chống giặc xâm lăng, ông là một lãnh tụ kháng chiến có tài tổ chức và chính trị. Ngoài ra, ông còn có tầm nhìn chiến lược sâu rộng và đặc biệt là nhạy bén trước sự thay đổi của tình thế. Ông là một trong những lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp đầu tiên ở Việt Nam … Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Anh Hùng Thiên Hộ Dương” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái
Tại đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều ở Gò Tháp có 2 câu đối:
Sử sách sáng chói danh Thiên Hộ,
Bia miệng lưu truyền tiếng Đốc Binh.
Và tại nơi này cũng còn lưu truyền câu ca dao:
Chiều chiều mây giục gió vần,
Cảm thương Thiên Hộ xả thân cứu đời.

Võ Duy Dương sinh năm 1827 tại thôn Cù Lâm Nam, nay là thôn Nam Tượng, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn. Thuở nhỏ, ông được xem là người thông minh, khỏe mạnh và giỏi võ. Khi cha qua đời, gia đình sa sút, ông phải đi chăn trâu để sinh sống, may nhờ một vị quan cảm thông hoàn cảnh và mến tài năng nên nhận ông làm con nuôi.
Năm 1853, theo đề nghị của các quan viên, trong đó có Nguyễn Tri Phương, vua Tự Đức ban hành chính sách đồn điền. Đến năm 1857, hưởng ứng chính sách này, Võ Duy Dương vượt biển vào Nam tìm đến đất Ba Giồng, Đồng Tháp Mười để chiêu dân lập ấp, kết bạn với Nguyễn Hữu Huân và trở thành một phú hào tại địa phương.
Tháng 2 năm 1859, Pháp đánh chiếm Gia Định và đánh chiếm thành Mỹ Tho vào tháng 4 năm 1861, ông cùng Thủ Khoa Huân kéo lực lượng về Gia Định đánh trả và ông được phong chức Chánh quản đạo.
Khi thành Gia Định tan vỡ, ông vượt biển về kinh đô Huế, yết kiến vua Tự Đức hiến kế đánh đuổi quân Pháp. Sau đó, ông được điều về Quảng Nam dẹp cuộc nổi dậy của người Thạch Bích và được phong làm Chánh bát phẩm Thiên hộ vào năm 1860. Từ đó ông được người dân gọi là Thiên Hộ Dương.
Tháng 5 năm 1861, Thiên Hộ Dương được sung vào phái bộ của Khâm phái quân vụ của Đỗ Thúc Tĩnh vào Nam với nhiệm vụ chiêu mộ nghĩa sĩ chống ngoại xâm. Trong một thời gian ngắn, có gần một ngàn người về đầu quân dưới trướng, trong số đó có cả lính Pháp và một người Pháp là Liguet.
Ông đóng quân ở Bình Cách, liên kết với Trương Định ở Gò Công, Trần Xuân Hòa ở Thuộc Nhiêu. Tự giương cao khẩu hiệu “Cần Vương” chống Pháp, nghĩa quân do ôn chỉ huy lấy Đồng Tháp Mười là vùng rừng đầm lầy, hiểm trở ở miền Nam làm căn cứ.
Từ nơi này, nghĩa quân dùng chiến thuật du kích đánh Pháp trên cả một vùng rộng lớn từ Hà Tiên, Rạch Giá và Đồng Tháp Mười, làm cho quân Pháp bị tổn thất rất nhiều.
Năm 1862, triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất, buộc các lực lượng nghĩa quân phải hạ khí giới. Do không tuân lệnh, ông bị triều đình tước binh quyền.
Sau Thủ Khoa Huân, Trương Định lần lượt hy sinh, ông vẫn cùng với các nghĩa sĩ khác như Đốc binh Kiều, Lãnh binh Cẩn, Lãnh binh Dương, Trần Kỳ Phong, Thống Bình, Thương Chấn, Thống Đa, Quản Văn, Quản Là tiếp tục chiến đấu.
Ngày 14/4/1866, Pháp huy động hơn 1000 quân thủy bộ cùng nhiều tàu chiến, đại bác chia làm 3 mũi dùi, đồng loạt tấn công từ 3 hướng Cần Lố, Cái Nứa và Bắc Chiêng, quyết đánh chiếm bộ chỉ huy của nghĩa quân. Nhiều trận đụng độ ác liệt đã xảy ra, làm quân Pháp bị tiêu hao lực lượng, nhưng trước sức công phá của vũ khí tối tân, nghĩa quân phải rút lui sau khi Đồn Trung bị đánh hạ.
Sau khi rút khỏi Đồng Tháp Mười, ông đem quân phối hợp với con của Trương Định là Trương Quyền và thủ lãnh người Khmer là Acha Xoa, tiếp tục đánh Pháp nhiều trận trước khi bị suy yếu.
Tháng 10 năm 1866, ông dùng thuyền theo đường biển ra Bình Thuận để cầu viện, nhờ sự giúp đỡ của triều đình và liên lạc với nghĩa sĩ miền Trung nhằm gây dựng lại lực lượng nghĩa quân.
Dựa vào 2 bản tấu chương của ông dâng lên vua Tự Đức, triều đình cho mời ông ra Huế để trình bày việc: “đề nghị nhà vua cho phép dụng mưu thu hồi lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ” và nếu nhà vua đồng thuận, ông sẽ tiêu diệt hết binh lính Pháp ở các kinh rạch nhỏ hẹp, nơi mà các khẩu đại bác bị mất tác dụng. Nhưng không may, khi đến cửa biển Cần Giờ, ông và đoàn tùy tùng bị bọn cướp biển sát hại.
Để tưởng nhớ công lao của ông, tại Gò Tháp (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), người dân lập đền thờ ông. Tại Đồng Hới, Quảng Bình, có con đường mang tên Võ Duy Dương và ngày 14 tháng 11 (âm lịch) hằng năm là ngày giỗ ông.
*****
Cuộc kháng chiến của Thiên Hộ Dương ở Nam kỳ được chia ra làm 2 giai đoạn: ở Ba Giồng (1859 – 1864) và ở Đồng Tháp Mười (1864 – 1866). So với một số lãnh tụ nghĩa quân khác lúc bấy giờ, ông là người có liên hệ chặt chẽ với triều đình trong suốt thời gian kháng chiến.
Dân tộc VN sở dĩ trường tồn được suốt mấy ngàn năm qua là nhờ các tầng lớp sĩ phu như Thiên Hộ Dương mang tâm chí “đất nước hưng vong, thất phu hữu trách”. Các tầng lớp sĩ phu hào hùng đó không màng đến sinh tử của cá nhân, chỉ quyết tâm mang tài sức của mình để giải cứu non sông thoát khỏi gót giày của quân xâm lược. Ông được xem là danh nhân kiệt xuất về chính trị, quân sự và là người đã đóng góp nhiều công trạng cho đất nước.
Chính vì thế, trong tình thế dầu sôi lửa bỏng hiện nay của VN, chỉ khi nào có nhiều kẻ sĩ dám dấn thân như Thiên Hộ Dương, dân tộc Việt mới có triển vọng thoát Trung, tức là thoát khỏi hiểm họa trở thành một khu tự trị của Tàu Cộng.
Điều may mắn là trong mấy năm qua, rất nhiều hậu duệ của Thiên Hộ Dương đã xuất hiện trên khắp các nẻo đường đất nước. Họ cũng mang tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của ông cha, chấp nhận bị bạo quyền VN đàn áp, bị bỏ tù để tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt. Lịch sử rồi đây sẽ ghi nhận công lao của họ, như đã từng ghi nhận tấm lòng yêu nước nồng nàn của Thiên Hộ Dương.

No comments:

Post a Comment