Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân và Bá Cơ trình bày sau đây.
THỨ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC THIỆT MẠNG VÌ RƠI TỪ TẦNG 8 XUỐNG ĐẤT
Sáng hôm qua, thứ Năm 17/10, Ông Lê Hải An, thứ trưởng bộ giáo dục Việt Nam, đã thiệt mạng do bị ngã từ tầng 8 xuống đất.
Cái chết của ông An có nhiều điểm rất đáng nghi ngờ vì thi hài của
ông được người qua đường phát giác vào lúc 7 giờ sáng, tức chưa đến giờ
làm việc. Đến 9 giờ 20 phút, một chiếc xe gắn bảng số quân đội đến chở
thi hài ông An về nhà tang lễ quốc gia. Đáng nghi ngờ hơn nữa là chỉ
trong vòng 2 tiếng đồng hồ, giới hữu trách khẳng định là ông An rơi từ
tầng 8 của tòa nhà trụ sở bộ Giáo dục, nhưng không giải thích lý do vì
sao. Theo một số nguồn tin trong nước, mỗi ngày ông An luôn đi đến
phòng ăn ở tầng 8, sau đó mới quay về phòng làm việc ở tầng 2.
Ông An 48 tuổi, là con trai của nhà giáo nổi tiếng Lê Hải Châu, tác
giả cuốn sách giáo khoa Toán. Ông An từng du học tại Nga và Anh về ngành
địa chất. Sau nhiều năm giảng dạy và trở thành hiệu trưởng đại học Mỏ –
Địa chất, ông được bổ nhiệm chức thứ trưởng giáo dục vào tháng
11/2018.
Vài tháng trước đây, ông An là người ký quyết định kỷ luật các quan
chức giáo dục có dính líu đến vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La và
Hòa Bình. Tuy nhiên vào ngày 9/9 vừa qua, bộ giáo dục tuyên bố huỷ bỏ
quyết định nói trên.
Cần nhắc lại là vào tháng 8, phó giám đốc sở nông nghiệp Hà Nội cũng
thiệt mạng vì rơi từ tầng 27 xuống đất, mà theo kết luận điều tra của
công an thì đây là một tai nạn.
MỘT PHỤ NỮ BỊ BẮT GIAM VÌ CHỐNG ĐỐI CÁC TRẠM LỘ PHÍ
Vào tối thứ Tư 16/10, công an Hà Nội đã bắt giữ và áp giải bà Đặng
Thị Huệ về huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, để khám xét nhà với cáo buộc
“gây rối trật tự công cộng”.
Bà Đặng Thị Huệ 38 tuổi là người thường xuyên bày tỏ sự chống đối
các trạm lộ phí. Vụ bắt giữ bà Huệ tại một quán nước ở Hà Nội đã được
bà Trần Thị Thu Thủy, một người bạn, quay được toàn bộ và đăng lên mạng
vào hôm qua, trong đó có cảnh công an lục tung căn nhà của bà Huệ ở
huyện Vũ Thư.
Được biết, bà Thu Thủy là người cùng tham gia với bà Đặng Thị Huệ
trong cuộc phản đối trạm lộ phí Tân Đệ, hay còn gọi là bót Bắc Thăng
Long – Nội Bài. Bà Huệ từng bị công an câu lưu vào ngày 11/6 khi từ chối
trả tiền qua trạm này. Chiếc xe hơi của bà bị công an tịch thu, cho đến
nay vẫn chưa hoàn trả. Bà Huệ đã đệ đơn kiện lên giới hữu trách, và đây
có lẽ là lý do mà bà bị bắt.
THÊM MỘT PHỤ NỮ ĐI TÙ VÌ ĐẠO LUẬT AN NINH MẠNG
Vào hôm qua, thứ Năm 17/10, bà Nguyễn Thị Huệ 51 tuổi, bị tòa án
tỉnh Gia Lai kết án hai năm rưởi tù giam với cáo buộc “lợi dụng quyền tự
do dân chủ để bôi nhọ đảng và nhà nước”.
Theo cáo trạng, bà Huệ là chủ nhân một số trang xã hội Facebook có
nội dung nói xấu giới lãnh đạo đảng, nhà nước, và những người đã tham
gia giải quyết về các tranh chấp trong gia đình bà Huệ. Bà Huệ bị bắt
giam vào ngày 12/3, trở thành nạn nhân mới nhất của nhà cầm quyền CSVN
kể từ khi đạo luật an ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm nay.
Trong một diễn biến khác, vào hôm qua, tòa án tỉnh Nghệ An đã đình
hoãn phiên xử ông Nguyễn Năng Tĩnh, giáo viên âm nhạc, vì các luật sư
bào chữa từ chối ra tòa với lý do là giới chức tòa án trước đó không cho
phép họ sao chụp hổ sơ vụ án. Cần biết là ông Tĩnh 43 tuổi bị bắt giam
vào ngày 29/5 với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chế độ CSVN”.
TÀU NGẦM TRUNG CỘNG NỔI LÊN SÁT CÁC TÀU CÁ VIỆT Ở HOÀNG SA
Các ngư dân Việt đã tỏ ra sửng sốt khi một tàu ngầm Trung Cộng đột
ngột nổi lên sát các tàu cá của họ khi đang đánh cá ở vùng biển Hoàng
Sa.
Biến cố này xảy vào tháng 9 vừa qua, nhưng đến thứ Tư 16/10 mới được
tạp chí Forbes loan tin. Đây là chiếc tàu ngầm nguyên tử loại Jin của
hải quân Trung Cộng, nặng 11 ngàn tấn và có trang bị phi đạn tầm xa.
Theo nhận định của các chuyên gia quốc phòng, có hai lý do khiến
chiếc tàu ngầm Trung Cộng nổi lên trước mắt các tàu cá Việt. Lý do thứ
nhất là nhằm đe dọa Việt Nam, nhưng lý do này bị bác bỏ vì Trung Cộng
không cần sử dụng đến loại vũ khí hạng nặng này mới đạt được mục đích.
Lý do thứ hai, có thể là vì “sợ chết”. Giới chuyên gia nhắc lại biến
cố vào năm 1990 khi một tàu ngầm Anh vướng vào lưới của một tàu đánh cá
nhỏ ở ngoài khơi Tô Cách Lan, khiến toàn bộ 4 thủy thủ tàu ngầm chết
ngạt vì tàu không thể nổi lên. Trước đó, vào năm 1984, một tàu ngầm
nguyên tử của Nga cũng vướng lưới một tàu cá Na Uy, bị buộc phải nổi lên
sau nhiều tiếng vùng vẫy khiến hành tung bị bại lộ.
MỘT THỦ LÃNH BIỂU TÌNH HỒNG KÔNG BỊ TẤN CÔNG BẰNG BÚA
Anh Jimmy Sham, một thủ lãnh biểu tình ở Hồng Kông, đã được đưa đến
bệnh viện để chữa trị vết thương trên đầu sau khi bị một nhóm người tấn
công bằng búa vào hôm qua, thứ Tư 16/10.
Vụ tấn công xảy ra tại quận Mong Kok trên bán đảo Cửu Long khi anh
Sham đang đi dạo trên phố. Theo nguồn tin của Mặt trận Nhân quyền Dân
sự, một liên minh đấu tranh cho dân chủ Hồng Kông, nhóm tấn công anh
Sham gồm tổng cộng 5 người. Liên minh này cho biết thêm là Jimmy Sham
đang ở trong tình trạng ổn định tại bệnh viện.
Vụ tấn công diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng đốc Carrie Lâm phải
ngưng đọc bài diễn văn tại nghị viện, vì bị phe đối lập chống đối dữ
dội. Và đây là vụ tấn công thứ nhì nhắm vào các thủ lãnh biểu tình, kể
từ khi làn sóng biểu tình tại Hồng Kông diễn ra hơn 4 tháng qua.
HOA KỲ KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG CỦA GIỚI NGOẠI GIAO TRUNG CỘNG TẠI MỸ
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào hôm qua ra quy định yêu cầu giới ngoại giao
Trung Cộng phải thông báo trước bất cứ cuộc gặp gỡ nào với giới chức Hoa
Kỳ.
Theo quy định nói trên, các chuyến viếng thăm các cơ sở giáo dục và
nghiên cứu Hoa Kỳ phải được thông báo cho bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước khi
tiến hành.
Ngay lập tức Trung Cộng cáo buộc Hoa Kỳ đã vi phạm công ước Vienna
dành cho giới ngoại giao. Tuy nhiên giới chức Hoa Kỳ tuyên bố các nhà
ngoại giao Mỹ đang làm việc ở Trung Cộng cũng sẽ thực hiện quy định nói
trên.
MÃ LAI GIA TĂNG SỨC MẠNH CỦA HẢI QUÂN ĐỂ BẢO VỆ LÃNH HẢI.
Ngày 17/10, Bộ trưởng Ngoại giao Mã Lai, ông Saifuddin Abdullah nói
chính phủ Mã Lai muốn kiểm soát sự hiện diện của các tàu chiến trong khu
vực bằng cách gia tăng sức mạnh của hải quân.
Lời tuyên bố của ông Saifuddin được đưa ra vào lúc có những căng
thẳng ở khu vực Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như
Việt Nam, Nhật Bản , Philippine … Trung Quốc là nước đòi chủ quyền
phần lớn khu vực Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn vốn đã bị tòa Trọng
tài Quốc tế ở The Hague bác bỏ tính hợp lệ trong một phán quyết vào năm
2016.
Hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh vào khu vực
bãi Luconia của Mã Lai ở Biển Đông, quấy nhiễu các hoạt động khai thác
dầu khí của nước này. Sau đó, chính phủ Malaysia công bố chính sách đối
ngoại mới, kêu gọi phi quân sự hóa khu vực Biển Đông, và xác định
“Biển Đông phải là vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng,
không phải nơi đối đầu hay xung đột”.
No comments:
Post a Comment