Wednesday, July 2, 2025

Tập Cận Bình Kêu Gọi "Đặt Quyền Lực Vào Khuôn Khổ"

Bình Luận

Thánh 11 năm 2012, Tổng bí thư đảng CS Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” để dẹp tệ nạn tham nhũng trong đảng. Thế nhưng thực chất của chiến dịch này là gì, và kết quả của nó ra sao?

Trong chuyên mục BÌNH LUẬN hôm nay, khính mời quý thính giả theo dõi bài “Tập Cận Bình Kêu Gọi ‘Đặt Quyền Lực Vào Khuôn Khổ’” của THẾ VŨ, thanh viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, sẽ do Vân Khanh trình bày sau đây ...

Ngày 30 tháng 6 vừa qua, trong một phiên họp đặc biệt bao gồm cả 24 ủy viên Bộ chính trị đảng CS Trung Hoa, Chủ tịch Tập Cận Bình lên tiếng kêu gọi phải kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng. Đây không phải là lần đầu tiên họ Tập cảnh báo về vấn nạn tham nhũng tại Hoa Lục. Từ ngày lên cầm quyền, Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” nhằm quét sạch tham nhũng trong Đảng. Rất nhiều cán bộ cao cấp – kể cả trong quân đội, công an và doanh nghiệp nhà nước – đã bị bắt, bị khai trừ hoặc đưa ra toà. Bề ngoài, chiến dịch nầy cho thấy quyết tâm chấn chỉnh nội bộ. Nhưng ai cũng hiểu, đó cũng là cách ông Tập dọn sạch các phe phái đối lập, củng cố địa vị độc tôn, gom trọn quyền lực về một mối. Những kẻ bị loại thường là những người có khả năng cản đường hoặc không thần phục tuyệt đối.

Nay ông lại kêu gọi “đặt quyền lực vào khuôn khổ”, nói rằng quyền lực phải bị luật pháp kiềm chế và giám sát chặt chẽ. Nhưng chính ông là người đã phá bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, gom luôn chức Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân uỷ Trung ương, và điều khiển toàn bộ guồng máy cai trị không một đối trọng. Trong một hệ thống mà toà án không độc lập, quốc hội chỉ là hình thức, báo chí bị kiểm duyệt, và mọi quyền lực đều quy về một người, thì ai sẽ kiểm soát ai?

Một quốc gia muốn chống tham nhũng thật sự, phải có phân quyền rõ ràng, phải để báo chí và dân chúng có quyền chất vấn, phải có tư pháp độc lập. Nhưng ở Trung Cộng, tất cả những định chế ấy chỉ tồn tại trên giấy. Người dân không được phép đặt câu hỏi với Đảng, càng không có quyền phê bình lãnh tụ. Cái gọi là pháp trị ở đây thực chất chỉ là công cụ trị dân chứ không phải trị quan. Trong hoàn cảnh như vậy, lời rao giảng của ông Tập chỉ càng phơi bày sự trớ trêu -- kẻ có toàn quyền lại kêu gọi kiềm chế quyền lực.

Cũng cần nhắc rằng trong thời gian qua, không ít nhân vật từng là thân tín với ông Tập cũng bị loại. Tướng lĩnh quân đội, lãnh đạo an ninh, quan chức khoa học – từng được trọng dụng – đều lần lượt rơi vào vòng lao lý. Điều ấy cho thấy nội bộ Trung Nam Hải không yên, và có lẽ sự “kiểm soát quyền lực” mà ông Tập nói đến không hẳn nhằm bảo vệ pháp luật, mà là để phòng bị chính trị. Chống tham nhũng trở thành một thứ vũ khí thanh trừng, hơn là một chính sách vì quốc dân.

Vấn đề đặt ra là nếu sau hơn mười năm “đả hổ diệt ruồi”, mà tham nhũng vẫn còn, đến nỗi phải tiếp tục hô hào siết quyền, thì hoặc là chiến dịch ấy thất bại, hoặc là nó không được thực hiện với tinh thần pháp trị đích thực. Một chính quyền thực tâm chống tham nhũng không cần phải thị uy, không cần truy tố rầm rộ; mà cần xây dựng hệ thống kiểm soát từ gốc, bao gồm công khai tài sản quan chức, kiểm toán độc lập, bảo vệ người tố giác, mở rộng vai trò xã hội dân sự.

Từ sau cải cách thời Đặng Tiểu Bình, Trung Hoa vươn mình thành đại cường kinh tế, nhưng quyền lực vẫn tập trung trong tay Đảng. Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, xu hướng ấy càng rõ rệt: không gian tự do ngày càng thu hẹp, xã hội bị giám sát gắt gao, và mọi tiếng nói khác biệt đều bị dập tắt. Dưới danh nghĩa ổn định và phát triển, ông Tập đã biến Đảng trở thành hiện thân duy nhất của quốc gia, và bản thân ông thành hình mẫu “lãnh tụ không thể thay thế”.

Trung Cộng vẫn thường lên lớp các nước khác về mô hình pháp trị kiểu Hoa Lục, nói rằng họ có thể bảo đảm trật tự mà không cần dân chủ. Nhưng thực tế cho thấy, một chế độ càng thiếu giám sát càng dễ sinh bạo loạn. Sự ổn định bề ngoài chỉ là lớp vỏ; bên trong là sự phân hoá xã hội, tham nhũng thâm căn cố đế, và tâm lý sợ hãi bao trùm từ quan đến dân. Không ai dám nói thật, vì nói thật có thể bị xem là chống phá. Trong tình trạng ấy, chống tham nhũng chẳng khác gì mò kim đáy biển, vì chẳng có ai đủ can đảm và độc lập để đi tìm sự thật.

Lịch sử đã chứng minh, không có kẻ độc quyền nào tự nguyện chia quyền. Kẻ cầm trịch chỉ nhường quyền khi bị ép, hoặc khi nhận ra rằng giữ quyền quá lâu sẽ dẫn đến tai hoạ. Nếu ông Tập thực tâm muốn kiểm soát quyền lực, ông phải bắt đầu từ chính mình -- công khai tài sản, phục hồi giới hạn nhiệm kỳ, trao lại quyền lập pháp và tư pháp cho các cơ quan có thực quyền. Nhưng điều đó, trong chế độ Bắc Kinh hiện tại, e rằng không thể xảy ra. Vì chính quyền lực tuyệt đối mới là thứ đã đưa ông lên ngôi và giữ ông ở lại.

Thế nên, đừng vội tin rằng Trung Hoa sắp có cải cách chính trị thật sự. Bao lâu thể chế ấy còn giữ nguyên bản chất độc tài, bao lâu người dân còn bị bịt miệng, thì bao nhiêu chiến dịch “đả hổ”, bao nhiêu lời kêu gọi pháp trị, cũng chỉ là thứ trang sức hào nhoáng che lấp một thực tại u ám. Và cái gọi là “kiểm soát quyền lực” chẳng qua là một cách khác để giữ quyền, chứ không phải để chia quyền./.

 

No comments:

Post a Comment