Tuesday, December 27, 2011

ĐỨNG THẲNG Ở HOÀNG SA

Ngày 27.12.2011     

Lời dẫn: "Sói biển" Mai Phụng Lưu, cùng các con và đồng nghiệp của anh, là những người cương quyết bám biển ở quần đảo Hoàng Sa chỉ vì một lý do duy nhất: đó là ngư trường của đất nước mà bao nhiêu thế hệ trong gia đình mình đã lăn lộn kiếm sống. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài tâm tình dưới đây của Nguyễn Quanh Vinh, mang tựa đề "Đứng thẳng ở Hoàng Sa", qua sự trình bày của Hoàng Ân.
Không hiểu sao mình không thích các bạn mình gọi anh Mai Phụng Lưu là "sói biển", dù mình biết các bạn gọi thế là để thể hiện lòng kính trọng và khâm phục.

Nhưng mình chỉ muốn gọi anh ấy bằng cái tên của anh ấy: ngư dân Mai Phụng Lưu – người đàn ông quả cảm, hiền hậu, đã cùng các đứa con bám ngư trường ở nơi đảo xa, nơi Hoàng Sa, hòn đảo của mình, vùng biển của ông bà mình – như anh nói.
Bạn Mai Thanh Hải giới thiệu anh rồi: Gần 30 năm bám biển Hoàng Sa, thông thuộc từng hòn đá, lạch nước, rặng san hô... Bao lần bị tàu Trung Quốc chặn bắt, phá ngư cụ, đuổi đánh và 4 lần bị lính Trung Quốc bắt nhốt, giam cầm thu tàu, đòi tiền chuộc... Nhưng anh và 3 cậu con trai cũng quen nghề bám biển, vẫn cùng bố nhắm hướng Hoàng Sa trong mỗi chuyến ra khơi...
Anh Mai Phụng Lưu không cố làm cái việc bám biển Hoàng Sa để người ta ngợi khen này nọ về lòng yêu nước, về sự quả cảm. Nói như anh: mình là ngư dân, biển đó là biển của mình thì mình ra đánh cá, vậy thôi.
Và có lẽ anh và các bạn ngư dân Quảng Ngãi của anh cũng chỉ mong một điều thật giản dị từ cấp chính phủ là "Bà con hãy ra biển Hoàng Sa đánh cá, chính phủ có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho bà con, vì ngư trường Hoàng Sa là của chúng ta, của nước Việt".
Nhưng vì chính phủ chưa làm tới được như vậy, nên anh và bà con phải ra đi trong sự lo lắng và hồi hộp tột cùng của gia đình, quê hương, bạn bè. Anh và bà con phải đánh cá ở ngư trường thuộc chủ quyền tổ quốc mà lúc nào cũng phải trông chừng, lúc nào cũng phải cảnh giác, lúc nào cũng nơm nớp sợ bị đuổi bắt, bị tấn công. Đau lắm phải không anh Lưu?
Anh hạnh phúc hơn chúng tôi chính là chỗ này. Trong khi chúng tôi mồm loa mép giải, ăn ốc nói mò Hoàng Sa thế này, Hoàng Sa thế kia, thì chính anh, các con anh và bà con Quảng Ngãi đã đứng thẳng ở Hoàng Sa, đứng thẳng trên một phần đất đai Tổ Quốc và nhìn về quê hương, nhìn về nước Việt. Anh đứng thẳng trên cái lý không ai cãi được: biển này, ngư trường này, đảo này là của ông bà mình, đứng thẳng mà làm ăn, không sợ.
Anh cao cả hơn chúng tôi là trong hoàn cảnh như thế, nguy hiểm như thế, tranh chấp như thế, anh vẫn ra ra vào vào Hoàng Sa, còn chúng tôi, nếu được mời lên thuyền anh để ra một chuyến Hoàng Sa, liệu ai dám ra nhỉ? Có, chắc chắn có người dám, nhưng chắc không thể vững tin, không thể can trường, không thể mạnh mẽ như anh được.
Anh làm chúng tôi tự hào. Tự hào vì chính anh, một người Việt, một ngư dân Việt, không lý luận, không tuyên ngôn, chỉ đơn giản là lên thuyền, và dong thuyển ra thẳng Hoàng Sa của anh, của quê hương anh, của nước Việt để kiếm con cá về nuôi vợ con, để kiếm tiền trả nợ vay đóng thuyền. Chúng tôi tự hào vì chính hành động của anh nói ra một chân lý: nếu hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu ngư dân đều ra biển Hoàng Sa để làm ăn, vì đấy là vùng biển đảo của chúng ta, thì không ai dám cướp, không ai dám gây hấn, không ai dám tranh chấp.
Anh và bà con đã đi những bước chân nối tiếp những bước chân của cha ông.
Anh cần ICOM ư? Chúng tôi sẽ đóng góp.
Nhưng chuyến đi sắp tới đây anh có an toàn không?
Anh biết chắc chắn là không có chuyến đi nào an toàn, nhưng anh vẫn ra khơi, ra khơi trên tư cách một công dân Việt, một ngư dân Việt, làm ăn ở vùng biển được xác tín hàng trăm năm này là của người Việt.
Tôi muốn làm một hình nhân đất sét cho anh để cầu trời cho anh mãi mãi an toàn và thuyền về chất đầy cá.
Hãy ra khơi anh nhé.
Nếu coi việc phong anh hùng cho một cá nhân để khẳng định thành tích đặc biệt xuất sắc thì anh rất xứng đáng. Thành tích để được anh hùng của anh chỉ cần ghi một dòng thôi: Là ngư dân biết đứng thẳng ở Hoàng Sa!
N. Q. V.

No comments:

Post a Comment