Ngày 08.12.2011
Lời dẫn: Chuyện ông nghị Hoàng Hữu Phước phản đối quyền biểu tình của người dân Việt đã gây phẫn nộ trong dư luận. Nó cũng cho thấy đầu óc nông cạn và thiếu hiểu biết của những người gọi là đại biểu quốc hội VN. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Luật Sư Ðào Tăng Dực, để cho thấy trình độ yếu kém của những người đó, qua sự trình bày của chị Vân Khanh.
Ngày 17 tháng 11 vừa qua là một ngày đáng ghi trong lịch sử nước ta. Đó là ngày ông Hoàng Hữu Phước, một đại biểu quốc hội của đảng CSVN, tức cái đảng đang nắm quyền cai trị một dân tộc có 90 triệu dân, với gần 5,000 năm văn hiến, đã tuyên bố trong quốc hội rằng Việt Nam không cần luật biểu tình, vì theo ông:
"Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ."
Khi tuyên bố như thế, ông Phước không cần biết hiến pháp CHXHCNVN có quy định rõ rệt trong điều 69 là:
"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của luật pháp."
Sự kiện hiến pháp quy định một đàng nhưng các dân biểu quốc hội lại tuyên bố một nẻo, đó là căn bệnh trầm kha của một đất nước, sau nhiều thập niên dưới chế độ độc tài, độc đảng.
Ông Phước là một dân biểu có bằng cấp cao, nào là cử nhân Anh văn, nào là thạc sĩ quản trị kinh doanh và phát triển nhân lực. Nhưng thật ra sự hiểu biết của ông quá kém cõi, huống hồ gì các dân biểu bù nhìn khác, những người được gọi là các đại biểu quốc hội Việt Nam.
Chính vì đầu óc nông cạn và thiếu hiểu biết, nên ông Phước có những quan niệm sai lầm căn bản về luật pháp như sau: -
- Thứ nhất, ông nghĩ là luật pháp không cần tuân thủ theo hiến pháp. Nguyên do, ông và các nhân vật bù nhìn trong quốc hội quan niệm rằng, hiến pháp chỉ là một tấm bình phong cho mục tiêu nắm quyền và trục lợi, do đó hiến pháp không hề có giá trị pháp lý.
- Thứ hai, ông cho rằng những gì luật pháp minh thị cho phép thì công dân mới được quyền làm, những gì luật pháp không minh thị cho phép thì coi như cấm. Vì ông quen với thói độc tài nên nghĩ rằng, hễ đảng không cho phép thì đương nhiên công dân bị cấm. Lập luận này sai lầm từ căn bản. Lý do đơn giản, là cuộc sống của con người vô cùng đa dạng, cho dù có quyền năng tuyệt đối của thần linh thì cũng không một cá nhân hoặc một tập thể nào có thể kiểm soát, và quy định sự vận hành của mọi sinh hoạt con người.
Quy định thông thường của luật pháp trong một xã hội văn minh, là công dân có các quyền tự do mà luật pháp không minh thị ngăn cấm. Chẳng hạn, công dân có quyền hít thở không khí, có quyền ăn cá hay ăn thịt, có quyền ra bãi biển ngắm trăng, có quyền cầm tay người yêu của mình, mà không cần phải chờ đến quốc hội của ông ra sắc luật cho phép.
Sau phát biểu trên của ông Phước, vào ngày 24 tháng 11, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tại quốc hội đã kêu gọi ban hành luật biểu tình tại Việt Nam. Lập tức, nhiều người kêu gọi biểu tình ủng hộ lập trường này của ông Dũng.
Mặc dù lập trường của Hoàng Hữu Phước và Nguyễn Tấn Dũng có khác nhau, nhưng khi phân tích kỹ, cả hai đều mang những căn bệnh trầm kha của người CSVN. Ông Dũng cũng như ông Phước có chức quyền là nhờ vào thành ngữ "theo quy định của luật pháp" ở cuối điều 69 về quyền biểu tình, và ở cuối điều 54 về quyền bầu cử và ứng cử của hiến pháp CHXHCNVN.
Thành ngữ "theo quy định của luật pháp" hiện hữu thông thường trong hiến pháp của các nước dân chủ chân chính. Lý do, là một khi hiến pháp quy định một quyền lợi hay trách nhiệm, thì sau đó phải có sắc luật của lập pháp để triển khai phương pháp thi hành thực tế. Tuy nhiên, sắc luật này phải có mục đích duy nhất là thi hành tinh thần hiến pháp, và không được quyền đi ngược lại tinh thần đó, nhất là không được tước bỏ từng phần hay toàn phần quyền công dân này. Nếu đi ngược lại, thì sắc luật đó sẽ bị tuyên bố là vi hiến và vô hiệu lực.
Thế nhưng đảng CSVN khi luật hóa điều 54 của hiến pháp, đã diễn giải thành ngữ "theo quy định của luật pháp" có nghiã là quốc hội muốn làm gì thì làm, kể cả đi ngược lại tinh thần của điều 54.
Ngày 15 tháng 4 năm 1992, khi quốc hội VN thông qua Luật Bầu Cử Quốc Hội, nhất là các điều 25 đến 36 (quy định Mặt Trận Tổ Quốc có tiếng nói quyết định trong việc giới thiệu người ra ứng cử), thì quốc hội đã cướp đi quyền tự do ứng cử của người dân và đi ngược lại tinh thần của điều 54. Từ đó hợp thức hóa tình trạng "đảng cử, dân bầu" hiện nay.
Nếu truyền thống này tiếp tục, chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi quốc hội CSVN dự kiến thông qua một sắc luật biểu tình, mà sẽ hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần của điều 69 hiến pháp, nghĩa là tước đi quyền tự do biểu tình của người dân, ngoại trừ các cuộc biểu tình ủng hộ đảng CSVN.
Trong một chế độ dân chủ thực sự, với một nền tư pháp độc lập và tam quyền phân lập, những sắc luật kể trên tại VN sẽ bị tư pháp tuyên bố là vi hiến và vô hiệu lực. Nhưng tại Việt Nam vì điều 4 hiến pháp, vì không có các khái niệm vi hiến hay hợp hiến, và vì vắng bóng một định chế tư pháp độc lập, cho nên các quyền công dân được quy định trong hiến pháp hiện nay chỉ là những chiếc bánh vẽ, được sử dụng cho mục đích riêng của chế độ mà thôi.
Cả Nguyễn Tấn Dũng lẫn Hoàng Hữu Phước đều là những sản phẩm của một định chế, họ kém cỏi về trí năng nhưng lòng tham và vị kỷ thì vô giới hạn. Định chế độc tài độc đảng này chỉ giỏi việc cướp chính quyền và sử dụng bạo lực để hà hiếp người dân vô tội, làm gì có khả năng để lãnh đạo một dân tộc lớn, hào hùng và văn hiến như dân tộc Việt Nam.
Thật không biết hổ thẹn!
Ðào Tăng Dực
26/11/2011
No comments:
Post a Comment