Thưa quý thính giả, hình ảnh của những cụ bà, trẻ em, những “bà mẹ anh hùng”, những bộ đội về hưu ròng rã từ nằm này đến năm khác vác chiếu đi khiếu kiện vì nhà cửa, đất đai của họ bị nhà cầm quyền cưỡng chiếm một cách đầy bất công đã trở thành một hình ảnh quá quen thuộc trong xã hội VN hiện nay. Trong tiết mục CNNM hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết với tựa đề “Dân Oan – Tiếng kêu trong vộ vọng” của tác giả Đỗ Hoàng Lan, thành viên ban biêp tập đài DLSN qua sự trình bài của Ngọc Sương sau đây
Tình cảnh dân oan tại Việt Nam từ nhiều năm qua đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong lòng xã hội, không chỉ vì số lượng người khiếu kiện ngày càng tăng, mà còn bởi sự dai dẳng, bền bỉ của những nỗi oan khuất không được giải quyết thỏa đáng. Dân oan, theo nghĩa thông thường, là những người dân bị mất đất, mất nhà, mất quyền lợi hợp pháp do chính sách sai trái, do sự lạm quyền của quan chức, hoặc do sự kết bè phái đảng viên cộng sản, mà không được bồi thường công bằng hay xét xử minh bạch. Họ là những người nông dân, công nhân, viên chức nghỉ hưu, thậm chí cả cựu chiến binh, từng góp phần xây dựng đất nước, nay phải lê lết khắp nơi, từ trụ sở tiếp dân đến các cơ quan công quyền, mang theo đơn từ, giấy tờ, hình ảnh, với hy vọng mong manh rằng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe.
Tình trạng này không phải mới mẻ. Từ những năm đầu của thập niên 90, khi làn sóng đô thị hóa và các dự án phát triển kinh tế bắt đầu lan rộng, nhiều địa phương đã tiến hành thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp hoặc làm các công trình công cộng. Tuy nhiên, đa số các trường hợp thu hồi đất diễn ra thiếu minh bạch, không có sự đồng thuận của người dân, và mức bồi thường thì thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Có nơi, người dân bị cưỡng chế rời khỏi nhà cửa mà chưa nhận được đồng nào, hoặc bị ép ký vào các văn bản mà họ không hiểu rõ nội dung. Những hành vi ấy, nếu không phải là vi phạm pháp luật, thì cũng là sự chà đạp lên quyền lợi chính đáng của người dân.
Điều đáng buồn là khi người dân khiếu nại, tố cáo, thì quá trình giải quyết lại kéo dài, lòng vòng, thậm chí bị bác bỏ một cách vô lý. Có người đi khiếu kiện suốt mười năm, hai mươi năm, mà vẫn không được trả lời dứt khoát. Có người vì quá uất ức mà phải tự thiêu, tự tử, hoặc lâm vào cảnh khốn cùng. Có người bị bắt giam, bị truy tố vì tội “gây rối trật tự công cộng” chỉ vì họ dám giăng biểu ngữ, đứng trước cổng cơ quan công quyền để đòi lại công lý. Những hình ảnh ấy, nếu ai từng chứng kiến, sẽ không khỏi chạnh lòng. Một xã hội mà người dân phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu, không biết ngày mai có còn nhà để ở, ruộng để cày, thì làm sao có thể yên ổn mà làm ăn, sinh sống?
Một điều đáng bị lên án là, thay vì
nhà cầm quyền rốt ráo tìm cách giải quyết thỏa đáng cho người dân thì chúng lại
bày ra
những trò mị dân như dựng lên các cơ quan tiếp dân, các đoàn thanh tra đến tận
địa phương, nhưng tựu chung thì công lý vẫn thuộc về những quan chức, những nhà
đầu tư vốn được bao che bởi thế lực của đảng.
Một điểm đáng lo ngại khác là sự thiếu minh bạch trong việc xét xử các vụ án liên quan đến dân oan. Có những vụ án mà người dân bị kết tội chỉ vì họ phản đối việc cưỡng chế đất đai, trong khi phía chính quyền lại không bị truy cứu trách nhiệm gì. Có những phiên tòa diễn ra chóng vánh, không có luật sư bào chữa, không có báo chí độc lập tham dự, khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về tính công bằng và khách quan của bản án. Trong một nhà nước pháp quyền, thì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý công minh, bất kể người đó là dân thường hay cán bộ. Nếu không, thì niềm tin của người dân vào công lý sẽ ngày càng mai một.
Tình cảnh dân oan không chỉ là một vấn đề pháp lý, mà còn là một vấn đề đạo lý. Một xã hội văn minh không thể để cho những người dân lương thiện phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không nơi nương tựa, chỉ vì họ dám đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Một chính quyền mạnh không phải là chính quyền biết đàn áp tiếng nói phản biện, mà là chính quyền biết lắng nghe, biết sửa sai, và biết đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng dân oan, thì không chỉ đời sống của hàng vạn người bị ảnh hưởng, mà còn làm rõ nét sự tàn ác của đảng cầm quyền.
Tóm lại, dân oan không phải là một hiện tượng nhất thời, mà là hệ quả của một quá trình quản lý thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm, và thiếu lòng nhân. Những bất công xã hội, những vụ cướp đất trắng trợn sẽ không bao giờ chấm dứt nếu quyền cai trị và quản lý đất nước còn nằm trong tay một đảng cộng sản duy nhất.
Muốn giải quyết tận gốc vấn đề này, cần phải có sự thay đổi từ
trong tư duy của người làm công quyền, từ việc xây dựng một cơ chế pháp lý rõ
ràng, minh bạch, đến việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho mọi người dân. Những sự thay đổi này chắc chắn sẽ không bao
giờ thành hiện thực nếu người dân không đồng lòng đấu tranh giành lại quyền tự
quyết cho mình.
Chỉ khi nào người dân cảm thấy mình được tôn trọng, được bảo vệ, thì khi ấy xã hội mới thật sự yên bình, và đất nước mới có thể phát triển một cách bền vững và nhân bản.
No comments:
Post a Comment