Friday, December 23, 2011

NỖI ÁM ẢNH THÈM CƠM

Ngày 23.12.2011     

Lời dẫn: Ở một đất nước được xem là quốc gia đứng thứ nhì về lượng gạo xuất cảng, nhưng khắp nơi vẫn còn có cảnh người dân đang thèm... cơm, kể cả tại miền Nam, nơi được xem là vựa lúa gạo lớn nhất nước. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của Phan Hồng Giang, qua sự trình bày của chị Như Giang.
Hơn 60 năm về trước, ông Hồ Chí Minh đã nói những lời còn in sâu vào lòng bao thế hệ người Việt Nam: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

Bao nhiêu công sức và xương máu của hàng triệu người con dân nước Việt đã đổ ra vì những mục tiêu cao cả đó. Đơn cử như mục tiêu tưởng chừng thật giản dị và không quá xa vời: "đồng bào ta ai cũng có cơm ăn"...
Cho đến hôm nay, tôi vẫn không thể nào quên được gương mặt khắc khổ và đượm buồn của chị Huỳnh Thị Ly, một phụ nữ nông dân ở Thới Lai, tỉnh Bến Tre. Hơn một tuần trước, chương trình quyên góp bò tặng nông dân nghèo có tên "Lục lạc vàng", đài VTV1 đưa hình ảnh chị cùng lời nói nhạt nhòa trong nước mắt: "Tui phải nhường cơm cho con ăn để nó không phải mang cái bụng lép kẹp đến trường, phần tui lúc nào cũng thèm cơm..".
Chị Ly đâu có thèm cao lương mỹ vị hay chả phượng, nem công gì đâu. Chị chỉ thèm cơm! Bỗng chợt nhớ câu chua chát mà nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết trong cuốn Chuyện kể năm 2000: "Ngon như cơm tù"! Cơm tù a được nấu bằng gạo hẩm và hôi mốc, nhưng với người tù lúc nào cũng đói thì thứ cơm ấy cũng trở thành món ngon nhất. Có ngạc nhiên không, khi ở đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21, giữa vựa lúa của xứ sở đứng thứ hai trên thế giới về xuất cảng gạo, có một người chân lấm tay bùn để làm ra lúa gạo lại thường xuyên đói cơm và thèm cơm?
Xin đừng tự an ủi rằng chị Ly là trường hợp cá biệt. Với tỷ lệ đói nghèo trên dưới 15% tổng số dân, số người ăn không đủ no chắc không thể ít. Dịp giáp hạt vừa qua, đã có hàng trăm ngàn người dân ở tỉnh Thanh Hóa bị đứt bữa. Dân nhiều nơi vùng sâu vùng xa phải ăn khoai sắn, củ mài, củ ráy thay cơm. Tám mươi em nhỏ ở trường nội trú dân nuôi ở Suối Giàng, liệu có no không khi ngồi quanh một nồi cơm và một nồi canh rau cải lõng bõng nước? Vì đâu nên nỗi này?
Xin mạo muội trả lời: Ở cấp độ "vi mô", tức từng gia đình, thì đó có thể là hậu quả của thiên tai, bão lụt hay hạn hán, sâu bệnh, rầy nâu, hay mua nhầm phải giống lúa dởm, bón nhầm phân bón dởm. Cũng có thể là do ruộng ít, hay tệ hơn nữa là chẳng may bị thu hồi để làm khu công nghiệp, khu đô thị hay... sân golf 18, 36 lỗ gì đó. Có thể là vào một ngày xui xẻo, thần hỏa thiêu cháy cơ nghiệp, hay tai nạn giao thông bỗng giáng xuống hoặc ai đó trong nhà lâm bạo bệnh khiến người dư dả cũng phải tán gia bại sản vì phải chạy chữa. Có thể là trót sa vào cờ bạc, nghiện ngập hay đầu óc không được sáng láng, ít học, không biết toan tính làm ăn, làm ra 1 lại ăn hết 2, 3...
Mỗi cảnh đói nghèo có thể đến từ nguyên nhân khác nhau. Nhưng sự buồn thảm và cùng quẫn lại giống nhau.
Ở cấp độ "vĩ mô", tức nhìn toàn xã hội, cũng có nhiều điều đáng nói. Những bất ổn kinh tế gây tác hại trực tiếp đến tham vọng xóa đói giảm nghèo, mà lạm phát là thủ phạm dễ thấy nhất. Nó như một thứ thuế vô hình và nghiệt ngã đánh vào mọi người dân. Giá cả nhu yếu phẩm - từ gạo, rau, đậu, cá đến điện, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, đường sữa cho trẻ em... đều tăng với tốc độ phi mã, trong khi lương bổng hầu như dậm chân tại chỗ. Chỉ số lạm phát năm nay vào khoảng 18%, cao gấp 3 chỉ số tăng trưởng.
Nhưng lạm phát bắt nguồn từ đâu vậy? Xin thưa là bắt nguồn từ các yếu kém thâm căn cố đế của cả nền kinh tế. Chẳng hạn như đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, tỉnh nào cũng có xi măng lò đứng và nhà máy mía, sân bay, bến cảng, Nhưng xây xong không hoạt động được. Rồi thì các công ty, tức các "quả đấm thép", lại "đấm vỡ" két bạc nhà nước, khiến nó bị thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng, một số tiền khổng lồ đủ để cấp vốn làm ăn cho hàng trăm ngàn gia đình nghèo. Rồi là bội chi và thâm hụt ngân sách triền miên, đồng tiền liên tục mất giá so với các đồng ngoại tệ khiến hàng hóa nhập cảng thoải mái tăng giá...
Cha ông ta từ xưa đã dạy: Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước thì thương nhau cùng. Những cảnh đời, những số phận éo le, đượm buồn và đẫm nước mắt luôn gợi lòng trắc ẩn trong chúng ta, những người may mắn hơn. Những việc từ thiện làm ấm lòng người ngày càng lan tỏa, đơm hoa kết trái, phần nào giúp người nghèo thêm cứng cỏi vượt khó.
Nhưng xét cho tới cùng, chỉ khi nào có được những nỗ lực tổng thể, đồng bộ từ chính quyền , từ cả hệ thống chính trị cho đến từng người dân, để xây dựng và phát triển một nền chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội lành mạnh, đầy nhân bản thì mới được việc làm "từ thiện" toàn diện nhất, căn bản nhất ngõ hầu đem lại hy vọng đổi đời cho cả dân tộc thoát khỏi nghèo nàn, để không còn ai phải bị nỗi ám ảnh... thèm cơm!
(P.H.G)

No comments:

Post a Comment