Friday, December 16, 2011

TÒA ÁN HÌNH SỰ QUỐC TẾ VÀ CÁC CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI

Ngày 15.12.2011     

Lời dẫn: Một trong những định chế giúp cho nhiều dân tộc đạt được khát vọng dân chủ và tự do mà ít đổ máu là Tòa án Hình sự Quốc tế, nơi sẽ xét xử những tay độc tài và khát máu của nhân loại. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của LS. Đào Tăng Dực, giải thích về thẩm quyền của tòa án quốc tế này, qua sự trình bày của chị Vân Khanh.
Theo báo Le Monde, số ra ngày 5 tháng 10 năm 2011, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trước đó 1 ngày, Trung Quốc và Nga Sô đã cùng nhau phủ quyết một đề nghị của các cường quốc tây phương, có nội dung lên án chế độ toàn trị của Tổng thống Bashar Al-Assad, thuộc Đảng Phục Hưng Xã Hội Chủ Nghĩa Syria, vì những cuộc tàn sát dân chúng tại xứ này. Theo lời tờ báo, thì Trung Quốc và Nga Sô đều rất sợ biến cố mùa xuân Ả Rập, sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho cả 2 dân tộc này đứng lên lật đổ chế độ độc tài.

Tuy nhiên, có một chân lý mà các chế độ toàn trị không thể tránh khỏi, là cho dù họ có gian manh đến đâu cũng không vượt qua được lương tâm và trí tuệ của tập thể nhân loại.
Sự hiện hữu của các văn kiện tuyệt vời như bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (United Nations Declaration of Human Rights), được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công bố vào ngày 10 tháng 12 năm 1948, hay Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Tự Do Chính Trị và Dân Sự vào năm 1966 (International Covenants on Political and Civil Rights), và nhất là sự hình thành của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court) vào ngày 11 tháng 3 năm 2003, là những mốc thời gian quan trọng.
Các văn bản và định chế trên cho thấy, lương tâm và trí tuệ của nhân lọai đã tiên đoán ngày tàn của các thể chế toàn trị, và phương thức để giải quyết tàn cuộc cho những chế độ này.
Vào ngày 8 tháng 12 vừa qua, thế giới đã chứng kiến một cảnh buồn cười. Đó là Tổng thống Bashar Al-Assad khi trả lời trực tiếp với nữ phóng viên nổi tiếng Barbara Walters trên đài truyền hình Hoa Kỳ, đã chối bỏ mọi trách nhiệm về việc tàn sát 4,000 người dân Syria vô tội, chỉ vì họ đứng lên chống lại chính quyền toàn trị này. Ông Assad khẳng định với bà Barbara Walters rằng, những người bị giết đều là binh sĩ và là những người ủng hộ ông. Nếu như có thường dân vô tội bị giết thì đó là hành vi của những cá nhân trong chính quyền, và ông không hề ra lệnh cũng như chịu trách nhiệm.
Cuộc phỏng vấn này cho thấy điều mà ông Assad và người CSVN hiện nay, cũng như trước đây nhà độc tài Muammar Gaddafi sợ hãi nhất, đó là viễn ảnh họ bị truy tố ra Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Lý do vì tòa án này có thẩm quyền xét xử các trọng tội như: -
- Tội ác diệt chủng (genocide)
- Tội ác chống nhân lọai (Crimes against humanity) và
- Tội ác chiến tranh (War crimes)
Các tội này được định nghĩa một cách chi tiết trong Bộ Luật La Mã về Tòa án Hình sự Quốc tế, được gọi tắt là Bộ Luật La Mã (Statute of Rome), có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2002.
Tòa án này không có thẩm quyền tuyệt đối và chỉ đăng đàn xét xử, nếu như:
1. Tội ác xảy ra sau ngày 1 tháng 7 năm 2002;
2. Bị cáo là công dân của một quốc gia thành viên của tòa hay một quốc gia chấp nhận thẩm quyền của tòa;
3. Tội phạm xảy ra trong lãnh thổ của một quốc gia thành viên hay một quốc gia chấp nhận thẩm quyền của tòa, hoặc;
4. Nếu chính Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chuyển hồ sơ đến Công tố viện, thì tòa sẽ có thẩm quyền bất kể bị cáo thuộc quốc gia nào hay tội phạm xảy ra nơi đâu.
Điểm thứ 3 nêu trên thật sự đã trao cho tòa án này một thẩm quyền vượt lên trên biên giới quốc gia, cho dù quốc gia ấy có là thành viên hay không.
Hơn ai hết, 14 thành viên bộ chính trị CSVN đang theo dõi rất sát tình hình biến động tại Trung Đông. Câu hỏi đặt ra, là nếu có những cuộc biểu tình quy mô chống chính quyền tại Việt Nam như đang xảy ra tại Syria, liệu bộ chính trị CSVN có ra lệnh đàn áp dân chúng bằng vũ lực, đưa đến con số tử vong cao hay không?
Không ai có thể đánh giá thấp sự tàn bạo của một tập đoàn "hèn với giặc" nhưng "ác với dân", như người CSVN. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên tin học và trong một thế giới ngày càng ít chỗ dung thân cho những kẻ độc tài, bộ chính trị CSVN nhận thức rằng, bất cứ quyết định nào khiến quần chúng bị thiệt mạng, thì họ sẽ gặp phải hậu quả chế tài khắt khe của bộ luật hình sự quốc tế.
Mặc dù Việt Nam từ chối không trở thành một quốc gia thành viên của hệ thống Tòa án Hình sự Quốc tế, nhưng nếu CSVN gây đổ máu cho người dân khi xuống đường biểu tình, thì xác suất rất cao là Hội đồng Bào An LHQ sẽ chuyển hồ sơ truy tố cho Công tố viện. Hậu quả theo Bộ Luật La Mã, thẩm quyền của tòa sẽ phủ quyết sự kiện một quốc gia có phải là thành viên hay không. Trong trường hợp, chính quyền CSVN bị lật đổ và một tân chính phủ lên nắm quyền, thì chính phủ mới này vẫn có thể nhân danh quốc gia, công nhận thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế. Chiếu theo đó, Tòa án Hình sự Quốc tế sẽ tiến hành việc xét xử những kẻ nào đã ra lệnh đàn áp dân chúng.
Nhà độc tài Muammar Gaddafi vì lo sợ bị truy tố ra Tòa án Hình sự Quốc tế mà phải chiến đấu tới giờ phút cuối cùng, để rồi trở thành một thây ma không biết đi của lịch sử. Ông Bashar Al-Assad hiện nay chỉ là một thây ma biết đi với nỗi hoảng sợ cực kỳ. Tâm trạng của 14 thành viên bộ chính trị CSVN giờ đây cũng không khác gì tâm trạng của ông Assad.
Thế kỷ 21 sẽ được lịch sử ghi nhớ vì là giai đoạn vươn lên về kinh tế của các dân tộc Đông Á. Quan trọng hơn nữa, nhân loại sẽ đánh giá cao kỷ nguyên này vì sự cáo chung vĩnh viễn của các nền độc tài toàn trị, đem lại thăng hoa về dân chủ và nhân quyền trong vùng, mà trong đó có Việt Nam.
LS. Ðào Tăng Dực
11/12/2011

No comments:

Post a Comment