Thursday, July 3, 2025

Công Lý Có Thể Mua Được Không?

Bình Luận

Trên mạng xã hội, hàng ngàn bình luận bày tỏ sự bất bình, như:“Ăn cắp con vịt thì tù 7 năm, ăn cắp hơn chục tỉ Mỹ kim chỉ trả lại 1/4 là xong?”.Mời quý thính giả nghe phần bình luận của Giao Phương Trần, thành viên Ban Biên Tập đài ĐLSN với tựa đề: “Công Lý Có Thể Mua Được Không?”qua sự trình bày của Miên Dương để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay.

Giao Phương Trần

Vào tháng 6 năm 2025, dư luận Việt Nam lại một lần nữa xôn xao với những diễn biến mới trong các đại án kinh tế đình đám: Việc ông Trịnh Văn Quyết được giảm án tới 14 năm sau khi gia đình ông hoàn trả 2.400 tỷ đồng (tương đương khoảng 94,5 triệu Mỹ kim), và đề xuất của bà Trương Mỹ Lan xin hoàn trả 3 tỷ Mỹ kim nhằm “khắc phục hậu quả”, trong bối cảnh bà đang mang bản án chung thân vì gây thất thoát hơn 12,5 tỷ Mỹ kim từ Ngân hàng SCB.

Những con số gây choáng váng, nhưng điều khiến giới chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước quan tâm hơn cả, là tác động của các thỏa thuận tài chính này đến tính công bằng và liêm chính của nền tư pháp. Phải chăng Việt Nam đang gửi thông điệp rằng tự do và mạng sống có thể mua được, nếu giá đủ cao?

Ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch FLC, từng bị kết án vì thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo nhà đầu tư, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Việc gia đình ông nộp lại 2.400 tỷ đồng và sau đó ông được giảm 14 năm tù đã khiến nhiều người dân và giới chuyên gia đặt câu hỏi: có đúng pháp luật không? có công bằng không?

Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định việc khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo Ts. Lê Văn Bình, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội:Việc nộp lại tiền là cần thiết, nhưng không thể vì thế mà gần như xóa hết tội. Nếu người có quyền và tiền có thể chuộc lại hàng chục năm tự do, thì luật pháp còn ý nghĩa gì?. Gs. Michael Duong (ĐH Sydney) cho rằng:“việc giảm án trong các nước pháp quyền cũng có, nhưng thường phải tuân thủ quy trình minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ và có giải thích công khai. Việc giảm tới 14 năm tù chỉ vì nộp lại một phần tài sản – mà không có bản án sơ thẩm công khai hoặc báo cáo đánh giá cụ thể – sẽ gây tổn hại lớn tới niềm tin công chúng”.

Trong một hành động được xem là sòng phẳng chưa từng có, bà Trương Mỹ Lan, người đứng đầu tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã đề xuất nộp lại 3 tỷ Mỹ kim để “khắc phục hậu quả”, với hy vọng được giảm án từ tử hình xuống tù chung thân hoặc thấp hơn và bà đã được toại nguyện … tù chung thân.Về mặt luật pháp, Điều 40 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 của Việt Nam cho phép miễn thi hành án tử hình trong những trường hợp đặc biệt, trong đó có “khắc phục hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là:Liệu việc hoàn trả chưa đến 25% tổng số tiền thiệt hại có đủ để miễn án tử hình?Luật sư Nguyễn Thành Nam, một chuyên gia hình sự tại Sài Gòn, bình luận:Nếu chấp nhận đề nghị này mà không có tiêu chí rõ ràng, thì chúng ta đang biến án tử hình thành một thứ có thể mặc cả bằng tiền. Điều đó sẽ tạo tiền lệ vô cùng nguy hiểm.”Gs. Paul Chambers, nhà phân tích chính trị và pháp lý tại Thái Lan, nhận định:Nếu Việt Nam cho phép những tội phạm kinh tế lớn thoát án tử bằng tiền, thì quốc tế sẽ đặt câu hỏi về mức độ nghiêm túc trong cam kết chống tham nhũng.”

Hai vụ án này làm nổi bật một nguy cơ lạm dụng cực kỳ nghiêm trọng: Nếu kẻ có tiền và quyền biết rằng có thể trả lại một phần tài sản để thoát tội, thì việc tham nhũng trở thành một khoản đầu tư mạo hiểm chấp nhận được. Người phạm tội có thể nghĩ: “Ăn chục tỷ, trả ba, ngồi tù vài năm rồi ra – vẫn lời.”Cách xử lý này làm méo mó khái niệm công lýtrách nhiệm pháp lý, tạo ra tâm lý "phạm tội có lối thoát nếu đủ giàu". Nó cũng làm suy yếu niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật, khi người dân nghèo trộm chỉ có con vịt có thể bị xử nặng, còn kẻ chiếm đoạt hàng ngàn tỷ lại được "thương lượng".

Đây quả thật là một thách thức lớn đối với niềm tin của nhân dân vào nền tư pháp và thể chế chính trị. Một hệ thống luật pháp chỉ được tôn trọng khi công bằng và minh bạch – không phân biệt kẻ nghèo hay người giàu, quan chức hay thường dân.

Giới chuyên gia pháp lý đã đề xuất các giải pháp cụ thể:Minh bạch hóa các trường hợp giảm án đặc biệt – nhất là với các đại án – cần được công bố công khai, với lý do rõ ràng và sự giám sát của các cơ quan độc lập.

Tách bạchgiữa hoàn trả tài sản và miễn tội:Việc trả lại tài sản là yếu tố giảm nhẹ, nhưng không thể thay thế cho mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên có một hội đồng chuyên gia độc lập để đánh giá mức độ “khắc phục hậu quả” và đề xuất hình phạt công bằng.

Khi mọi cá nhân – từ người lao động đến nhà lãnh đạo – đều bình đẳng trước pháp luật, niềm tin vào công lý sẽ được củng cố, và từ đó, văn hóa liêm chính sẽ dần trở thành chuẩn mực xã hội. Chống tham nhũng không chỉ là hành động chống lại cái sai, mà còn là quá trình xây dựng một xã hội công bằng hơn, trong sạch hơn, và đáng tin hơn – vì một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng cho mọi người dân. Mong lắm thay!

No comments:

Post a Comment