Ngày 06.12.2011
Lời dẫn: Muốn biết nơi nào là đáng sống thì chỉ cần nhìn cung cách hành xử của giới công an cảnh sát ở nơi đó. Mà lực lượng công an VN thì đang được người dân trong nước gọi bằng hai chữ "hung thần" trong đời sống. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Lê Phục Văn, nói về các bước chấn chỉnh mới nhất của giới chức công an tỉnh Đồng Nai, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Vào ngày 24/11 vừa qua, tờ báo Tuổi Trẻ đăng một bản tin ngắn có tựa đề là "Cảnh sát giao thông hay chửi thề không được đứng chốt". Nội dung bản tin cho biết là ban giám đốc công an tỉnh Đồng Nai vừa ra tay chấn chỉnh lại lực lượng cảnh sát giao thông để "phòng ngừa" các sai trái của ngành này.
Cách chấn chỉnh của các quan lãnh đạo tỉnh này là buộc tất cả cảnh sát giao thông phải viết giấy cam kết là không vi phạm nội quy tuần tra kiểm soát, không được tham gia các hoạt động kinh doanh vận tải dưới bất cứ hình thức nào, và phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản. Và khi đi tuần tra giao thông thì không được tùy tiện chận các xe cộ không hề vi phạm giao thông, hoặc chưa có mệnh lệnh của cấp trên. Ngoài ra khi kiểm tra giấy tờ chủ xe thì phải công khai chứ không được trốn núp trong chỗ kín.
Điều đáng chú ý hơn nữa là bản tin cho biết những cảnh sát giao thông có thói quen chửi thề, nói tục thì dứt khoát không được trao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, giải quyết các vi phạm giao thông và kể cả tiếp dân.
Đọc xong bản tin, người ta cảm thấy ngán ngẫm cho cái lực lượng "còn đảng còn mình". Nhưng ngán ngẫm nhất là không chỉ có cấp dưới hư hỏng mà ngay cả cấp trên cũng không tỉnh táo gì cho lắm. Một cảnh sát giao thông mà không được đi tuần tra, giải quyết các vi phạm và kể cả tiếp dân, chỉ vì hay chửi thề thì giữ lại trong ngành để làm việc gì? Không lẽ là để nấu bếp, canh giữ súng ống, hay đánh giày cho xếp trên?
Nhưng tại sao những người chuyên chửi thề lại được thu nhận vào ngành cảnh sát? Hay là khi được tuyển mộ thì họ là người đàng hoàng nhưng sau khi được đào tạo và huấn luyện thì nhiễm thói xấu đó? Nếu vậy thì phải coi lại cung cách giảng dạy và hành xử của những cấp chỉ huy, vì cổ nhân Việt có câu "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".
Mà điều này thì không khó kiểm chứng cho lắm. Người dân VN có thể dẫn chứng ra hàng loạt các vụ hành xử rất mất dạy của giới quan chức công an, từ cao đến thấp, và từ cảnh sát giao thông cho đến công an bảo vệ chính trị. Chẳng hạn như các vụ tát vào mặt người lái xe, đạp vào mặt người biểu tình, và xưng hô "mày, tao" khi mời người dân lên đồn "làm việc".
Ở các xứ văn minh, một công an hay cảnh sát mà hành xử như vậy là phải về nhà "đuổi gà cho vợ" ngay lập tức. Nhưng đa số đều chấp nhận hình thức kỷ luật đó mà không hề tỏ ra oán trách. Lý do là họ biết mình đã làm bậy, không đúng với những tôn chỉ mà mình đã được giảng dạy là phải tôn trọng dân, thương yêu và giúp đỡ dân, và đặc biệt là thực thi đúng pháp luật để mang lại sự công bằng cho xã hội. Giới cảnh sát Mỹ, Úc hay Anh, không cần phải ký giấy cam kết với các xếp trên là sẽ không làm bậy hay phải kê khai tài sản. Lời thề hứa của họ trong ngày tốt nghiệp sẽ là lời nhắc nhở cho họ suốt những năm làm việc trong ngành, tương tự như lời thề của giới bác sĩ khi ra trường.
Dĩ nhiên là không có xứ nào là không có những cảnh sát tệ hại, nhưng tỷ lệ đó ít hay nhiều sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm minh của hệ thống pháp luật và cơ cấu giám sát ở các xứ đó. Không có xứ nào được xem là thiên đàng vì chắc chắn vẫn có vài "con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng khi một lực lượng công an mà từ trên xuống dưới chỉ còn biết khư khư bảo vệ đảng cầm quyền bằng mọi giá, với hàng loạt cái chết trong đồn công an hay trên đường phố, thì phải gọi là một địa ngục trần gian chứ không còn là một xã hội đáng sống.
Tệ hơn thế nữa là chuyện cảnh sát giao thông chận xe vô tội vạ để kiếm tiền bỏ túi, dàn dựng hiện trường tai nạn để chạy tội cho chủ xe, hay hùn vốn làm ăn với các công ty xe tải, xe đò hay xe ben là chuyện đã diễn ra suốt mấy chục năm qua chứ không phải mới đây. Thế nhưng bây giờ các quan chức cao cấp tỉnh Đồng Nai mới ra tay chấn chỉnh với lý do "phòng ngừa" những sai trái đó trong giới công an tỉnh này, tựa hồ như vụ án tham nhũng và bảo kê ở trạm kiểm soát Ngả Ba Dầu Giây vào 10 năm trước là chuyện "cổ tích", nghe qua rồi bỏ.
Có lẽ đã đến lúc người dân Việt nên có những biện pháp thiết thực để giúp đỡ giới công an "làm sạch" hàng ngũ, thay vì chờ đợi những chấn chỉnh từ các quan chức cao cấp. Chẳng hạn như khi bị mời lên đồn "làm việc" thì cứ nói thẳng là "lên đồn công an dễ chết lắm", nếu muốn tra hỏi điều gì thì cứ tra hỏi tại nhà mình dưới sự chứng kiến của thân nhân. Và khi bị công an chận xe thì nên kêu gọi những người qua lại trên đường đứng lại làm nhân chứng, và tuyệt đối không nên đi theo công an vào chỗ kín để tránh bị hành hung hay vòi tiền. Nhưng nhớ là trong trường hợp nào cũng phải quay phim hay thu âm đầy đủ để làm bằng chứng sau này.
Đó là những biện pháp bảo vệ cho chính mình và cũng giúp loại trừ những tên ác ôn côn đồ đội lốt công an. Và không chừng còn giúp cho đảng và nhà nước có cơ hội lấy lại uy tín!
Lê Phục Văn
No comments:
Post a Comment