Thưa quý thính giả,
Một nhà văn, nhà thơ, vừa là nhạc sĩ nổi tiếng một thời trong
chương trình Nhạc Chủ Đề trên Đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975. Ông là người
đa tài, viết văn, làm thơ, soạn nhạc và viết kịch. Hơn thế nữa, ông còn có giọng
đọc truyền cảm, ngọt ngào, ấm cúng, làm say mê hầu hết thính giả trên đài phát
thanh, được tặng danh hiệu “Người tình không chân dung”.
Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6/9/1936 tại huyện Gia Lâm, Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội), năm 1954, di cư vào Nam tỵ nạn cộng sản, làm Biên tập viên cho đài phát thanh Sài Gòn.
-Năm 1968, ông gia nhập
quân đội Việt Nam Cộng Hòa, được giải ngũ vì lý do sức khỏe, trở về làm việc
trong đài phát thanh.
*Trong lãnh vực văn học, ông viết tác phẩm đầu tay ở miền Bắc có tựa đề “Chị
Em Hải”, với bút hiệu Tô Hà Vân, đăng trên báo Tự Do, trước khi xuất bản ở miền Nam vào năm 1961.
Sau đó, ông xuất bản thêm 20 tác phẩm văn xuôi. Truyện được nhắc nhiều nhất là “Áo Mơ Phai”
xuất bản năm 1972, đoạt giải Văn Học Toàn Quốc của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (năm 1973), và “Đồng Cỏ” về sau xuất bản tại
Úc năm 1994.
-Viết về 2 tác phẩm của ông, nhà văn Ngô
Thế Vinh nói rằng: Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất, Đồng Cỏ là một
tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất. Và cho rằng, Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với
thay đổi thời tiết, cũng như với
những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn
thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly mang tính tiên tri.
*Trong lãnh vực báo chí,
ông từng cộng tác với tạp chí Văn, Văn Học và viết truyện dài cho các tờ báo lớn ở miền Nam như: Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, Tiền Tuyến .v.v. Phần lớn được in
thành tiểu thuyết, truyện ngắn. Ngoài
ra, trong vai trò thành
viên trong Ban Tuyển Chọn Sáng Tác Thơ Văn cho Tạp chí Văn, ông đã góp công rất
nhiều cho Văn học Nghệ thuật miền Nam trước
1975.
*Về thi ca, ông làm thơ khi 16
tuổi. Từ ngữ ông dùng rất đơn giản, tinh tế, cô đọng nhưng sâu sắc, sống động và gợi
hình, gợi bóng. Bài thơ đầu đời là “Khúc Ca Phạm
Thái”, ca tụng một tình yêu đẹp bị dang
dở, tuy bi thương nhưng tràn đầy hào khí, đã gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người nghe.
-Nói với đài VOA, nhà báo Đinh Quang Anh
Thái cho rằng, đây là bài
thơ tâm đắc nhất của ông với câu mở đầu: “Ta tráng sĩ hề… lòng không mềm bằng kiếm. Ta anh hùng hề… chí khí không
chứa đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như…”. Bài thơ được phổ thành kịch trong Tập thơ Mật Đắng xuất bản năm 1962.
-Và nhà văn Ngô Thế Vinh nói rằng, Mật Đắng được sáng tác trong “một giai đoạn đen tối, gần như tuyệt vọng”
trong cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn, lúc ông mắc bệnh lao, tưởng chừng như không qua khỏi.
*Về nhạc, ngoài
nhạc phẩm trứ danh "Sàigòn Niềm Nhớ Không Tên", ông còn có nhiều
ca khúc được ưa chuộng như: Căn Nhà Xưa,
Chiều Trong Tù, Bài Tình Ca Nhỏ, Phù Du, Một Cõi Đi Về, Ru Ta Ngậm Ngùi, Tình
Xa, Em Đến Thăm Anh Đêm 30, Tình Khúc Thứ Nhất .v.v.
-Sau năm 1975, cũng như các văn nghệ sĩ ở lại, ông bị cộng sản bắt bỏ
tù hơn 6 năm.
-Năm 1998, ông và vợ được
định cư tại California, Hoa Kỳ, tiếp
tục viết cho báo Việt Tide. Không lâu sau, ông cộng
tác với đài VOA, trong chương trình “Đọc Sách” do ông và vợ là Hồng Ngọc phụ
trách.
-Cuối năm 1999, sau khi định
cư ở Mỹ gần 1 năm, ông ra mắt một số nhạc phẩm
(sáng tác sau năm 1975) trong 3 tập nhạc: Hiên Cúc Vàng (1999), Tôi Muốn Nói Với Em (2001) và Mưa
Trên Cây Hoàng Lan (2002).
-Ông từ trần lúc 7 giờ 15 phút tối ngày 28/11/2023 tại Westminter,
California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 87 tuổi.
*****
Chắc hẳn với những ai lớn
lên ở miền Nam trước năm 1975, từng được sưởi ấm bằng văn học nghệ thuật,
đều có cảm giác bồi hồi khi nghe giọng đọc trầm ấm của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, tiếng nói như đang thì thầm, thủ thỉ cho một người.
Riêng trong tuyển tập hơn trăm bài thơ của ông, nỗi nhớ lúc nào cũng được tô đậm
như chim nhớ bầy, như người nhớ bạn, nhớ quê hương. Trong một bài thơ hay
nhạc, ông luôn tránh sáo ngữ và từ Hán Việt, người ta nghe được vài câu nổi trội trong lối dùng từ khác lạ, sáng hẳn lên
với sáng tạo mà ông cho là “nói một cách khác”. Nhất là chương
trình Nhạc Chủ Đề của ông là nơi báo hiệu tên tuổi sẽ thăng hoa của các ca sĩ Sĩ
Phú, Lệ Thu, Khánh Ly.v.v.
Kính chào vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Đình
Toàn, một nghệ sĩ đa tài với những đóng góp cho văn chương và
nghệ thuật. Nguyện cầu cho hương linh ông sớm về
cõi vĩnh hằng.
No comments:
Post a Comment