Thursday, July 3, 2025

Tù Nhân Lương Tâm LÊ HỮU MINH TUẤN

Đất Nước Đứng Lên

Câu nói “Tự do không phải là món quà, mà là kết quả của sự hy sinh” đã được thể hiện rõ ràng qua trường hợp nhà báo trẻ Lê Hữu Minh Tuấn.

Mời quý thính giả theo dõi chuyên mục ĐẤT NƯỚC ĐỨNG LÊN với bài “Tù Nhân Lương Tâm LÊ HỮU MINH TUẤN” của ĐỖ HOÀNG LAN, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, do Khánh Ngọc trình bày sau đây.

Lê Hữu Minh Tuấn, sinh năm 1989 tại Quảng Nam, là một nhà báo trẻ từng theo học khoa văn chương, rồi dấn thân vào con đường cầm bút độc lập với khát vọng góp phần cải sửa xã hội. Là thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN), ông đã viết nhiều bài bình luận chính trị - xã hội gây tiếng vang trên mạng lưới thông tin ngoài luồng.

Bị bắt vào tháng Sáu năm 2020 cùng với hai nhà báo độc lập khác là ông Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Tường Thụy, ông Tuấn sau đó bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật hình sự hiện hành – một điều khoản mà ai ai cũng biết là công cụ răn đe những người bất đồng chính kiến. Từ một người cầm bút dùng lời ngay lẽ phải để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, ông trở thành một tù nhân lương tâm, gánh chịu mọi hệ quả của một thể chế xem sự phản biện ôn hoà là tội lỗi.

Điều đau lòng không chỉ nằm ở bản án nặng nề mà còn lối sự hành xử tàn nhẫn, vô nhân đạo của trại giam đối với sức khoẻ của ông. Những chứng bệnh ông mắc phải, từ viêm loét đại tràng, viêm gan, trĩ kinh niên, cho đến đi cầu ra máu và sụt ký trầm trọng, là minh chứng sống động cho tình trạng ngược đãi y tế trong nhà tù cộng sản. Trong lần nói chuyện qua điện thoại mới đây với gia đình vào ngày 19 tháng Sáu, ông cho biết vẫn tiếp tục bị xuất huyết không ngừng, dù đã được chích thuốc kháng sinh. Thế nhưng, thay vì được đưa đi bệnh viện chuyên khoa hay chữa trị đúng mức, ông chỉ được khám sơ sài ở các cơ sở y tế địa phương, thậm chí thuốc men mà gia đình gửi vào cũng bị tịch thu. Nhà cầm quyền chỉ cho phép ông sử dụng những thứ thuốc do trại giam cung cấp – mà theo lời thân nhân – lại khiến tình trạng ông xấu hơn.

Sự bỏ mặc này không chỉ là thiếu trách nhiệm, mà còn là hành vi cố tình để mặc một người bệnh nặng ngày càng nguy kịch cả về thể xác lẫn tinh thần. Đây không phải là lần đầu, và chắc cũng không phải lần cuối một tù nhân lương tâm tại Việt Nam bị đối xử tàn nhẫn như thế. Điều đáng nói ở đây là nhà cầm quyền CSVN vẫn không một lần lên tiếng giải thích, không một hành động sửa sai, mặc cho dư luận quốc tế đã nhiều lần can thiệp. Nhóm Công Tác của Liên Hiệp Quốc về Giam Giữ Tuỳ Tiện đã xác nhận việc bắt giam ông là trái luật. Các tổ chức như Human Rights Watch, PEN America, và Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả đã nhiều lần kêu gọi trả tự do cho ông, ít ra là vì lý do nhân đạo. Và tuy có cả một làn sóng lên tiếng từ bên ngoài, nhà nước Việt Nam vẫn chọn thái độ lì lợm, im lặng, và coi rẻ sinh mạng một người tù không vũ khí, không tội ác.

Ông Lê Hữu Minh Tuấn không phải là một tên tội phạm, càng không phải là một kẻ thù của quốc gia. Ông là một công dân, một nhà báo, một thanh niên với lý tưởng can đảm, đã chọn nói sự thật thay vì im lặng, đã chọn dấn thân thay vì thờ ơ. Chính vì thế mà ông bị gán ghép tội danh “chống phá,” trong khi bản chất hành động của ông chỉ đơn giản là thực hiện quyền công dân – quyền tự do ngôn luận mà ngay cả Hiến pháp Việt Nam cũng từng long trọng ghi nhận. Nhưng trên thực tế, những quyền ấy chỉ là hình thức. Khi bị đụng đến quyền lực độc tôn của đảng cầm quyền, thì mọi hiến pháp, luật lệ, và danh nghĩa pháp trị đều trở nên vô nghĩa.

Trường hợp của ông Tuấn vì vậy không chỉ là một vụ án đơn lẻ, mà là hình ảnh thu nhỏ của một thể chế độc tài đảng trị sắt máu, bạo lực. Việt Nam hiện nằm trong nhóm bảy quốc gia cầm tù nhiều ký giả nhất thế giới, với ít nhất 16 người còn bị giam giữ tính đến cuối năm 2024. Điều đó nói lên rằng, quyền được biết, quyền được nói, và quyền được suy nghĩ của người dân đang ngày càng bị bóp nghẹt. Điều 117 và những điều luật mập mờ tương tự đang trở thành bức tường lửa ngăn cản tự do, và cũng là vũ khí pháp lý dùng để trấn áp những ai dám lên tiếng một cách ôn hoà, hợp lý và trong tinh thần trách nhiệm xã hội.

Một xã hội lành mạnh không thể nào sinh tồn nếu không có những tiếng nói phản biện. Báo chí độc lập không phải là một thế lực thù địch, mà là một thành phần thiết yếu giúp ngăn chặn tha hoá quyền lực. Bịt miệng người dân, bắt giam ký giả, và bỏ mặc họ chết dần trong tù, đó là hành vi phản lại căn bản của đạo lý và pháp luật. Sự im lặng của nhà cầm quyền trong trường hợp ông Lê Hữu Minh Tuấn chính là lời tuyên bố trắng trợn rằng: không ai được phép khác với đảng, và ai khác thì phải bị trừng phạt.

Thế nhưng, lịch sử đã nhiều lần cho thấy, bạo lực không thể bẻ gãy sự thật. Lê Hữu Minh Tuấn có thể bị nhốt trong phòng giam tối tăm, nhưng ánh sáng từ những dòng chữ ông từng viết vẫn lan tỏa. Và mỗi ngày ông yếu dần đi vì bị bỏ rơi giữa nhà tù, thì cũng mỗi ngày bộ mặt thật “phản dân, hại nước” của chế độ càng lộ rõ ra trước mắt thế giới./.

 

No comments:

Post a Comment