Sunday, July 27, 2025

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 27.07.2025

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân:  Bảo Trân xin kính chào quí thính giả của đài DLSN và chào anh Hướng Dương, rất vui được cùng anh điểm qua những tin VN đáng chú ý trong tuần. 

Hướng Dương: Hướng Dương cũng xin kính chào quí thính giả của đài DLSN và chào chị Bảo Trân. 

1.      Bảo Trân: Thưa anh và quý thính giả của đài, BT muốn mở đầu hôm nay bằng một cảnh báo rõ ràng về sự siết chặt tự do ngôn luận: Luật An ninh mạng – Bàn tay siết chặt của công an trị. Dự thảo sửa đổi Luật An ninh mạng lần này sẽ trao toàn quyền cho Bộ Công an ra lệnh xóa nội dung “vi phạm” chỉ bằng… một cuộc điện thoại. Không cần tòa án, không cần quy trình pháp lý.


Doanh nghiệp bị buộc phải giao nộp dữ liệu người dùng – một hành động vi phạm quyền riêng tư trắng trợn. Kết hợp với các nghị định 53 và 147, nhà cầm quyền đang hợp thức hóa toàn bộ hệ thống kiểm duyệt và đàn áp trên không gian mạng. Điều 331, 117 từng khiến bao người bị bắt chỉ vì dám nói thật. Nay, công an còn muốn bóp nghẹt cả quyền suy nghĩ, thưa anh.

 

Hướng Dương:Vâng, thưa chị. Dưới thời Tô Lâm, chúng ta chứng kiến một chuỗi thay đổi luật lệ mang tính hệ thống – từng bước trao thêm quyền lực vô đối cho Bộ Công an. Họ có quyền kiểm duyệt mạng xã hội, truy xuất dữ liệu, xử lý người dân mà không cần qua bất kỳ cơ chế kiểm tra nào của tòa án.

Đây là sự hợp pháp hóa bạo lực chính trị. Một nền công an trị không còn giấu mặt. Tiếng nói phản biện bị xem là kẻ thù. Tự do bị bóp nghẹt bởi sự sợ hãi, và chính quyền thì tự cho mình là luật pháp. Một ván bài kiểm soát trần trụi mà người dân chỉ là con tốt trên bàn cờ, thưa chị.

 

2.      Bảo Trân:Giờ thì BT muốn đưa chúng ta đến với một câu chuyện đầy nhức nhối khác: Tù nhân lương tâm Phạm Thành – Ra tù vẫn chưa được tự do.Thưa anh và quí thính giả, sáng 21/7 vừa qua, nhà văn Phạm Thành – tức Bà Đầm Xòe – được trả tự do sớm 4 tháng. Tuy rời trại từ sớm, mãi đến 11 giờ trưa ông mới được đưa về nhà, sau nhiều giờ bị công an kéo dài thời gian di chuyển, hòng ngăn cản thân hữu đón mừng.


Ông là cựu Thư ký Tòa soạn Đài Tiếng nói Việt Nam, bị kết án 5 năm 6 tháng vì những tác phẩm chỉ trích chế độ. Trong tù, ông còn bị đưa vào viện tâm thần – một thủ đoạn hủy diệt tinh thần thường thấy với các nhà bất đồng chính kiến. Ngay cả khi được thả, ông vẫn chưa thực sự được tự do, thưa anh.

Hướng Dương:Vâng thưa chị, chế độ công an trị không bao giờ để yên cho những người dám nói sự thật. Họ câu lưu, hăm dọa, truy tố, bắt giam, rồi tra tấn tinh thần bằng cả viện tâm thần. Và khi tù nhân lương tâm như ông Phạm Thành bước chân ra khỏi trại, một nhà tù khác lại chờ sẵn – đó là vòng vây giám sát và sách nhiễu.

Nhà cầm quyền không chỉ muốn bịt miệng từng cá nhân, mà còn gieo rắc sợ hãi trong lòng toàn xã hội. Họ sợ sự thật đến mức phải bóp nghẹt nó từ trong trứng nước. Một chiến lược đàn áp không ngơi nghỉ – từ trước khi bắt, trong khi giam giữ và ngay cả sau khi thả người.  Điều này đã phơi bày trần trụi bản chất hung bạo và bất chính của chế độ này, thưa chị.

 

3.      Bảo Trân:Sự kiện kế tiếp BT muốn điểm qua liên quan đến một hình ản đau thương không thể làm ngơ: đó làDân oan – Những linh hồn bị lãng quên dưới nắng gắt Hà Nội. Thưa anh và quí thính giả, mới đây hàng trăm dân oan từ Bắc vào Nam, tay cầm đơn thư, đầu trần giữa nắng, tiếp tục kéo về trụ sở Tiếp dân Trung ương ở Hà Nội để đòi lại đất đai bị cướp.

Người già, phụ nữ, trẻ nhỏ – họ chỉ mong một câu trả lời công bằng. Nhưng đáp lại là sự thờ ơ lạnh nhạt của chính quyền. Những cuộc cưỡng chế tàn khốc nhân danh “dự án” đã đẩy họ vào cảnh màn trời chiếu đất. Nhiều người còn bị khởi tố chỉ vì dám lên tiếng, thưa anh.

Hướng Dương:Thưa chị, không ai muốn trở thành dân oan. Nhưng chế độ này đã biến hàng ngàn người thành nạn nhân của một hệ thống quyền lực cấu kết giữa quan chức và doanh nghiệp sân sau. Họ nhân danh “phát triển” để cưỡng chế, để cướp trắng đất đai.


Từ Bắc Giang đến Đồng Tháp, đất của dân biến thành biệt thự, sân golf, khu công nghiệp. Người mất đất mất cả công lý, khi tiếng kêu oan bị chặn bằng điều 331. Đó không phải nhà nước pháp quyền, mà là một chế độ bóc lột có tổ chức, thưa chị.

 

4.      Bảo Trân:Và sau cùng BT muốn nhắc đến một chính sách của nhà cầm quyền tưởng như vì môi trường – nhưng thực chất lại là một cú đánh mạnh vào túi tiền người nghèo: đó là Xe điện – Lợi nhuận cho VinFast, gánh nặng cho dân nghèo. Thưa anh Thành Hồ đang chuẩn bị áp dụng kiểm định khí thải định kỳ, loại bỏ xe máy cũ với lý do “bảo vệ môi trường”.


Trên thực tế, đây là một cú siết cổ hàng triệu lao động thu nhập thấp – những người sống nhờ chiếc xe máy cũ. Với Thông tư 47/2024, xe trên 5 năm buộc phải kiểm định, trong khi hệ thống kiểm định thì thiếu trầm trọng. Đây là một màn dọn đường trơ trẽn cho xe điện VinFast, bất chấp nỗi khốn cùng của dân nghèo, thưa anh.

Hướng Dương:Vâng thưa chị, đây là ví dụ điển hình cho một chính sách được ngụy trang bằng mỹ từ “xanh sạch”, nhưng thực chất là một thương vụgiữa quyền và tiền. Khi lãnh đạo bắt tay với các tập đoàn như VinFast, luật lệ trở thành công cụ phục vụ cho nhóm lợi ích.


Họ buộc dân nghèo phải kiểm định, phải bỏ xe cũ, mua xe mới, trong khi đời sống ngày một khó khăn. Một nhà nước đúng nghĩa phải bảo vệ người yếu thế – nhưng chế độ này lại chèn ép họ để làm giàu cho phe cánh. Đó là sự bất nhân đội lốt tiến bộ – và là tội ác được hợp pháp hóa của nhà cầm quyền CS, thưa chị.

 

Bảo Trân:Bảo Trân xin cảm ơn anh Hướng Dương đã cùng điểm qua những tin VN quan trọng trong tuần.  Và, tiết mục VNTQ đến đây là chấm dứt, Bảo Trân xin kính chào quí thính giả của đài phát thanh DLSN, chào anh Hướng Dương.

Hướng Dương: Hướng Dương cũng xin kính chào quí thính giả và chị Bảo Trân, hẹn gặp lại chị và quí thính giả vào tuần tới cũng trong tiết mục VNTQ.

No comments:

Post a Comment