Thursday, July 10, 2025

Thuế Quan Và Thân Phận Người Lao Động

Bình Luận

Điều 4 Hiến pháp Việt Nam quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động…”. Thế nhưng trong thực tế, giai cấp công nhân, lao động đã và đang bị đối sử ra sao dưới chế độ CSVN?

Trong chuyên mục BÌNH LUẬN hôm nay, kính mời quý thính giả theo dõi bài “Thuế Quan Và Thân Phận Người Lao Động” của CHÍ LINH, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, sẽ do Miên Dương trình bày sau đây … 

Sau nhiều tháng thương thuyết, ngày 2 tháng 7 vừa qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đạt được thoả thuận mức thuế quan 20% đối với hàng hoá xuất cảng từ Việt Nam, và 45% với các mặt hàng “trung chuyển”, đa số là xuất xứ từ Trung Hoa. Chiều ngược lại, hàng hóa Mỹ nhập vào Việt Nam sẽ được hoàn toàn miễn thuế. Nhiều người cho rằng kết quả như vậy là “nhẹ nhàng” hơn dự liệu. Nhưng nếu lùi lại một bước để nhìn toàn cảnh, người ta sẽ thấy cái giá phải trả lại không nằm ở những văn phòng gắn máy điều hoà hay tại những phòng họp trải thảm nhung. Trái lại, chúng nằm ở những phân xưởng nực nội, nơi hàng triệu công nhân Việt Nam ngày đêm đổ mồ hôi cho một cuộc sống vốn đã chật vật, lại càng thêm phần khốn khó trong những ngày tháng tới.

Cơ cấu kinh tế hiện nay buộc người lao động trong nước phải gánh chịu mọi biến động quốc tế bằng đồng lương thấp hơn, suất ăn kém chất lượng hơn, thời giờ nghỉ ngơi bị rút ngắn hơn. Mỗi khi giá thành xuất cảng tăng lên do ảnh hưởng từ thuế quan, các công ty đặt hàng từ Hoa Kỳ lập tức tìm cách hạ giá đầu vào, và điều đó đồng nghĩa với việc nhà máy trong nước phải cắt giảm nơi duy nhất họ có thể cắt được: tiền công và phúc lợi của người lao động. Không ai dại gì đụng đến máy móc hay hợp đồng, chỉ có thịt da con người là thứ có thể hy sinh mà không gặp phản ứng tức thời.

Công nhân, những người được nhà cầm quyền xưng tụng là “giai cấp tiên phong” trong lý tưởng cộng sản, trên thực tế chỉ là lớp người bị lợi dụng như một công cụ rẻ tiền trong công cuộc phô trương tăng trưởng. Họ không có tiếng nói trong các bàn thương lượng quốc tế, không được tham khảo khi Nhà nước đưa ra chính sách, không có quyền phản đối khi bị ép làm thêm giờ hoặc khi quyền lợi bị xâm phạm. Những tổ chức được dựng lên dưới danh nghĩa “bảo vệ người lao động” chỉ là bộ phận phụ thuộc vào cơ cấu chính trị, không có thực quyền, và cũng chẳng buồn quan tâm đến tiếng kêu của giới áo vải.

Có bao nhiêu cán bộ trong Bộ Chính trị từng sống đời công nhân, từng chen lấn xếp hàng giữa trưa để mua một ổ bánh mì rẻ tiền, từng nơm nớp lo sợ khi con sốt mà không dám nghỉ làm? Họ chỉ biết đến người lao động qua các báo cáo thành tích và những dịp lễ lạt, nơi công nhân được trưng bày như biểu tượng của sự chăm chỉ, nhưng đời sống thực tế của họ ra sao thì không ai muốn nhìn vào. Khi khoảng cách giữa kẻ nắm quyền và người làm lụng ngày càng lớn, thì những khẩu hiệu về “đời sống ấm no” trở thành một thứ sáo ngữ trơ tráo và vô nghĩa.

Cơn bão thuế lần này là một bài học đắt giá cho chính sách lệ thuộc vào xuất cảng giá rẻ. Khi các quốc gia lớn tính toán quyền lợi, họ chỉ cần một điều khoản là thay đổi được cả dòng chảy hàng hoá. Nhưng công nhân không có quyền thương thuyết, không có đại diện trong các hiệp định, và cũng không có ai đứng ra bảo vệ khi lương giảm, việc mất. Sự bất công đó không đến từ nước ngoài, mà từ chính cơ chế trong nước – nơi người lao động bị đối xử như một bánh răng phải hoạt động suốt đời, không được hư hao, không được đòi hỏi.

Câu hỏi đặt ra là: công nhân có chịu đựng mãi không? Hay rồi cũng đến lúc họ nhận ra rằng mình không chỉ là một bàn tay làm ra hàng hoá, mà là một con người có quyền sống tử tế? Khi một công nhân bắt đầu tự hỏi tại sao mình làm việc mười hai tiếng một ngày mà vẫn không đủ tiền mua sữa cho con, tại sao mình đóng bảo hiểm mà vẫn không dám đi bệnh viện, tại sao suốt đời cống hiến mà không có gì bảo đảm cho tuổi già – thì đó là lúc ngọn lửa ý thức bắt đầu được nhen nhóm. Và ngọn lửa đó, nếu được thổi bùng lên bằng sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, sẽ trở thành một sức mạnh khiến mọi chính quyền phải e dè.

Không có tự do nào được ban phát từ trên xuống. Tự do chỉ đến khi người bị trị nhận ra rằng họ có quyền đòi hỏi và đặt giới hạn. Trong guồng máy sản xuất hiện nay, công nhân chỉ thực sự mạnh khi họ biết lên tiếng, biết bảo vệ nhau, và biết đòi lại cái phần đời mà họ xứng đáng được hưởng. Không phải từ Washington, không phải từ Hà Nội, mà từ ngay trong chính lòng những phân xưởng tối tăm đó, tinh thần phản kháng và sự tự trọng có thể khởi sinh. Chừng nào công nhân Việt Nam còn im lặng, còn nhẫn nhịn vì sợ mất việc, thì chừng đó họ còn bị xem thường. Nhưng một khi họ biết nói “không”, biết nắm tay nhau để không còn đơn độc – thì đó là ngày mà quyền lực sẽ bắt đầu chuyển hướng.

Thuế quan là một biến động bên ngoài, nhưng chính cách mà một quốc gia phản ứng với nó mới là thước đo cho nhân cách chính trị và đạo lý xã hội. Nếu phản ứng ấy là việc bóp nghẹt thêm cổ áo công nhân, thì cái giá không chỉ nằm trong từng kiện hàng xuất khẩu, mà nằm trong chính tương lai của dân tộc. Bởi một đất nước không thể đi xa nếu phải chồng chất lên vai những người lao động bị lãng quên và coi thường./.

 

No comments:

Post a Comment