Các cuộc họp Thượng đỉnh Đông Á diễn ra trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, khi Hoa Kỳ, Nga và Trung cộng, đồng loạt ra tay nhằm giành giật ảnh hưởng tại khu vực đang trỗi dậy này. Vị thế của của những quốc gia nhỏ bé đứng giữa 3 thế lực toàn cầu, nơi mà mỗi cái bắt tay đều có thể giấu sau nó một lưỡi dao vô hình.
Mời quý thính giả nghe phần bình luận của Giao Phương Trần, thành viên Ban Biên
Tập đài ĐLSN với tựa đề: “Á Châu Trên
Bàn Cờ Lớn: Khi Ba Đại Cường Giành Giật Ảnh Hưởng”qua sự trình bày của Hướng
Dương để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ngày 26-27 tháng 5 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á -East Asia Summit- lần thứ 20 diễn ra tại Kuala Lumber, thủ đô Mã Lai, với sự tham dự của nhiều vị nguyên thủ của 17 quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Tiếp sau đó là và Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á lần thứ 15 diễn ra ngày 11 tháng 7, 2025, cùng dịp với các hội nghị ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN. Trong các cuộc họp này, người ta chứng kiến một vở tuồng ngoại giao đầy kịch tính, trong đó Hoa Kỳ, Nga và Trung Cộng lần lượt phô diễn thế lực và toan tính của mình trên sân khấu địa chính trị đầy biến động.
Dưới bề ngoài là những cái bắt tay lịch sự, những tấm ảnh
chụp chung và những bản tuyên cáo chung vô thưởng vô phạt, thật ra là một cuộc
tranh hùng khốc liệt nhằm tranh đoạt ảnh hưởng tại một khu vực đang trỗi dậy cả
về kinh tế lẫn vị trí chiến lược. Á châu, với vị thế là trung tâm sản xuất của
thế giới, sở hữu các tuyến hải hành trọng yếu cùng một dân số trẻ và năng động,
nay trở thành đấu trường chính cho ba thế lực toàn cầu muốn khuynh đảo trật tự
quốc tế.
Hoa Kỳ, trong vai một cựu bá chủ, ra sức củng cố lại ảnh
hưởng tại vùng đất từng một thời là tiền đồn của thế giới tự do trong thời
Chiến tranh Lạnh. Washington không còn giấu giếm ý định thiết lập một “trật tự
dựa trên luật lệ” — dĩ nhiên là luật lệ do chính mình và đồng minh đặt ra —
nhằm ngăn chặn đà bành trướng của Trung Cộng và làm lu mờ ảnh hưởng của Nga. Wahington
nắm tay các đồng minh cũ như Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, đồng thời tìm cách lôi kéo
những quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Phi Luật Tân, Indonesia vào một liên
minh chống lại thế lực đang lên từ Bắc Kinh.
Trong khi đó, Trung Cộng — dưới sự lãnh đạo cứng rắn và đầy
tham vọng của Tập Cận Bình — bước ra sân khấu với khí thế của một quốc gia đang
vươn mình trở thành đại cường số một thế giới. Với dự án “Vành đai và Con
đường”, Bắc Kinh đang bơm hàng trăm tỷ Mỹ kim vào các nước đang phát triển để
xây dựng hạ tầng và mua chuộc ảnh hưởng chính trị. Họ viện dẫn quá khứ thực dân
của phương Tây để vẽ nên hình ảnh một Trung Hoa hiền hòa, bác ái, muốn hợp tác
cùng phát triển, nhưng thực chất là một chính sách ngoại giao bẫy nợ. Các cảng
biển tại Sri Lanka, Pakistan, Djibouti đã minh chứng rõ nét cho một kiểu “thực
dân kiểu mới” đang âm thầm thay thế mẫu cũ.
Không những thế, Trung Cộng còn gia tăng hiện diện quân sự
tại Biển Đông, xây dựng căn cứ và đảo nhân tạo, thách thức chủ quyền của nhiều
quốc gia láng giềng. Bắc Kinh tuyên bố đây là “lợi ích cốt lõi” của Trung Hoa
và sẵn sàng dùng sức mạnh để bảo vệ. Chính điều này khiến các nước trong khối
ASEAN vừa cần sự bảo hộ an ninh từ Hoa Kỳ, vừa lo ngại bị cuốn vào vòng xoáy
đối đầu Mỹ - Trung.
Nga, dù đang bị suy yếu vì cuộc chiến kéo dài tại Ukraine và
bị phương Tây cô lập, vẫn cố gắng chứng tỏ rằng mình chưa bị loại khỏi bàn cờ
thế giới. Dưới sự lãnh đạo đầy mưu mẹo của ông Putin, Nga tìm cách thiết lập
lại liên minh với các nước Á châu, đặc biệt là những quốc gia có thái độ hoài
nghi đối với phương Tây. Moscow nhấn mạnh vai trò của mình như một đối tác năng
lượng đáng tin cậy, cung cấp dầu khí cho Ấn Độ, Trung Cộng và các quốc gia
Trung Á, đồng thời tìm cách kết nối qua các sáng kiến hợp tác Á-Âu. Trong mắt
Nga, Á châu không chỉ là chỗ dựa kinh tế mà còn là một vùng đất có thể giúp họ
thoát khỏi sự cô lập do lệnh cấm vận của phương Tây.
Những quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, tuy
nhỏ về diện tích và quân lực, lại nắm trong tay những vị trí địa chiến lược vô
cùng quan trọng: cửa ngõ ra biển Đông, tuyến vận tải hàng hải toàn cầu, hay là
điểm trung chuyển tài nguyên và công nghệ.
Rất tiếc, Việt Nam, dưới sự thống trị của đảng Cộng sản, đã
không chọn con đường tự cường qua dân chủ và minh bạch, mà lại dựa vào đàn anh
Trung Cộng để duy trì ngôi vị thống trị một cách tuyệt đối và vĩnh viễn. Chính
vì thế, thay vì tận dụng vị thế trung lập để làm đối trọng có lợi trong cuộc
tranh hùng giữa các đại cường, Hà Nội đã nghiêng hẳn về Bắc Kinh, để đổi lấy sự
bảo hộ ngầm cho chiếc ngai quyền lực của mình. Sự chọn lựa đó không chỉ khiến
Việt Nam ngày càng lún sâu vào vòng lệ thuộc chính trị và kinh tế, mà còn đánh
mất cơ hội trở thành một quốc gia trung lập đáng tin, có khả năng điều hoà lợi
ích giữa các khối quyền lực đối nghịch.
Trong bối cảnh tranh chấp giữa các đại cường như hiện nay,
một quốc gia nhỏ chỉ có thể đứng vững và phát triển nếu có được nội lực vững
vàng từ bên trong. Mà nội lực đó không thể phát sinh từ sự cai trị độc tài,
không thể nảy mầm trong môi trường bịt miệng dân chúng, mà chỉ có thể hình
thành khi người dân thật sự được quyền làm chủ vận mệnh quốc gia, được tự do
chọn lựa thành phần lãnh đạo qua một thể chế dân chủ đích thực, nơi quyền lực
xuất phát từ lá phiếu, từ pháp quyền, chứ không phải từ sự chống lưng của một
ngoại bang đầy mưu mô như Trung Cộng.
No comments:
Post a Comment