Wednesday, December 21, 2011

ĐỦ KIỂU CHỐNG TRỘM

Ngày 21.12.2011     

Lời dẫn: Tệ nạn trộm cắp đã lên đến mức báo động ở VN, khiến mọi người phải mua sắm các hệ thống báo động kẻ gian đột nhập vào nhà. Nhưng các hệ thống này liệu có giúp chận đứng được tệ nạn đó không? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây của hai phóng viên Sơn Lâm và Ngọc Khải, qua sự trình bày của chị Dian.
Trong những ngày cuối năm, người dân lo lắng nhiều hơn về vấn nạn trộm cắp. Nắm được tâm lý đó, hàng loạt thiết bị chống trộm cắp được tung ra mà giá cả và phẩm chất cũng theo kiểu hên xui.
Chỉ mới 8 giờ sáng, chúng tôi đã ghé vào công ty điện tử viễn thông Phan Anh trên đường Đỗ Thừa Luông ở quận Tân Phú – Sài Gòn và gặp ngay ông Toàn, nhà ở chợ Tân Hương gần đó, đang hí hoáy chọn lựa một thiết bị báo động trộm ráp để về gắn đặt tại nhà mình.

Ông Toàn kể: "Mới đêm qua bà xã tôi thấy một bóng đen lẻn vào nhà, vừa la lên thì chúng vụt chạy mất. Kiểm tra tài sản thì không mất thứ gì nhưng tôi vẫn lo lắm. Vào những ngày cuối năm, bọn trộm lộng hành hơn".
Khu phố chuyên bán máy quay phim hay máy chống trộm trên đường Lý Thường Kiệt ở quận 11 – Sài Gòn bỗng trở nên nhộn nhịp hơn. Đây là khu vực thuộc chợ Nhật Tảo chuyên bán hàng điện tử. Bà Phương, chủ nhân một cửa tiệm chuyên về hệ thống báo động trộm cắp và hỏa hoạn, cho hay: "Tháng rồi tiệm tôi bán và lắp ráp cho hơn 30 khách hàng". Chỉ riêng tại khu vực chợ Nhật Tảo cũ này, chúng tôi được mời chào hơn 20 loại thiết bị chống trộm như máy quay phim có "mắt thần" hồng ngoại tuyến, các loại công tắc có còi hú... Rất nhiều loại có những cái tên loằng ngoằng rất khó nhớ.
Chúng tôi đi theo Hoàng, một kỹ thuật viên chuyên đi lắp ráp hệ thống chống trộm, đến một căn nhà anh đang gắn trước khi bàn giao. Đụng vào cánh cửa sắt chưa được năm giây, tiếng còi hụ đã inh ỏi từ phía bên trong nhà, chiếc điện thoại Hoàng cầm trên tay cũng rung và kêu bíp bíp. Hoàng bảo: "Khi phát giác có người lẻn vào nhà, hệ thống này sẽ ré còi báo động, đồng thời gửi tin báo có trộm đến điện thoại của chủ nhà".
Không chỉ có nhiều chủng loại mà giá cả cũng lung tung, nên người mua rất dễ bị lầm lẩn. Có nhiều loại gọi là "mắt thần hồng ngoại" nhưng có giá chưa tới trăm ngàn đồng, trong khi có thứ lên tới hàng chục triệu đồng nhưng phẩm chất thì xài thử mới biết.
Lý do là dù có gắn hệ thống chống trộm cắp nhưng nhiều chuyện oái oăm đã xảy ra. Ông Ngọc Huy, chủ nhân một căn nhà trên đường Nguyễn Sơn ở quận Tân Phú, vừa bị bọn trộm vào nhà lấy luôn cả máy quay phim... chống trộm! Ông Huy kể: "Tui ngủ dậy kiểm tra chiếc máy quay hồng ngoại gắn trước nhà thì không thấy tín hiệu gì. Chạy ra xem thì nó bị lấy mất. Hệ thống báo động tui giấu dưới mấy ống nước ngoài hàng rào không hề báo động một tiếng".
Vì nhà ông có nhiều lớp cửa và được khóa cẩn thận nên bọn trộm chỉ lất được cái máy quay chống trộm trị giá gần 1 triệu đồng. Thế là ông phải sắm thêm một máy khác và phải mua một hệ thống cảm biến nhiệt thay thế hệ thống gắn ở hàng rào đã "không chịu làm việc".
Trong khi đó thì anh Nguyên, chủ căn biệt thự ở Thảo Điền ở quận 2, cùa tháo hệ thống báo động vừa lắc đầu nói: "Mới lắp đặt chưa được một tháng mà trong tuần qua đã hai lần đứng tim với nó. Ai đời giữa khuya đang ngủ thì nó réo ầm ĩ, cả nhà bật dậy đi lùng sục thì chẳng thấy bóng ai, cửa nẻo vẫn bình thường".
Hệ thống này anh Nguyên được một chuyên gia dụ dỗ mua với giá 800 ngàn đồng, trong khi các tiệm thì bán đến 1 triệu 400 ngàn đồng. Tương tự như thế gia đình ông Hà Ngọc Thanh ở phường Bình Hưng Hòa quận Bình Tân cũng tháo bỏ hệ thống chống trộm có giá hơn 3 triệu đồng vì cả nhà đều mất ngủ. Lý do là hệ thống này không phân biệt được đâu là trộm và đâu là dơi kéo đến ăn cây trứng cá.
Dĩ nhiên là ngoài những trục trặc kỹ thuật, đồ giả cũng xuất hiện tràn lan. Tưởng chúng tôi mua hàng về bán, ông Phước, một đầu nậu chuyên cung cấp đồ điện tử ở khu vực chợ Nhật Tảo cũ, nói thẳng: "Các camera chống trộm tụi tôi thường chọn những loại rẻ gắn đủ loại nhãn mác. Tụi tôi chỉ bảo đàm xài trong một tháng, mấy anh muốn bảo đảm bao lâu thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng tôi cảnh cáo trước là hàng này không quá ba tháng là hư hỏng". Những thiết bị được chọn lựa thường là hàng Trung Quốc loại hai, loại ba... và thậm chí là loại đã xử dụng rồi được tân trang lại.
Ông Phước tiết lộ bí mật: "Bọc vỏ nhựa xịn vào thì đố ai biết được hàng ra sao. Có ngày tui phải làm theo đơn đặt hàng hơn chục bộ camera và hộp báo động giá bèo".
Theo luật thì mỗi hệ thống được bán trên thị trường phải có đủ hai chứng từ, một là nguồn gốc xuất xứ vài hai là giấy đảm bảo sản phẩm đã được kiểm định phẩm chất do cơ quan hữu trách cấp. Thế nhưng trừ một vài đại lý lớn, hầu hết các cửa tiệm đều không có hai loại giấy này.
Sơn Lâm-Ngọc Khải

No comments:

Post a Comment