Ngày 12.12.2011
Lời dẫn: Trong lúc các lãnh vực y tế, giáo dục và giao thông đang ngày càng trở thành một vấn nạn lớn của đất nước, thì chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tung ra một chương trình gây kinh ngạc cho nhiều người. Đó là chương trình tháo gỡ bom mìn. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm của LLDTCNTQ, có tựa đề "Những trái bom nổ chậm", qua sụ trình bày của anh Hải Nguyên.
Vào ngày 5/12 vừa qua, nhà cầm quyền VN tung ra một chiến dịch khiến cả thế giới kinh ngạc, với cái tên dài lòng thòng là "Chương trình hành động quốc gia khắc phục bom mìn sau chiến tranh, giai đoạn 2010 – 2025", với phí tổn dự trù lên đến 700 triệu Mỹ kim, tức hơn 15 ngàn tỷ đồng VN.
Cái kinh ngạc đầu tiên là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm "trưởng ban chỉ đạo", tức tư lệnh dọn dẹp mìn bẫy, của chương trình này. Có nghĩa là "mâm nào cũng có ổng", nói theo kiểu dân gian, vì ông Dũng đang nắm hàng loạt chức trưởng ban, từ phòng chống tham nhũng cho đến chủ quyền ở Biển Đông. Chuyện bom mìn là chuyện của quân đội, không lẽ VN không có được ông tướng nào đảm trách chuyện này hay sao?
Nhưng cái kinh ngạc nhất là ban chỉ đạo chương trình này tuyên bố rằng, toàn quốc hiện có 9284 xã là có bom mìn, cần phải được rà soát và tháo gỡ, với tổng diện tích lên đến gần 7 triệu mẫu, tức hơn một phần năm diện tích VN. Vì thế mà ủy ban tháo gỡ bom mìn cho rằng con số 700 triệu Mỹ kim là còn ít, vì tổng phí tổn phải lên đến 10 tỷ Mỹ kim!
Chỉ nghe xong các con số, người ta cảm thấy choáng váng. Không choáng váng sao được khi toàn quốc VN có 10500 xã thì có đến 9284 xã là có bom mìn nằm đâu đó dưới đất. Có nghĩa là chỉ có khoảng 800 xã là có mức độ an toàn tuyệt đối. Nhưng con số thống kê này dựa vào những dữ liệu nào?
Nếu đúng như thế thì nó cho thấy không chỉ có ở miền nam, nơi hứng chịu bom đạn hằng ngày của hai phe, mà ở miền bắc cũng đầy dẫy bom mìn. Không lẽ chỉ có 12 ngày dội bom mà không quân Mỹ có thể rải thảm khắp các tỉnh miền bắc? Hay là trong cuộc chiến biên giới vào năm 1979, máy bay Trung Cộng đã ném bom gần như không còn sót chỗ nào trên đất nước?
Điều đáng nói là cuộc chiến VN đã chấm dứt từ 36 năm trước. Hơn một nửa dân số hiện nay là sinh ra sau chiến tranh. Không có một vùng đất hay cánh rừng nào mà không có dấu chân người đặt chân đến để cày xới. Họ khẩn hoang trồng trọt. Họ lùng tìm trầm hương, gỗ quý hay đào đãi vàng. Và thực tế cho thấy là con số người chết vì bom mìn ngày càng ít đi, mà đa số thương vong chỉ là vì cưa cắt để lấy đồng hoặc sắt mang đi bán.
Con số tử vong cao nhất là ở miền trung, nơi từng diễn ra những trận đánh đẫm máu giữa hai phe và cũng là nơi được chính phủ Mỹ tài trợ rất nhiều cho công tác tháo gỡ bom mìn suốt mấy thập niên qua. Trong khi đó ở đồng bằng miền nam, gần như không nghe thấy các vụ tử thương vì bom mìn còn sót lại trong chiến tranh, mặc dù thỉnh thoảng có phát giác ra những căn hầm đầy đạn pháo.
Chính vì thế, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng lại đề ra chương trình này và sẵn sàng chi ra một khoản tiền lên đến 15 ngàn tỷ đồng, trong lúc hàng ngàn xã nghèo đang cần có một cây cầu treo hay một trường tiểu học mà phí tổn xây dựng không đến 10 tỷ đồng?
Tệ hơn thế nữa, con số tử nạn giao thông ở VN hiện cao gấp mấy ngàn lần so với con số người chết vì những trái bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Chính vì thế, tại sao lại có thể đề ra một chương trình có thể tốn kém đến 10 tỷ Mỹ kim trong nhiều năm tới, trong khi nguồn nhân lực và tài lực đó có thể dồn vào việc mở rộng hay nâng cấp các quốc lộ, tỉnh lộ và thiết lộ để hạ giảm các vụ xe đò lao xuống ruộng và xe lửa đụng chết người?
Không ai phủ nhận rằng bom mìn vẫn còn tiềm ẩn đâu đó trên mảnh đất VN, từ thời chiến tranh chống Pháp cho đến cuộc chiến Nam – Bắc và các cuộc chiến ở biên giới sau năm 1975. Nhưng không thể chi ra cả chục tỷ Mỹ kim cho một chương trình mà các dữ liệu chỉ là phỏng đoán, trong khi tình trạng quá tải ở các bệnh viện đang là nan đề lớn trong xã hội, không kém gì quốc nạn giao thông.
Với 10 tỷ Mỹ kim, nếu không tham nhũng hay rút ruột công trình, đất nước VN sẽ xây dựng được ít nhất là 100 bệnh viện, hay 10 ngàn ngôi trường, với đầy đủ tiện nghi trong vòng 5 hay 10 năm tới. Đó mới là những dự án mang lại phúc lợi cho xã hội mà bất cứ một chính phủ nào, nếu thật tâm lo cho dân cho nước, bắt buộc phải nghĩ đến.
Điều bất hạnh cho dân tộc Việt là chính phủ Nguyễn Tấn Dũng không nghĩ như thế. Chính vì thế mà các tập đoàn quốc doanh cứ tha hồ kinh doanh thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong khi đó thì hàng trăm ngàn nông dân ở 11 tỉnh thành bị mất mùa vì lũ lụt, thì chỉ được ông Dũng trợ giúp 340 tỷ đồng trong tuần qua.
Chính cung cách điều hành đất nước bất nhân và bất công đó đang tạo ra những trái bom nổ chậm trong xã hội, có sức hủy diệt gấp triệu lần các bom mìn đang ẩn sâu dưới đất. Những trái bom đó đang hiện hữu trên mọi miền đất nước, đang chờ giờ nổ và sẽ nổ dây chuyền, từ Bắc chí Nam!
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment