Friday, December 9, 2011

CHỢ NGƯỜI Ở HÀ NỘI

Ngày 09.12.2011     

Lời dẫn của HS: Cuộc cách mạng vô sản của đảng cộng sản VN đã kéo dài 66 năm nhưng hàng triệu người vô sản vẫn là vô sản, chỉ có thứ tài sản cuối cùng để mang ra bán là "sức lao động" ở các khu chợ người, ngay tại cái thủ đô của chế độ. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự về các khu chợ người ế ẩm ở Hà Nội, qua sự trình bày của chị Như Giang.
Người ta gọi là "chợ người lao động" bởi ở đây tụ họp rất nhiều người, và chỉ mua bán một loại hàng hóa duy nhất: sức lao động. Ở nơi đây, "người bán" thường ngồi ước ao: "Ước gì bây giờ có vài tấn xi măng để mình vác nhỉ!".

Cái chợ này, mỗi ngày có đến hàng trăm người ra đây ngồi chờ xem có ai đến "mua" sức lao động thì "bán". Họ có thể làm bất cứ việc gì, từ quét dọn, lau nhà cho đến gánh đất cát, chở gạch, bốc xi măng, chuyển nhà...
Vào mùa cuối năm của những năm trước, người bán sức lao động "chạy sô" cũng không hết việc. Nhưng năm nay, tại khắp các chợ lao động ở Hà Nội như trên đường Bưởi, ngã tư Giảng Võ, chân cầu vượt Mai Dịch... đều có chung tình trạng u ám và ế ẩm.
Dù đã 12 giờ trưa nhưng chợ người lao động ở đường Bưởi vẫn còn khoảng 40 đến 50 người ngồi chờ. Chợ này có khi tụ tập hơn một trăm người, chủ yếu đến từ tỉnh Nghệ An hay Thanh Hoá. Mỗi người đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Có người vì không có ruộng đất. Có người vì lụt lội, mất mùa triền miên. Có người đi xuất cảng lao động nhưng phải quay về và đang mang nợ hàng trăm triệu đồng. Nhưng cũng có những cậu sinh viên mới ra trường, chưa xin được việc làm. Tất cả đều ra "chợ người" để bán sức lao động. Lại có cả cảnh hai cha con hay hai vợ chồng cùng ra chợ để kiếm sống.
Mùa vừa rồi bị lụt nên cả 6 sào ruộng nhà anh Nguyễn Hồ Đức ở huyện Kiến Thạch tỉnh Nghệ An bị mất trắng, phải đi đong gạo ăn từng ngày. Anh phải ra đây kiếm tiền gửi về cho vợ mua gạo, cho 2 đứa con trai đang học ở Sài Gòn và đứa con út đang học lớp 12.
Riêng hai cha con ông Nguyễn Hữu Thịnh và anh Nguyễn Hữu Bảy đã có mặt ở khu chợ lao động này hơn 3 năm. Trước đó, trong ước mơ đổi đời, gia đình anh Bảy vay mượn được hơn 100 triệu đồng để anh sang xứ Saudi Arabia làm việc. Nhưng chưa đầy một tháng thì phải về nước vì vợ lâm bệnh nặng. Đã không có tiền mang về, anh còn phải gánh một cục nợ trên vai. Hai cha con ra Hà Nội mưu sinh và đến khu chợ này. ÔngThịnh hằng ngày chạy xe ôm, còn anh Bảy thì ai mướn việc gì làm việc đó, với hy vọng trả được số nợ hàng trăm triệu đồng.
Và Nguyễn Đức Hải, người thanh niên tốt nghiệp trường đại học dân lập Đông Đô nhưng chưa xin được việc làm, nên ra đây chạy xe ôm và đợi người ta thuê mướn sức lao động.
Vì chỉ mua bán một loại "hàng hóa" đặc biệt nên chợ người không giống những chợ khác. Lý do là người càng đông thì chợ càng ế ẩm vì việc làm thì ít, mà người "bán sức" càng ngày càng nhiều. Nhìn cảnh người đứng, người ngồi, người nằm, người gục mặt tranh thủ ngủ... mới thấy xót xa cho khu chợ người này.
Bác Nguyễn Bá Vượng, quê ở Nghệ An ra đây làm nghề xe ôm đã được hơn 10 năm, cho biết là những năm trước chợ còn thưa người, việc làm cũng còn nhiều thì một ngày bận rộn có thể kiếm được nhiều. Bây giờ
thì thường không có khách, sáng đi, tối về không! Lý do là trước đây chỉ có vài người chạy xe ôm nhưng bây giờ khu chợ này có hơn 20 người làm nghề này. Nhìn đôi mắt đầy lo âu của người cha hơn 50 tuổi, chúng tôi không khỏi xót xa. Ở nơi xa, 4 đứa con đang ăn học vẫn từng ngày mong tin cha!
Hai cha con ông Thịnh cũng không khá hơn. Từ năm ngoái đến nay, người đến thuê đi làm ít hẳn. Hôm nào may mắn ra thì được thuê đi bốc vác vài tiếng. Thời gian còn lại là ngồi chờ, có khi mấy ngày liền hai cha con không có được việc làm, đành phải đi nhặt rác, vỏ chai để kiếm sống qua ngày.
Vừa nhìn xa xăm, bác Thịnh vừa tâm sự: "Có lẽ mấy hôm nữa phải khăn gói về quê như những lần trước. Vì trên này bây giờ cái gì cũng đắt ghê người. Ăn một bữa cơm bụi 20 ngàn đồng mà vẫn còn đói. Tiền phòng trọ, điện nước mỗi tháng rẻ lắm cũng 7 hay 8 tám trăm ngàn đồng mà việc làm thì vẫn không có".
Ở chợ này, khuôn mặt ai cũng khắc khổ, sạm đen vì nắng gió miền Trung, hay vì suốt bao năm nay, cái nghèo, cái khổ vẫn đeo đẳng họ mãi không thôi. Ai cũng mơ ước, giá như quê mình có một khu công nghiệp nào đó, hay nhà nước giúp cho đồng bào làm được một cái nghề nào đó ở quê thì sẽ không còn ai phải tha hương cầu thực, hằng ngày phải nghe những câu hỏi đắng lòng của người đến "mua sức": "Đây là "chợ người" phải không?!".
Biết đến bao giờ ở Hà Nội mới không còn những khu chợ người lao động như thế này nữa? Ngày đó sẽ không còn những ước muốn nhỏ nhoi làm người ta nghẹn lòng mà một người ở đây đã buột miệng nói ra: "Ước gì bây giờ có vài tấn xi măng để người ta thuê mình bốc vác nhỉ?!".

No comments:

Post a Comment