Thursday, July 17, 2025

“MẶT TRẬN THÔNG TIN CÓ TÍNH CHIẾN ĐẤU”: TRÒ “LẤY THÚNG ÚP VOI” CỦA ĐẢNG CSVN

Bình Luận

Trước sự tiến triển vượt bực của “trí tuệ nhân tạo” AI, đảng CSVN vội vã bày ra những phương thức mới để bảo vệ chế độ. Thế nhưng kết quả chẳng khác nào “lấy thúng úp voi”!

Kính mời quý thính giả theo dõi bài Bình Luận của ĐOÀN KHÔI, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, tựa đề “’Mặt Trận Thông Tin Có Tính Chiến Đấu’: Trò ‘Lấy Thúng Úp Voi’ Của Đảng CSVN”,sẽ do Miên Dương trình bày sau đây ...

Sáng ngày 9 tháng 7 năm 2025, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động thuộc Bộ Công an Cộng sản Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ ra quân chiến dịch có tên “Thanh niên Cảnh sát Cơ động Tình nguyện Hè 2025”, một hoạt động vừa mang danh nghĩa tình nguyện, vừa hàm ý phát động một mặt trận mới trong công cuộc kiểm soát xã hội. Trong dịp này, một công tác đặc biệt mang tên “Mặt trận thông tin có tính chiến đấu” cũng được chính thức ra mắt. Đây là lần đầu tiên thuật ngữ này được áp dụng dưới hình thức mộtcông tác cụ thể, với chỉ tiêu, mô hình và chiến lược hành động rõ rệt, đánh dấu một bước quân sự hoá sâu hơn nữa trong lãnh vực truyền thông và tư tưởng. Công tác được giới thiệu như một phần của kế hoạchcó tên “Bước chân thép”, nhằm huấn luyện mười ngàn dư luận viên kỹ thuật số sử dụng trí tuệ nhân tạo, giám sát nội dung và báo cáo ngay tức khắc để phản ứng tức thì trước những gì nhà nước gọi là “thông tin xấu, độc”.

Thực ra, cụm từ “Mặt trận thông tin có tính chiến đấu” đã được các cơ quan tuyên truyền của Đảng và công an sử dụng nhiều lần trong các văn kiện nội bộ và bài báo tuyên truyền,nhưng chưa từng xuất hiện trong các văn kiện pháp lý chính thức. Tuy nhiên, khác với trước đây vốn chỉ dừng ở mức khẩu hiệu, thì lần này, thuật ngữ ấy đã được nâng lên thành một cơ cấu vận hành cụ thể, được khai triển toàn diện trong một chiến dịch chính quy. Điều này cho thấy quan điểm nhất quán của nhà cầm quyền Cộng sản trong việc xem thông tin không phải là công cụ phục vụ nhân dân, mà là vũ khí để bảo vệ quyền lực. Không gian mạng, thay vì là nơi trao đổi tư tưởng, sáng tạo và góp phần xây dựng xã hội dân sự, nay bị biến thành chiến địa nơi mỗi câu chữ đều có thể bị quy kết thành tội, và mọi ý kiến trái chiều đều bị coi là đe dọa đến “an ninh quốc gia”.

Trong quá trình điều động, bộ máy tuyên truyền – dẫn đầu là báo chí công an – đã sử dụng ngôn từ mang tính kích động. Những cụm từ như “lực lượng thù địch”, “diễn biến hòa bình”, hay “âm mưu phản động” liên tục được dùng để bôi nhọ và cô lập bất cứ ai dám chất vấn đường lối lãnh đạo. Các cơ quan phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản, cùng hàng ngàn dư luận viên ẩn danh, được huy động để gây áp lực dư luận và triệt tiêu ảnh hưởng của các nguồn thông tin độc lập. Dưới lớp vỏ “bảo vệ ổn định xã hội”, một guồng máy đàn áp tinh thần đã hình thành, nơi mà mọi phát biểu đều bị soi xét, mọi biểu hiện tự do đều bị nghi kỵ.

Thậm chí, nhiều người chỉ vì chia sẻ một bài báo ngoại quốc, viết một dòng tâm sự cá nhân, hay đăng lại một tấm hình phản ánh thực tế xã hội, cũng có thể bị công an mời làm việc, bị phạt hành chính, hay bị truy tố hình sự với các điều khoản mơ hồ như “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Cách hành xử ấy không khác gì thời phong kiến trị tội kẻ đọc sách cấm, và hoàn toàn trái ngược với lời tuyên bố rằng Việt Nam “tôn trọng quyền tự do ngôn luận”. Một đất nước mà sự thật bị cấm đoán, mà tiếng nói lương tri bị ngăn chận, thì không thể gọi là xã hội tiến bộ hay nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế, người ta phải thừa nhận rằng cái gọi là “Mặt trận thông tin có tính chiến đấu” đã không đạt được hiệu quả như nhà nước mong muốn. Dù có điều động hàng ngàn dư luận viên, ứng dụng công nghệ cao, và siết chặt hạ tầng kỹ thuật số, nhà cầm quyền vẫn không thể ngăn chận được làn sóng phản biện đang âm ỉ trong lòng dân chúng. Giới trẻ ngày nay không còn tin vào báo đài quốc doanh, không mặn mà với các bản tin định hướng, mà tự tìm tới các nguồn tin phản biện để tiếp cận sự thật từ nhiều phía. Người dân, dù không xuống đường, nhưng qua sự im lặng hoặc cách phản ứng thụ động, đã thể hiện sự mất niềm tin vào bộ máy truyền thông chính thức.

Sự phản tác dụng còn hiện rõ qua các vụ rò rỉ thông tin nội bộ, từ tài liệu mật đến các video bê bối của quan chức, lan truyền khắp mạng xã hội trước khi nhà nước kịp giải quyết. Những chiến dịch bôi nhọ thường bị dân cư mạng lật tẩy, khiến cho các đòn công kích dư luận mất hiệu lực. Chính quyền càng cố gắng kiểm soát, thì lại càng để lộ những sơ hở, mâu thuẫn và thiếu đồng bộ trong hệ thống cai trị. Việc ví von thông tin như chiến trường và xem người dân như kẻ địch trên mặt trận tư tưởng đã cho thấy bản chất sợ hãi và khủng hoảng chính danh của chế độ.

Một nhà nước mạnh không cần phải kiểm soát ngôn luận, mà nên biết lắng nghe phản biện. Một chính quyền có chính nghĩa không cần đến hàng rào kỹ thuật, đội quân dư luận viên hay mạng lưới giám sát để duy trì ổn định, mà sẽ để cho tự do ngôn luận điều chỉnh sai lầm và giúp xã hội trưởng thành. Trái lại, một chính quyền luôn lo sợ tiếng nói của chính dân mình thì chẳng thể nào đứng vững lâu dài, dù có huy động bao nhiêu công an mạng hay trí tuệ nhân tạo.

Trong thời đại mà thông tin không còn biên giới, và người dân ngày một thức tỉnh, thì chỉ có con đường đối thoại, minh bạch và tôn trọng khác biệt mới là nền tảng thật sự cho sự ổn định và phát triển bền vững./.

 

No comments:

Post a Comment