Đồng bào chung một nước thương xót nhau khi có người gặp nạn
nên việc ra tay giúp đỡ để chia sớt nỗi hoạn nạn của gia đình không may
là đạo đức của người Việt xưa nay.
Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết:” Chia xẻ niềm đau” của Linh mục Nguyễn Đình Thục qua sự trình bày của Khánh Ngọc.
Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết:” Chia xẻ niềm đau” của Linh mục Nguyễn Đình Thục qua sự trình bày của Khánh Ngọc.
Hôm nay tôi đến thăm bốn gia đình có con đi Anh mà mất liên lạc mấy
hôm nay, suy đoán nằm trong chiếc xe đông lạnh định mệnh giết hại 39
người.
Tôi đến thăm gia đình em Nguyễn Đình Tứ ở xóm Phú Xuân, xã Đô Thành,
Yên Thành, Nghệ An. Gia đình cho biết là họ rất mệt mỏi vì mấy ngày qua,
phần vì lo lắng cho người thân, phần vì tiếp đón nhiều người đến thăm,
phỏng vấn. Họ không muốn trả lời câu hỏi và chụp ảnh.
Tôi đến thăm gia đình em Anna Bùi Thị Nhung ở xóm Phú Xuân, xã Đô
Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Gia đình cho biết, Nhung học đến lớp 9
thì bố bị ung thư vòm họng, em phải nghỉ học để chăm bố và cũng vì
hoàn cảnh khó khăn. Vì ở nhà không có việc làm và vì khoản nợ gia đình
vay mượn làm nhà và chữa bệnh cho bố, nên em theo bạn bè liên hệ đường
dây, nhờ gia đình vay mượn để đi nước ngoài. Tưởng rằng ra đi để cứu gia
đình thoát gánh nợ nần, ai ngờ chất thêm gánh nợ lên vai mẹ già. Gia
đình mong được sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng.
Tôi đến thăm gia đình em Gioan Nguyễn Văn Hùng, thuộc xã Diễn Thịnh,
Diễn Châu, Nghệ An. Gia đình cho biết là mấy hôm nay nhiều người trong
và ngoài nước đến thăm, trong đó có một đoàn từ thiện từ Anh quốc. Họ
hứa là sẽ tìm cách giúp bố mẹ hoặc người thân sang Anh nhận diện con
mình. Cũng trong ngày hôm qua, có một đoàn mà gia đình không biết là
chính quyền hay nhà báo. Khi đến nhà thì tự ý đặt máy quay phim mà không
hỏi ý kiến gia đình. Cho nên gia đình không cho. Tôi ở lại dùng bữa ăn
trưa với gia đình.
Tôi đến thăm gia đình em Gioan Hoàng Văn Tiếp, thuộc xã Diễn Thịnh,
Diễn Châu, Nghệ An. Gia đình cho biết, cũng giống ba gia đình trên, mấy
ngày qua rất nhiều người đến thăm gặp, phỏng vấn. Gia đình cũng cho
biết là công an đã lấy tóc của mẹ em Tiếp.
Điểm chung là các gia đình chưa có nguồn tin chính xác mà đang dựa
vào các tình tiết để suy đoán là con họ ở trong số 39 nạn nhân. Các
gia đình đều cho biết là ở nhà không có việc làm nên phải ra đi tim kiếm
việc làm để mưu sinh.
Mà thật đúng như vậy, ở miền trung, người gia tăng mà đất nông nghiệp
ngày càng thu hẹp vì bị mua với giá rẻ mạt để làm đường hoặc để thực
hiện các dự án trời ơi đất hỡi. Thảm họa Formosa cũng cướp đi hàng vạn
công việc của người dân. Vùng Nghệ An, Hà tĩnh lại không có nhiều công
ty xí nghiệp để tạo việc làm…
Tôi được biết, ngoài lý do mưu sinh, nhiều người ra đi vì đã từng
tham gia đấu tranh Formosa hay một sự việc khác, nên bị công an theo
dõi, triệu tập, đe dọa… Họ ra đi để tránh bị bắt hay bị cài bẫy, tù tội
sau nầy.
Tuy các gia đình không nói cụ thể, nhưng qua tìm hiểu, tôi được biết
là người ta phải trả gần một tỷ cho một người đi Anh. Số tiền nầy chia
làm hai lần trả: lần 1 trả khoảng 500 triệu khi sang đến Pháp; lần 2 trả
khoảng 400 triệu khi sang đến Anh.
Đa số các gia đình nông thôn quanh năm kiếm sống không có tiền dư.
Họ không có đủ tài sản thế chấp để vay ngân hàng đủ số tiền lớn như thế.
Cho nên nhiều gia đình phải vay dịch vụ nặng lãi.
Vậy nên khi bước chân ra đi là các em xác định phải kiếm tiền thật
nhanh để trả nợ. Vì gánh trên vai khoản nợ như vậy mà một bạn trong số
39 nạn nhân, khi biết mình không thể sống nữa, đã gửi tin nhắn nhờ em
mình giúp bố mẹ trả nợ.
Vậy, trong cơn hấp hối kéo dài và đau đớn tuyệt vọng, các em day dứt
một nỗi đau tinh thần, là khoản nợ mà các em để lại cho bố mẹ.
Một điều đáng buồn nữa là khi tôi đến thăm gia đình em Tứ, em Nhung
và em Tiếp thì chừng vài phút sau là công an xã cũng đến. Không biết do
trùng hợp ngẫu nhiên hay là họ luôn theo dõi những người đến thăm các
gia đình?! Tại nhà em Tứ, vị công an xã dùng điện thoại quay phim, chụp
ảnh từng người. Khi tôi hỏi vì sao anh quay phim, chụp ảnh chúng tôi
thì anh trả lời rất hách dịch, đúng bản chất cộng sản: “Tôi là công an
nên tôi có quyền!”
Ước mong tha thiết của các bố mẹ là các con đang sống, một ngày
nào đó các em liên lạc về với gia đình. Trường hợp xấu nhất, các em
nằm trong số 39 nạn nhân trong chiếc xe đó thì gia đình mong nhận được
sự giúp đỡ của quý vị trong và ngoài nước, để thi thể các em sớm về
với gia đình!
Chúng ta tiếp tục cầu nguyện và kính xin quý vị thương giúp đỡ các gia đình!
Linh mục Nguyễn Đình Thục
No comments:
Post a Comment