Sunday, July 27, 2025

Tin Tức: Chủ Nhật 27.07.2025

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Miên Dương

1. TNLT LÊ ĐÌNH LƯỢNG TIẾP TỤC BỊ TRỪNG PHẠT VÌ YÊU CẦU ĐƯỢC CHĂM SÓC Y TẾ

TNLT Lê Đình Lượng đang bị biệt giam gần hai tháng nay, kể từ đầu Tháng Sáu trong tình trạng tính mạng bị đe dọa. Trước khi bị biệt giam, ông Lê Đình Lượng phải trải qua nhiều ngày tuyệt thực để phản đối cai tù đã bỏ mặc, không chăm sóc y tế khi ông bị bệnh.

Gia đình đã không được gặp ông kể từ Tháng Năm đến nay.

Trong một bài viết trên trang facebook cá nhân, con trai ông Lượng là anh Lê Đình Hiếu cho biết tình trạng của cha mình “Bất chấp tuổi tác, bệnh tật, và thể trạng đã suy kiệt, bố tôi buộc phải dùng đến hành động cuối cùng là tuyệt thực, như một lời kêu cứu trong tuyệt vọng, nhưng đáp lại vẫn chỉ là sự đàn áp và trừng phạt.

Thay vì được đưa đi điều trị, ông bị đẩy vào biệt giam, bị giam giữ đơn độc, không ánh sáng, không thuốc men. Ông đang bị chôn sống trong bốn bức tường, gia đình tôi mỗi ngày đều sống trong lo sợ không biết ông còn sống hay đã chết”.

Anh Hiếu bày tỏ mong muốn các cơ quan nhân quyền, các chính phủ dân chủ và người Việt yêu chuộng tự do trong và ngoài nước quan tâm, lên tiếng cho cha ông”.

Ông Lê Đình Lượng là người bị kết án nặng nhất trong giới hoạt động nhân quyền Việt Nam với 20 năm tù giam, cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

 

2. MỘT CÔNG DÂN BỊ PHẠT 7,5 TRIỆU VÌ ĐĂNG HÌNH “CHẾ”

Ngày 26/7, Công an Hà Nội đã xử phạt một người dùng Facebook 7,5 triệu đồng với cáo buộc “đăng tải hình ảnh sai sự thật”, theo Điều 101 Nghị định 15/2020. Nội dung vi phạm là một bức ảnh do AI tạo ra, mô tả cảnh một thanh niên đứng cạnh siêu xe bị cảnh sát giao thông lập biên bản.

Công an Hà Nội nói rằng hình ảnh này đã “gây hiểu lầm” và ảnh hưởng đến cái gọi là “an ninh trật tự”. Tuy nhiên, đây rõ ràng là một sản phẩm hư cấu – một dạng ảnh chế đang phổ biến trên mạng, không gây hại cụ thể và cũng không có dấu hiệu vu khống hay kích động.

Việc xử phạt một hành vi mang tính biểu đạt sáng tạo cho thấy nhà cầm quyền không ngừng gia tăng kiểm soát quyền tự do biểu đạt bằng những quy định mơ hồ, tùy tiện.

Trong bối cảnh AI và ảnh số lan rộng, các hình thức biểu đạt phi truyền thống ngày càng bị siết chặt, đặt quyền tự do ngôn luận vào tình thế bị đe dọa nghiêm trọng.

 

3. CỬ TRI ĐÀI LOAN BÁC BỎ VIỆC TRUẤT PHẾ CÁC DÂN BIỂU THÂN TRUNG CỘNG

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày Thứ Bảy, cử tri Đài Loan đã bác bỏ nỗ lực bãi nhiệm khoảng một phần năm các dân biểu thuộc Quốc Dân Đảng (KMT), phe đối lập có khuynh hướng thân Bắc Kinh. Kết quả này khiến kỳ vọng của Đảng Dân Tiến (DPP) – đương quyền và chủ trương độc lập – nhằm xoay chuyển thế đa số tại Quốc Hội bị dập tắt.

Kết quả sơ khởi cho thấy không có dân biểu Quốc Dân Đảng KMT nào bị truất phế, dù vẫn còn 7 người sẽ đối mặt với cuộc biểu quyết tương tự vào ngày 23 tháng 8. Nếu DPP tiếp tục thất bại, chính quyền của Tổng Thống Lai Thanh Đức sẽ gặp nhiều trở ngại tại Quốc Hội cho tới kỳ bầu cử năm 2028.

Phía ủng hộ truất phế chỉ trích Quốc Dân Đảng KMT cản trở ngân sách quốc phòng và thông qua các luật lệ thiên vị Trung Cộng. Trong khi đó, Quốc Dân Đảng KMT tố cáo Đảng Dân Tiến DPP lạm dụng quyền lực và trả đũa chính trị.

Ủy Ban Tuyển Cử Trung Ương sẽ công bố kết quả chính thức vào ngày 1 tháng 8.

 

4. THÁI LAN VÀ CAO MIÊN CÁO BUỘC NHAU KHI GIAO TRANH BIÊN GIỚI BƯỚC SANG NGÀY THỨ BA

Trận xung đột biên giới giữa Thái Lan và Cao Miên kéo dài sang ngày thứ ba, khiến ít nhất 33 người thiệt mạng và hơn 168,000 thường dân phải di tản. Hai bên liên tiếp cáo buộc nhau khi pháo kích và súng nổ tiếp diễn tại các làng sát biên giới, sau khi một quả mìn gây thương tích cho năm binh sĩ Thái.

Thái Lan đóng cửa các cửa khẩu biên giới phía Đông Bắc, đôi bên triệu hồi đại sứ về nước. Cao Miên tố giác Thái mở rộng tấn công, pháo kích vào tỉnh Pursat và đưa tàu hải quân đến gần tỉnh Koh Kong. Phía Thái Lan phủ nhận nhắm vào thường dân và cáo buộc Phnom Penh dùng "lá chắn người".

Hiện trên 131,000 người dân Thái và 37,000 dân Cao Miên phải sơ tán. Cao Miên cáo buộc Thái dùng bom chùm, trong khi Thái thừa nhận có thể sử dụng trong “trường hợp cần thiết”.

Hội đồng Bảo an LHQ và khối ASEAN kêu gọi đôi bên ngưng giao tranh và thương thuyết. Thái Lan chấp thuận hòa đàm với điều kiện Cao Miên phải “chân thành và thiện chí”.

 

5. TỔNG THỐNG PHÁP MACRON ĐƠN PHƯƠNG CÔNG NHẬN PALESTINE VÌ BẤT MÃN VÀ ÁP LỰC

Tổng Thống Emmanuel Macron loan báo Pháp sẽ đơn phương công nhận quốc gia Palestine vào tháng 9, trở thành nước Tây phương đầu tiên trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc làm điều này. Quyết định gây chấn động ngoại giao từ Trung Đông sang Âu Châu và Hoa Kỳ.

Macron xúc động trước thảm cảnh tại Gaza khi thăm Ai Cập hồi tháng Tư, từ đó quyết tâm tiến tới công nhận Palestine. Ông từng đề nghị liên minh với Anh, Gia Nã Đại và Ả Rập Saudi để vừa công nhận Palestine, vừa khuyến khích các quốc gia Ả Rập mềm mỏng hơn với Do Thái. Tuy nhiên, London và Ottawa rút lui vì e ngại phản ứng từ Hoa Thịnh Đốn, buộc Macron phải hành động một mình.

Nội bộ Pháp cũng gây áp lực nặng nề, trước hình ảnh thương tâm tại Gaza và khối dân Hồi Giáo lẫn Do Thái lớn tại quốc nội. Dù Hoa Kỳ và Do Thái phản đối gay gắt, Macron vẫn tiến hành kế hoạch công bố tại Đại Hội Đồng LHQ vào tháng 9. Ông tin rằng thời điểm lịch sử đã đến, dù chỉ mang tính biểu tượng.

 

No comments:

Post a Comment