Lời dẫn: Thêm một cuộc hội thảo cấp cao về bài trừ tham nhũng vừa diễn ra ở VN vào ngày 28/11 vừa qua, với lời kêu gọi của các giới chức ngoại quốc là phải tìm ra "nút thắt cổ chai", tức điểm yếu kém trong công tác chống tham nhũng. "Nút thắt cổ chai" đó là cái gì? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm dưới đây của LLDTCNTQ, có tựa đề "Cổ chai hay cổ đảng?", qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Vào ngày 28/11 vừa qua, nhà nước VN đã tổ chức cuộc hội thảo lần thứ 10 về phòng chống tham nhũng, có sự tham dự của nhiều quan chức ngoại quốc, mang tựa đề "đánh giá tác động, hiệu quả của các kỳ đối thoại về phòng chống tham nhũng tại VN".
Sau khi báo cáo và khoe khoang thành tích chống tham nhũng trong 5 năm qua, giới chức ủy ban phòng chống tham nhũng cấp trung ương, kết luận là: "Mặc dù có nhiều cố gắng, quyết tâm và đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng công tác phòng chống tham nhũng trong 5 năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tạo sự chuyển biển căn bản. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong nhiều lãnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp".
Cái kết luận này thì người dân nghe rất quen, vì nó chính là điệp khúc không thể thiếu trong mọi báo cáo của các ban phòng chống tham nhũng từ trung ương xuống đến địa phương, từ năm này sang tháng khác, và từ cuộc hội thảo lần thứ nhất cho đến lần thứ 10 này.
Chính vì thế mà các quan chức ngoại quốc đều cố giữ vẻ mặt nghiêm trang khi nghe đọc cái báo cáo dài lê thê đó. Và đến khi được phát biểu thì một đại diện của Liên Hiệp Quốc nói rằng "cần phải tìm cho ra nút thắt cổ chai", tức điểm yếu kém đó là gì thì mới mong chận đứng được tệ nạn tham nhũng.
Nút "thắt cổ chai" đó, theo các vị đại diện Liên Hiệp Quốc và một số nước khác, chính là tính minh bạch trong mọi lãnh vực của chế độ. Chẳng hạn như đại diện Ngân hàng Phát triển Á châu cho rằng tính minh bạch phải được thể hiện rõ trong lãnh vực đầu tư và các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đại diện tòa đại sứ Hoa Kỳ thì nói rằng tính minh bạch, tức các thông tin đầy đủ, sẽ giúp giới báo chí và các tổ chức dân sự nâng cao vị thế kiểm tra và giám sát của người dân đối với các cơ quan chính phủ.
Ông Lê Văn Lân, chánh văn phòng ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương, nhanh nhảu gật đầu đồng ý và cho biết là tính minh bạch được ghi rõ trong đạo luật phòng chống tham nhũng và sẽ cố đạt được mục tiêu này vào năm 2020, tức khoảng 9 năm nữa thì mọi thứ ở VN sẽ được "minh bạch".
Không hiểu là các viên chức ngoại quốc có nín cười, hay lắc đầu ngao ngán, vì những lời tuyên bố đó hay không, nhưng rõ ràng là họ đang phí thì giờ để nói chuyện với những người điếc. Lý do là từ nhiều năm qua, không có điều khoản gì của thế giới văn minh mà quốc hội VN không nhét vào các đạo luật của họ, và mỗi khi bị chất vấn thì đều trưng dẫn ra để chứng minh tính pháp trị của chế độ mình.
Thế nhưng nếu giới quan chức lớn nhỏ ở VN đều hành xử đúng theo tinh thần các đạo luật đó, có lẽ đảng cộng sản không cần phải lập ra quá nhiều ban bệ để bài trừ tham nhũng, hay phải mở các buổi hội thảo để tham khảo ý kiến của những nhà tài trợ ngoại quốc. Điều đáng nói là ở xã hội VN, đòi hỏi một sự minh bạch còn khó hơn là đòi hỏi về dân chủ hay nhân quyền, vì mọi thứ đều có thể được xem là bí mật quốc gia, quốc phòng hay an ninh.
Một ví dụ điển hình nhất là việc ông bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ tuyên bố trước quốc hội là tập đoàn xăng dầu Petrolimex làm ăn có lời, nhưng qua hôm sau thì cái bộ của ông lại ra thông báo là tập đoàn này lỗ gần 2000 tỷ đồng mà bộ công thương đưa ra trước đó. Chỉ có việc nhập xăng dầu về rồi bán ra, mà bộ trưởng này nói lỗ, trong khi bộ trưởng kia nói lời, đủ cho thấy tình trạng mập mờ về sổ sách kế toán của nhà nước VN ra sao.
Nhưng có mập mờ như thế thì các quan chức đảng mới có nhà cao cửa rộng và đưa con cái đi du học ở nước ngoài. Nếu không thì với mức lương của ông Nguyễn Tấn Dũng, làm sao có thể vừa xây căn nhà từ đường đồ sộ ở tỉnh Kiên Giang, vừa gửi con đi du học ở hải ngoại?
Chính vì thế, nếu áp dụng tính minh bạch, tức "nút thắt cổ chai", thì có khác nào là cái thòng lọng siết vào cổ đảng. Việc công khai và minh bạch hóa chẳng khác nào việc hủy bỏ "điều 4 hiến pháp" mà ông cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gọi là cả đảng sẽ "tự sát".
Giới chức Tây phương biết rõ như thế. Người dân Việt cũng biết rõ như thế. Và chỉ khi nào cái cổ đó bị siết chặt đến độ vô phương vùng vẫy, thì ngày đó gốc rễ tham nhũng mới có thể bị bứng tận gốc!
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment