Monday, December 19, 2011

NGÔI CHÙA VỚI CÁC TẤM LÒNG VÀNG

Ngày 18.12.2011     

Lời dẫn: Rất nhiều trẻ em bất hạnh sẽ không có cơ hội trưởng thành để làm người tại VN, nếu như không có những mái ấm và những con người mang tấm lòng vàng như sư cô Huệ Đức của chùa Diệu Pháp ở tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự viết về ngôi chùa có tấm lòng vàng này, qua sự trình bày của chị Dian.
Toạ lạc trên một sườn đồi xanh thăm thẳm, chùa Diệu Pháp ở ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, gần 30 năm qua đã trở thành cứu tinh cho sự lầm lỡ của những người vất bỏ con cái.

Ngôi chùa nghèo đã trở thành mái nhà cưu mang hàng trăm đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. 30 năm qua, đã có những đứa trẻ trưởng thành dưới mái chùa, tốt nghiệp đại học, lập gia đình và sinh con đẻ cái. Nhưng cũng có những đứa trẻ chỉ sống tạm trên trần gian được vài tháng và sau đó yên nghỉ trong những ngôi mộ trẻ thơ tại khuôn viên của chùa.
Cách đây gần 30 năm, vào một buổi sáng tinh sương, khi tiếng chuông chùa vừa điểm, sư cô trụ trì Huệ Đức đang tụng kinh thì bỗng nghe những tiếng khóc thút thít từng đợt, trong trẻo nhưng yếu ớt như tiếng trẻ thơ. Sư cô vội chạy ra cổng chùa và nhìn thấy một đùm khăn đang động đậy. Lần giở đùm khăn ra thì thấy bên trong là một bé gái sơ sinh đã tím tái và lịm dần đi vì đói lạnh. Sư cô Huệ Đức kể: "Sự xuất hiện của đứa trẻ đó trước cửa chùa như là một cơ duyên. Tôi lập tức mang đứa trẻ bị bỏ rơi vào nuôi dưỡng trong chùa".
Khi đó việc chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh mà không có hơi ấm và dòng sữa từ người mẹ là một việc rất khó khăn. Nhưng bằng tấm lòng thương yêu cao độ trước một sinh linh bé nhỏ, sư cô phải tập làm mẹ, tập cho đứa trẻ ăn cháo và uống sữa hộp. Thoạt đầu đứa trẻ cũng kén ăn nhưng dần dà thì cũng quen và bắt đầu cứng cáp và khoẻ mạnh. Bé gái đó bây giờ là Hồ Đức Diệu Hiền 28 tuổi, trở thành vợ và mẹ của những đứa trẻ trong vòng tay yêu quý của hai vợ chồng. Diệu Hiền mặc dù đã ra đời tự lập, nhưng cũng như mỗi người con khác của chùa Diệu Pháp, vẫn luôn trở về mái nhà chung để cùng sư cô đùm bọc, dạy dỗ những đứa trẻ bất hạnh để chúng có cơ hội lớn lên làm những người mẹ, người cha biết yêu thương con cái.
Cũng từ ngày xuất hiện tiếng khóc của Diệu Hiền vào năm 1983, ngôi chùa Diệu Pháp trở thành một mái ấm tình thương. Suốt 30 năm qua, rất nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi vì bị tật nguyền, bị nhiễm HIV hay các bệnh hiểm nghèo... lại được đặt trước cửa chùa. Sư cô Huệ Đức và các sư cô khác trong chùa đã dang rộng vòng tay đón những đứa trẻ bị bỏ rơi đó và nuôi chúng thành người.
Chùa Diệu Pháp không lớn, nhưng dành rất nhiều diện tích để xây những khu nhà ở cho trẻ em. Cổng tam quan, sân chùa, bái đường và chính điện chỉ khiêm tốn nằm nép một bên góc. Phần còn lại là các phòng dành để nuôi dưỡng các số phận bất hạnh, được chia thành từng khu vực dành riêng cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi, phòng cho các cháu trai trên 10 tuổi, phòng cho các cháu nữ trên 10 tuổi, phòng cho những người già neo đơn và phòng tâm thần...
Một điều mà sư cô Huệ Đức cảm thấy đau lòng là có nhiều đứa bé khi được bỏ trước cửa chùa, vì không phát giác kịp thời nên bị côn trùng hay chó mèo cắn xé. Mặc dù sau đó được các sư đưa đi chữa trị tại bệnh viện nhưng chỉ sống sót được vài tháng vì kiệt sức. Ngay trong khuôn viên chùa là 5 ngôi mộ được sắp kề nhau. Trên bia mộ khắc ghi: "Hương linh Nguyễn Bảo Gia Ngọc, pháp danh Huệ Phúc, sinh ngày 16/12/2003, mất ngày 30/12/2003" hay "Hồ Đức Diệu Phước, bỏ rơi ngày 1/12/2002 – mất ngày 5.3.2003".
Sau gần 30 năm nuôi dưỡng những mầm non bất hạnh, đến nay chùa Diệu Pháp đã giúp cho hơn 500 đứa trẻ bất hạnh trưởng thành và ra đời. Trong số đó có 48 em đã tốt nghiệp đại học, đi làm. Một người đang học tiến sĩ tại Nhật. Một người là thạc sĩ ngoại ngữ... Và còn 46 em đang theo học các trường đại học hay cao đẳng tại Sài Gòn, Đồng Nai, Thừa Thiên-Huế. Hiện chùa Diệu Pháp đang nuôi dạy 101 đứa trẻ bị bỏ rơi bệnh và 24 người già cả bị tâm thần hay đơn chiếc.
Để có tiền nuôi nấng bọn trẻ, 6 ni sư trong chùa phải ngày đêm lao động cật lực. Mảnh đất rộng 3 mẫu của chùa được tận dụng để trồng lúa, cao su và rau cải để tự cung cấp lương thực. Sư cô Huệ Đức cho biết là các sư cô của chùa còn tạo mọi điều kiện khuyến khích các em đi học và theo đuổi con đường tri thức đến cùng. Bọn trẻ bắt đầu lên 4 tuổi đã được cho đi học mẫu giáo. Sức học của các em đến đâu thì chùa cố gắng nuôi dưỡng đến đó.
Chùa Diệu Pháp bây giờ đã được nhiều người biết đến. Nhiều tổ chức từ thiện và cá nhân đã tới chung tay xây dựng và nuôi dưỡng các đứa trẻ tật nguyền hay bị bỏ rơi. Một số bây giờ đã trưởng thành và hằng ngày sau giờ làm việc lại trở về với mái nhà chung, cùng sư cô Huệ Đức nuôi nấng và dạy dỗ những đứa trẻ đang tiếp tục bị bỏ rơi để chúng có cơ hội lớn lên thành người.

No comments:

Post a Comment