Tuesday, December 27, 2011

LỊCH SỬ THAY TRANG

Ngày 27.12.2011     

Lời dẫn: Lịch sử cho thấy là không có chế độ nào sẽ trường tồn mãi mãi, và những tập đoàn độc tài sẽ phải trả giá đắt nếu không nhận chân ra được khát vọng dân chủ và tự do của người dân. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Đà Giang, qua sự trình bày của chị Vân Khanh.
Trước bước tiến bất khả vãn hồi của quan điểm dân chủ, hiến định, pháp trị và đa nguyên, nhân loại đang chứng kiến liên tục các chế độ toàn trị bị sụp đổ. Lịch sử cho thấy, nhiều nhà độc tài đã trở thành những thây ma biết đi hoặc không biết đi.

Thế nào là những thây ma biết đi và thế nào là những thây ma không biết đi?
Những thây ma biết đi, là những nhà độc tài còn giữ được mạng sống khi quốc gia của họ chuyển mình thoát khỏi chế độ độc tài, hay nói khác hơn là lịch sử đã lật sang trang mới. Ðiển hình là Hosni Mubarak của Ai Cập, Ben Ali của Tunisia, Ali Abdullah Saleh của Yemen và ngay cả Bashar Al-Assad của Syria.
Còn các thây ma không biết đi là những nhà độc tài thiếu trí năng, nhưng vì tham quyền cố vị mà mất đi mạng sống của mình. Ðiển hình là Saddam Hussein của Iraq và Muammar Gaddafi của Libya.
Chế độ Việt Nam là một trong số ít ỏi chế độ toàn trị còn sót lại trên thế giới ngày nay. Mỗi khi chứng kiến một chế độ toàn trị bị cáo chung, thì áp lực càng trở nên nặng nề hơn đối với giới lãnh đạo CSVN. Sự suy sụp gần đây của Tổng thống Bashar Al-Assad của Syria và đảng Phục hưng Xã hội Chủ nghĩa, với điều 8 hiến pháp tương tự như điều 4 hiến pháp Việt Nam, là một đòn nặng đánh vào niềm tin của đảng CSVN. Thêm vào đó, trào lưu dân chủ ngày càng tiến gần Việt Nam. Cụ thể là những cải tổ dân chủ thực sự từ chính quyền quân phiệt Miến Điện, lại càng làm cho họ sợ hãi hơn.
Có thể kết luận rằng, thời gian là kẻ thù không đội trời chung của các chế độ toàn trị còn sót lại trên thế giới. Càng trì hoãn tiến trình dân chủ hóa, thì xác suất càng cao là 14 thành viên của bộ chính trị đảng CSVN sẽ trở thành các thây ma của lịch sử. Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng năm nay 67 tuổi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 62 tuổi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 62 tuổi, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng 65 tuổi, và 10 thành viên còn lại thì không người nào cao tuổi hơn Nguyễn Phú Trọng.
Các tay chóp bu CSVN nhận thức rằng, sự sống còn của họ ngày nay không thể tính bằng thập niên, mà sẽ được đo bằng tháng và năm. Vì vậy, xác suất tồn tại của họ thêm một thập niên nữa rất thấp. Giả như lúc đó họ trở thành những thây ma biết đi của lịch sử, thì Nguyễn Phú Trọng chưa đầy 77 tuổi, Nguyễn Tấn Dũng chưa đầy 72 tuổi. Cả Nguyễn Sinh Hùng và Trương Tấn Sang cũng đều còn đủ trí năng để trả lời trước quốc dân trong một phiên tòa công khai, công bằng và tuân thủ đúng theo công pháp quốc tế, về những trọng tội mà họ đã vi phạm trong thời gian nắm quyền cai trị đất nước Việt Nam.
Các phản ứng thiếu suy nghĩ gần đây của CSVN như bỏ tù, đàn áp dã man các nhà đối kháng trong nước và những công dân yêu nước biểu tình chống Trung Quốc, nhất là các vụ đàn áp tôn giáo gần đây ở giáo xứ Thái Hà, là những hành động vi phạm nhân quyền và dân quyền có hệ thống. Những hành vi này là nguyên nhân ắt có và đủ, đưa đến việc quốc hội Hoa Kỳ và các nước Tây phương xét tới khả năng phong tỏa và cấm vận kinh tế Việt Nam, như đã áp dụng đối với Miến Điện.
Trong thế đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông, các chiến lược gia Hoa Kỳ đều nhận thấy rằng CSVN là một tập đoàn thiển cận, luôn gắn bó với CSTQ hầu tiếp tục ngự trị trên đầu cổ dân Việt. Hiện tại Trung Quốc chưa phải là đối thủ của Hoa Kỳ trên các phương diện kinh tế và quân sự, nhưng trong tương lai Trung Quốc sẽ bắt kịp. Càng trì hoãn tiến trình dân chủ hóa, CSVN càng lệ thuộc nhiều hơn vào một Trung Quốc bá đạo.
Vì thế, đây là thời điểm tốt nhất Hoa Kỳ cần có hành động để phá vỡ thế liên minh giữa 2 tập đoàn toàn trị này. Vũ khí lớn nhất của Hoa Kỳ là kinh tế. Sau nhiều thập niên, CSVN hiện có 2 đối tác quan trọng là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, cán cân mậu dịch của Việt Nam bị lỗ 12.7 tỷ Mỹ kim vào năm 2010. Ngược lại, cán cân mậu dịch của Việt Nam đối với Hoa Kỳ thặng dư 11.2 tỷ Mỹ kim trong cùng năm.
Nếu quốc hội Hoa Kỳ ban hành lệnh cấm vận mâu dịch với Việt Nam vì những vi phạm nhân quyền có hệ thống, thì lập tức nền kinh tế Việt Nam sẽ bị khủng hoảng. Lý do, Việt Nam buôn bán với Trung Quốc luôn luôn bị lỗ và ngày càng tồi tệ. Nếu không có thị trường Hoa Kỳ, thì chỉ trong một thời gian ngắn Trung Quốc sẽ trở thành chủ nợ khổng lồ của dân Việt, mà đất nước ta sẽ không bao giờ trả nổi.
Lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ gây xáo trộn nền kinh tế Việt Nam ở mức độ trầm trọng, đưa đến những giao động lớn về mặt xã hội và sự cáo chung nhanh chóng của đảng CSVN.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton, trong chuyến viếng thăm Miến Điện vừa qua, đã bày tỏ sự vui mừng của Hoa Kỳ trước những cải cách về chính trị tại xứ này. Tuy nhiên, bà cũng tỏ ra dè dặt trước viễn tượng có nên chấm dứt lệnh cấm vận hay không. Nguyên do, vì Miến Điện thực sự chưa phóng thích hết các tù nhân chính trị và vẫn còn đàn áp các dân tộc thiểu số.
Những vi phạm về nhân quyền tại Việt Nam từ việc giam cầm các tù nhân lương tâm, đến việc đàn áp các dân tộc thiểu số còn tệ hại hơn là ở Miến Điện. Sự kiện Hoa Kỳ và các nước Tây phương đã không cấm vận kinh tế Việt Nam là một sai lầm về chiến lược lẫn đạo đức. Đã đến lúc các chiến lược gia Hoa Kỳ nên xét lại vấn đề cấm vận, hầu nhanh chóng đem lại dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, cũng như chận đứng bá quyền Trung Quốc để xây dựng nền hòa bình ổn định lâu dài cho vùng Biển Đông.
Đà Giang
4/12/2011

No comments:

Post a Comment