Ngày 4 tháng 5 vừa qua, đảng CSVN đã công bố Nghị Quyết 68 có tiêu đề “Về phát triển kinh tế tư nhân”. Nghị quyết vẽ ra một viễn ảnh vô cùng tốt đẹp cho tương lai kinh tế VN, với sự bùng nổ của doanh nghiêp tư nhân lớn nhỏ, như sẽ có 20 doanh nghiệp hoạt động trong một nghìn dân. Và có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu v.v. Tuy nhiên khị đọc hết gần 9000 chữ của toàn bản văn, chúng tôi nhận thấy đó vẫn là “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vậy kính mời quí thinh giả theo dõi Quan Điểm của LLCQ về thực chất của Nghị Quyết 68 này. Bài sẽ được Hải Nguyên diễn đọc sau đây.
Thưa quí thính giả.
Chắc chắn sau khi Hà Nội thất bại việc vận động Hoa Kỳ
thừa nhận nền kinh tế của VN là nền kinh tế thị trường vào tháng 8 năm 2024,
thì Hà Nội phải có những nỗ lực khác chứng minh sự cải tiến, để làm sao
đáp ứng được những tiêu chuẩn do HK đặt ra. Điều ấy cũng dễ hiểu, vì hàng hóa
từ VN xuất sang HK là nguồn sống quan trọng của VN hiện nay.
Nghị Quyết 68 cho biết giá trị kinh tế của khoảng 900,000 doanh nghiệp tư nhân
ở Việt Nam hiện nay chiếm 50% GDP, chiếm 30% tiền thu ngân sách nhà nước và 82%
việc làm. Mục tiêu của Hà Nội muốn có 2 triệu doanh nghiệp vào năm
2030, và đến năm 2045, cả nước phải đạt ít là 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp
hơn 60% GDP và "có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc
tế". Mơ ước là thế, nhưng Ba Đình cũng phải nhìn nhận rằng, (Xin
trích): “Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với
nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh
tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất
nước.” (Hết trích).
Một câu hỏi cần đặt ra, là khi soạn thảo và ban hành Nghị Quyết 68, Ba Đình có
ý định sửa đổi Hiến Pháp 2013 hay không? Vì Điều 51.1 trong Bản Hiến
Pháp 2013 của CSVN viết rằng: “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần
kinh tế; kinh
tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Chưa
hết, Điều 53 còn viết rõ: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên
khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và
các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân
do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Với 2
điều ghi rõ trong Hiến Pháp 2013 như thế, cùng với chính sách kinh tế nhất quán
của nhà nước CSVN, vẫn lặp đi lặp lại rằng “Việt Nam là nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa.... và kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, như
thế thì Nghị Quyết 68 rõ ràng đã trái với Hiến Pháp 2013 rồi!
Ở
Việt Nam, ngoài doanh nghiệp nhà nước ra, còn có các tập đoàn lớn do tư nhân
làm chủ, mà thực chất, phần đông đó là sân sau của quan chức trong đảng CS, nên
những doanh nghiệp này luôn được ưu đãi về đất đai, vay vốn, thủ tục, kiểm
tra.... Thứ đến là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hoặc do vốn từ các nguồn tài chánh nước ngoài rót vào. Bên
cạnh đó phải kể đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn đầu tư từ vài chục
đến vài trăm tỷ đồng. Có số công nhân từ vài chục đến một hai trăm người. Thành
phần này luôn phải đối diện với những khó khăn về thủ tục hành chánh, thuế má,
kiểm toán, thanh tra và nhũng nhiễu của quan chừc các cấp. Tổng số mấy loại
doanh nghiệp vừa kể trên không thấm vào
đâu so với mấy triệu người buôn bán nhỏ; không thể gọi đó là doanh nghiêp được,
mà là những người buôn thúng bán bưng, những quán cóc, quán cà phê, xe bán phở,
hủ tiếu, bánh mì, bánh bao, vài ba ký tôm, ký cá, vài ba con ếch, con
lươn, mớ rau, buồng chuối.... đó là nền kinh tế thật trong nếp sông dân gian
của người Việt từ thành thị đến nông thôn. Không rõ Nghị Quyết 68 xếp mấy triệu
người buôn bán nhỏ lẻ ấy thuộc loại doanh nghiêp nào, và họ sẽ phải thi
hành các luật lệ dành cho doanh nghiệp ra sao. Gần đây nhiều cửa hàng buôn bán
nhỏ lẻ, tiệm ăn....đã phải đóng cửa vì không thể đáp ứng được các đòi hỏi theo
luật lệ mới!
Mới nhìn thoáng qua, nhiều người tưởng rằng Nghị Quyết 68 sẽ mở ra một chân
trời mới cho người dân được tự do kinh doanh, tự do phát triển khả năng, trí
tuệ, tự do cạnh tranh công bằng trong một môi trường bình đẳng. Nhưng khi nhìn
sâu, nhìn kỹ mới thấy những cạm bẫy, nhưng mưu mô đặt sẵn đâu đó, để một khi đã
bỏ vốn kinh doanh, vượt qua được những điều kiện khắt khe phức tạp, những doanh
nghiệp nhỏ và những người buôn bán lẻ sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, sẽ bị đánh thuế
nặng, sẽ bị soi xét hàng nhái, hàng giả, hàng không đủ phẩm chất, hàng chưa được giấy phép bán ra thị trường...v.v và v.v.. Và sau cùng họ không có
cửa để cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nhà nước, với các đại tập
đoàn có quan chức cao cấp trong đảng chống lưng. Từ đó các tiểu thương, những
người buôn bán lẻ vẫn là thành phần bị bóc lột, bị thiệt thòi hơn cả.
Như thế giấc mơ kinh tế phát triển nhờ vào gia tăng số lượng của doanh nghiệp tư nhân chỉ là cái bánh
vẽ, một khi thể chế độc tài đảng trị vẫn ngự trị trên đầu trên cổ người dân
Việt Nam.
Cảm ơn quí thính giả đã theo dõi bài QD của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment