Kính thưa quý thính giả, bao lâu mà đảng CSVN còn chủ trương
độc tài độc đảng thì nước mắt cá sấu của đại biểu quốc hội bù nhìn
Nguyễn Thị Quyết Tâm chẳng lừa gạt được ai. Mời quý thính giả đài ĐLSN
nghe phần Bình Luận của Trung Nguyễn với tựa đề: ““Đại biểu nhân dân” do lãnh đạo cộng sản quy hoạch có thể bảo vệ quyền con người cho nhân dân?” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Sáng ngày 23/10/2019, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, “đại biểu quốc hội” đã
gây bất ngờ với những người dân thường xuyên đọc tin thời sự, chính
trị, xã hội khi bà “nghẹn ngào”, “gần như khóc” để phản đối chuyện duy trì giờ làm việc 48 tiếng một tuần và giờ làm thêm lên đến 400 giờ một năm.
Đáng kinh ngạc hơn, bà Quyết Tâm đã nhắc đến việc bảo vệ “quyền con
người’ được quy định trong Hiến pháp, và cho rằng Quốc hội phải ra luật
để bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân trên cơ sở “quyền con người”
đó. Những quyền của công nhân mà bà kể ra là: “có thu nhập đủ trang
trải cuộc sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm
sóc gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội”.
Từ trước đến nay, những cá nhân, tổ chức đấu tranh bảo vệ quyền con
người (hay “nhân quyền”) ở Việt Nam đều bị đảng cộng sản Việt Nam đàn áp
nặng nề. Báo chí, công an ở Việt Nam thẳng thừng gọi những cá nhân, tổ
chức bảo vệ quyền con người là “phản động”, là “thế lực thù địch”,…
Từ “quyền con người” cũng như các từ “dân chủ”, “tự do” gần như đã trở
thành một từ cấm kị ở Việt Nam, nhất là trong môi trường làm việc nhà
nước.
Khi nhắc đến bà Quyết Tâm thì tôi chỉ nhớ về hai sự kiện khiến bà bị dân phê phán nhiều nhất. Sự kiện thứ nhất là bà cho rằng “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”.
Và sự kiện thứ hai là trên cương vị quan chức cộng sản kiêm “đại biểu
nhân dân”, bà đã im lặng trước việc chính quyền thành Hồ cướp đất của
dân Thủ Thiêm hơn hai mươi năm, và gần đây nhất là việc cướp đất của
người dân vườn rau Lộc Hưng.
Trách nhiệm của các đại biểu quốc hội như bà Quyết Tâm là phải tìm ra
gốc rễ của vấn đề và đề ra chính sách, rồi cụ thể chính sách qua pháp
luật. Trong vấn đề lương thấp và phải làm thêm giờ của công nhân, bà
Quyết Tâm cũng như các đại biểu khác hoàn toàn không nêu ra được nguyên
nhân vấn đề nằm ở đâu để giải quyết mà chỉ tranh cãi phần ngọn.
Cần nhận thức rằng lương công nhân Việt Nam thấp là do năng suất lao
động của công nhân thấp. Năng suất lao động của công nhân thấp là do
chương trình giáo dục – đào tạo của Việt Nam quá tệ hại, không đáp ứng
được nhu cầu của xã hội. Do đó, chừng nào nền giáo dục Việt Nam chưa khá
lên thì không bao giờ lương của công nhân Việt Nam khá lên. Đó là quy
luật.
Hãy đọc thử xem những nguyên lý căn bản nhất của giáo dục Việt Nam
được quy định trong Luật giáo dục do chính bà Quyết Tâm bấm nút thông
qua như thế nào. Điều 2 của Luật giáo dục quy định về mục tiêu giáo dục như sau: “… trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Còn điều 3 về tính chất, nguyên lý giáo dục ghi rõ: “…lấy chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”.
Trong khuôn khổ bài viết này tôi không phân tích sâu hơn về giáo dục
Việt Nam. Nhưng rõ ràng không có quốc gia phát triển, “dân chủ, công
bằng, văn minh” nào trên thế giới lại có những quy định quái gở như thế
trong giáo dục. Bản thân con cái các ông bà cộng sản cai trị cũng lựa
chọn du học ở nước ngoài, kể cả con gái của trùm cướp biển Tập Cận Bình
(hiện đang rắp tâm chiếm bãi Tư Chính của Việt Nam), người đứng đầu đảng
cộng sản Trung Quốc, cũng đang cho con gái du học ở đại học Harvard,
Mỹ.
Con cái của những người như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, con thứ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Duy Thăng,…
đều đi du học cả vì không ai muốn “hưởng thụ” nền giáo dục “xã hội chủ
nghĩa” do các giới lãnh đạo cộng sản đẻ ra để ngu dân, mị dân.
Dân có ngu thì giới lãnh đạo cộng sản mới dễ bề cai trị. Mà dân ngu
thì năng suất lao động không thể cao. Năng suất lao động không cao thì
nước yếu, kinh tế kém, và quay lại làm xói mòn tính chính danh của đảng
cộng sản cầm quyền, gây nguy cơ mất nước trước cộng sản Trung Quốc và
sụp đổ chế độ cộng sản cầm quyền tại Việt Nam. Đó là thế lưỡng nan của
đảng cộng sản Việt Nam hiện nay.
Do đó, nếu như người dân Việt Nam có quyền bầu cử, chắc chắn người
dân Việt Nam, người dân Sài Gòn không bao giờ bầu cho bà Quyết Tâm hay
các đại biểu quốc hội khác vì các ông bà đang bàn sai vấn đề, hoặc là cố
tình đánh lạc hướng vấn đề để tiếp tục lừa dân.
Quốc hội do giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam “cơ cấu, quy hoạch” cũng bóp nghẹt quyền đình công của công nhân Việt Nam khi chưa có cuộc đình công nào của công nhân được thực hiện đúng luật.
Tại sao đảng cộng sản cầm quyền luôn nhận là “đại biểu trung thành
của giai cấp công nhân và nhân dân lao động” lại bác bỏ quyền quan trọng
nhất của công nhân là quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập, quyền đình
công? Tại sao bà Quyết Tâm lờ luôn quyền này của công nhân Việt Nam?
Quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập của công nhân và nhân dân lao
động cũng nằm trong quyền tự do lập hội của người dân Việt Nam được quy
định trong điều 25 Hiến pháp. Không chỉ quyền tự do lập hội mà còn các
quyền khác như tự do biểu tình, tự do ngôn luận, tự do báo chí,… người
dân Việt Nam cũng chưa có.
Kể ra như vậy để khẳng định rằng bà Quyết Tâm nói riêng, các đại biểu
Quốc hội nói chung, không hề có chút gì quan tâm đến quyền con người
của người dân Việt Nam. Họ là những người được giới lãnh đạo cộng sản
“quy hoạch, cơ cấu” chứ không do dân bầu ra nên họ chỉ “diễn sâu” để ra
vẻ với người dân Việt Nam là ở Việt Nam cũng có dân chủ, cũng có tranh
luận ở diễn đàn Quốc hội.
Quyền con người, quyền công dân của người dân Việt Nam nói chung, của
giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng, sẽ không bao giờ được bảo đảm,
khi người dân Việt Nam vẫn chưa được tự do ứng cử, tự do bầu cử trong
một cuộc bầu cử tự do và công bằng, đa đảng tham gia. Đấu tranh để có
được một quốc hội đa đảng chính là đấu tranh cho quyền con người, quyền
công dân, trong đó có quyền lợi của giai cấp công nhân.
Trung Nguyễn
No comments:
Post a Comment