Quyết định cho phép công dân từ 16 tuổi đi bầu ở Anh là một bước tiến lớn của dân chủ, nhưng đồng thời sự kiện cũng đã làm nổi bật sự lạc hậu và giả tạo của trò “đảng cử dân bầu” tại Việt Nam.
Qua chuyên mục BÌNH LUẬN hôm nay, kính mời quý thính giả cùng theo dõi bài “Anh Quốc Mở Rộng Quyền Bầu Cử - Nỗi Nhục của Việt Nam Với Trò ‘Đảng Cử Dân Bầu’” của THẾ VŨ, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, do Hướng Dương trình bày sau đây ...
Ngày 17 tháng 7 vừa qua, Quốc Hội Nước Anh chính thức thông qua quyết định cho phép công dân từ 16 tuổi trở lên được quyền đi bầu trong các cuộc bầu cử quốc gia và địa phương. Quyết định này gây ra một số tranh cãi nhưng cũng được dư luận quốc tế nhìn nhận như một bước tiến của dân chủ, mở rộng cánh cửa để thế hệ trẻ được tham gia trực tiếp vào sinh hoạt chính trị của đất nước.
Trong nhiều năm qua, quyền bầu cử ở Anh vốn dành cho
người từ 18 tuổi trở lên, nhưng giờ đây, các chính khách và nhiều tổ chức xã hội
cho rằng, những người từ 16 tuổi đã đủ khả năng nhận thức về xã hội, kinh tế và
chính trị để tự mình đưa ra quyết định cho tương lai. Nước Anh không phải là quốc
gia đầu tiên thực hiện điều này, trước đó Áo, Scotland, Brazil hay Argentina
cũng đã cho phép thanh thiếu niên ở độ tuổi 16 cầm lá phiếu.
Quyền đi bầu không chỉ là chuyện chọn lựa một đảng
phái hay một chính khách, mà là quyền căn bản của con người trong một xã hội tự
do. Khi một quốc gia mở rộng quyền này, nghĩa là họ công nhận rằng thanh thiếu
niên không còn chỉ là những đứa trẻ ngồi trên ghế học đường, mà đã là những
công dân có trách nhiệm và có tiếng nói. Trong bối cảnh thế giới đang đối diện
với nhiều khủng hoảng – từ biến đổi khí hậu, chiến tranh cho tới các cuộc khủng
hoảng kinh tế – tiếng nói của thế hệ trẻ cần được lắng nghe, vì chính họ là những
người sẽ sống dài hơn với các hậu quả và quyết định của ngày hôm nay. Mặt khác,
việc trao quyền bầu cử cho giới trẻ cũng tạo động lực cho họ tham gia nhiều hơn
vào các hoạt động xã hội, hiểu rõ quyền lợi và bổn phận công dân, thay vì chỉ
thụ động đứng ngoài cuộc.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến e dè, cho rằng 16 tuổi
là quá trẻ để gánh vác một quyết định chính trị quan trọng. Có người sợ rằng lứa
tuổi này dễ bị ảnh hưởng bởi cảm tính, bởi mạng xã hội, và thiếu kinh nghiệm sống
để phân định phải trái. Nhưng những lập luận này đã bị phản bác là tuổi tác
không hẳn là thước đo duy nhất của trí tuệ chính trị. Không ít người lớn tuổi vẫn
bỏ phiếu chỉ vì cảm tình hay vì những lời hứa hão huyền. Do đó, việc trao quyền
cho tuổi 16 cũng không kém phần hợp lý so với việc để cho một số đông người trưởng
thành nhưng thờ ơ hay thiếu hiểu biết chính trị đi bầu.
Nước Anh đã tính toán là quyền bầu cử càng được mở rộng,
xã hội càng trở nên đa dạng và phong phú trong quyết định chung. Mười sáu tuổi
ngày nay không còn là 16 tuổi của vài thập niên trước. Thế hệ trẻ được tiếp cận
thông tin từ rất sớm, hiểu biết nhiều về thế giới, thậm chí còn năng động hơn
nhiều người lớn. Khi họ được quyền bầu, họ có lý do để học hỏi, tìm hiểu các
chương trình tranh cử, và tự xác định mình muốn chọn lựa con đường nào. Đó cũng
là một cách giáo dục chính trị hiệu quả, bằng cách để cho người trẻ thật sự
tham gia thay vì chỉ đứng ngoài nghe giảng.
Một điểm đáng chú ý là nhiều quốc gia dân chủ khác
cũng đang xem xét hạ độ tuổi bầu cử, vì nhận ra rằng sự xa cách giữa chính quyền
và thế hệ trẻ chính là nguyên nhân làm giảm niềm tin vào thể chế. Nếu thanh thiếu
niên cảm thấy tiếng nói của mình không có giá trị, họ sẽ chán nản, xa rời chính
trị, và điều đó khiến nền dân chủ suy yếu. Việc hạ độ tuổi bầu cử cũng là một
thông điệp xác tín rằng quốc gia tin tưởng thế hệ trẻ, trao cho họ trách nhiệm
để góp phần định hình tương lai.
Nhìn từ góc độ này, người ta không thể không so sánh
với các chế độ độc tài, nơi lá phiếu chỉ là một trò hề được dàn dựng sẵn. Ở Việt
Nam, người dân chỉ được đi bầu những người do đảng CSVN chọn, dưới danh nghĩa
“hiệp thương” mà thực chất là “đảng cử dân bầu”. Lá phiếu của dân không có quyền
loại bỏ những kẻ bất tài hay tham nhũng, mà chỉ là thứ công cụ hợp thức hoá quyền
lực độc tôn của một đảng. Trẻ em, thanh niên hay người già đều không có thực
quyền, bởi vì kết quả bầu cử đã được an bài trước khi người dân bước chân vào
phòng phiếu. Những khẩu hiệu về dân chủ, về “quyền làm chủ” chỉ là những câu chữ
rỗng tuếch trên miệng các quan chức, trong khi mọi cơ chế kiểm soát quyền lực đều
bị triệt tiêu.
So với những nước dân chủ như Anh, nơi người dân từ 16
tuổi đã được trao quyền chọn người lãnh đạo, thì ở Việt Nam, ngay cả người 80
tuổi cũng chẳng có tiếng nói thật sự. Cái gọi là Quốc hội chỉ là bù nhìn, mọi
quyết định lớn đều nằm trong tay đảng cầm quyền, và người dân chỉ được “bầu”
cho những gương mặt đã được cơ quan đảng phê chuẩn.
Chính vì thế, việc Anh mở rộng quyền bầu cử cho
thanh thiếu niên càng làm nổi bật sự đối nghịch cay đắng giữa tự do và độc tài.
Nó nhắc nhở chúng ta rằng quyền đi bầu không phải là món quà của một chính quyền
ban phát, mà là quyền tự nhiên của con người, một quyền mà mỗi quốc gia dân chủ
phải không ngừng bảo vệ và mở rộng, thay vì bịp bợm và chối bỏ như những chế độ
toàn trị./.
No comments:
Post a Comment