Không khí ô nhiễm, khí hậu biến đổi, sức khỏe con người bị ảnh hưởng bởi lượng khí thải từ các động cơ xăng dầu là sự thật không thể chối cãi. Nhưng một vấn đề quốc kế dân sinh như vậy không thể chỉ được giải quyết bằng mệnh lệnh từ trên xuống, mà không cần đến sự tham khảo, đồng thuận và chuẩn bị đầy đủ cho người dân.Mời quý thính giả nghe phần bình luận của Giao Phương Trần, thành viên Ban Biên Tập đài ĐLSN với tựa đề: “Cấm Xe Xăng, Một Chính Sách Lợi Bất Cập Hại”qua sự trình bày của Vân Khanh để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay.
Giao Phương Trần
Chính sách của nhà cầm quyền hiện thời về việc từng bước cấm
lưu thông các loại xe dùng xăng dầu đã gây ra làn sóng bất bình trong quần
chúng, từ người dân lao động cho tới giới thương gia, trí thức. Một quyết định
hành chánh như thế, vốn được trình bày dưới danh nghĩa bảo vệ môi sinh và tiến
tới một xã hội xanh, tưởng chừng là thiện chí, lại phơi bày rõ rệt khoảng cách
ngày càng lớn giữa những người làm chính sách và đời sống thực tế của đại đa số
dân chúng.
Nhiều người dân, nhất là giới bình dân sống bằng nghề vận
chuyển, giao hàng, xe ôm, taxi hay buôn bán nhỏ, đang đứng trước nguy cơ mất kế
sinh nhai vì chính sách cấm đoán này. Xe máy, xe hơi chạy bằng xăng dầu là
phương tiện chính yếu giúp họ kiếm cơm từng bữa. Việc chuyển sang xe điện không
chỉ đòi hỏi khoản đầu tư lớn ngoài khả năng tài chánh của họ, mà còn đặt ra
muôn vàn khó khăn khác như thiếu trạm sạc, chi phí bảo trì, tuổi thọ của pin và
sự thiếu ổn định trong hệ thống điện quốc gia.
Nhà cầm quyền không có một lộ trình rõ rệt, không đưa ra
chính sách hỗ trợ cụ thể nào cho người dân trong quá trình chuyển đổi. Thậm chí
có ý kiến cho rằng đây là một hình thức ép buộc vô lý, mà mục đích thật sự có
thể chỉ là tạo ra thị trường tiêu thụ cho các nhà sản xuất xe điện trong nước
và các thế lực đầu tư đứng phía sau hậu trường.
Thêm vào đó, không thể không nhắc đến những quan ngại về phẩm
chấtcũng như độ bền của các loại xe điện đang lưu hành. Nhiều người đã thử mua
xe điện nhưng sớm thất vọng vì xe mau hư hỏng, phụ tùng khó thay, giá thành sửa
chữa đắt đỏ hơn cả xe xăng. Có người chua chát nói: “Tôi đổi xe để bảo vệ môi
trường, nhưng cái môi trường sống của gia đình tôi thì đang khốn đốn vì nợ
nần.”
Cũng cần lưu ý rằng hệ thống hạ tầng cho xe điện tại nhiều
nơi vẫn còn vô cùng yếu kém. Ngoại trừ vài thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng
hay Hà Nội, nơi có thể tìm thấy trạm sạc điện, thì ở các tỉnh xa, nông thôn,
cao nguyên – nơi mà người dân cũng cần xe để đi làm, chở hàng, đưa con đến
trường – việc sạc xe vẫn là chuyện xa vời. Thế mà nhà nước lại tiến hành chính
sách cấm xe xăng một cách cương quyết, như thể cả nước đã sẵn sàng cho một cuộc
cách mạng kỹ nghệ mà trên thực tế vẫn còn đầy rẫy thiếu sót.
Chưa kể tới yếu tố tâm lý xã hội. Người dân bao đời nay quen
sử dụng xe gắn máy xăng vì sự tiện lợi, dễ sửa, dễ mua, giá cả vừa túi tiền.
Việc thay đổi một thói quen ăn sâu trong đời sống không thể được thực hiện bằng
cách đưa ra sắc lệnh và đợi dân chúng tự lo liệu.
Ngoài ra, cũng có những người đặt câu hỏi về giá trị thực sự
của việc chuyển sang xe điện. Nếu điện được sản xuất từ nhiệt điện than, một
trong những nguồn năng lượng gây ô nhiễm nhất, thì việc cấm xe xăng có thật sự
giảm thiểu tác hại đến môi sinh, hay chỉ là một sự trá hình? Những câu hỏi này,
nhà nước chưa bao giờ trả lời một cách rõ ràng. Mọi ý kiến phản biện đều bị quy
chụp là “chống đối” hoặc “gây rối trật tự công cộng”, khiến dân chúng càng mất
lòng tin.
Trong một xã hội dân chủ thực sự, mọi chính sách ảnh hưởng
trực tiếp đến đời sống dân chúng đều phải được tham khảo rộng rãi, có quá trình
trưng cầu ý dân hoặc ít ra là tổ chức các buổi thảo luận công khai, minh bạch.
Nhưng trong thực tế hiện nay, nhà cầm quyền lại hành xử như thể dân chúng chỉ
là đối tượng để thi hành, chớ không phải là chủ thể để tham vấn. Điều ấy không
chỉ phản ánh tư tưởng cai trị theo lối mệnh lệnh, mà còn cho thấy một sự xem
thường trí tuệ và quyền lợi của người dân.
Người dân không chống lại việc bảo vệ môi trường. Họ chỉ
muốn rằng chính sách được đặt ra phải đi đôi với thực tế, phải có thời gian
thích nghi, có sự hỗ trợ cụ thể, và nhất là phải do người dân cùng tham gia xây
dựng, chớ không phải bị áp đặt. Chuyển đổi năng lượng là điều nên làm, nhưng
không thể chỉ dựa vào những khẩu hiệu rỗng tuếch như “vì tương lai xanh” mà bỏ
qua hiện tại đầy bấp bênh của bao gia đình đang vật lộn từng ngày.
Với đà này, e rằng thay vì tạo nên một xã hội văn minh,
chính sách cấm xe xăng lại đẩy nhiều người vào cảnh bần cùng, khiến xã hội thêm
phân hóa và bất mãn lan rộng. Đến một lúc nào đó, bất mãn sẽ biến thành phản
kháng. Mà khi lòng dân đã dậy sóng, thì không một nghị định, một chỉ thị nào có
thể làm dịu đi được. Nhà nước phải biết lắng nghe, đối thoại và cùng gánh vác
khó khăn với dân chúng, thay vì đứng trên cao nhìn xuống và ban hành những điều
xa rời thực tế như hiện nay.
Nếu nhà cầm quyền không sớm xét lại và điều chỉnh lộ trình chuyển đổi sao cho hợp tình hợp lý, thì có lẽ không bao lâu nữa, tiếng xe xăng không còn vang trên đường, nhưng tiếng thở dài, tiếng rên rỉ của dân nghèo sẽ vang vọng khắp mọi nẻo phố phường. Khi ấy, có một môi trường trong sạch cũng không thể bù đắp được những tan hoang trong lòng xã hội.
No comments:
Post a Comment