Tuesday, July 8, 2025

Hàng Không Mẫu Hạm SƠN ĐÔNG: Bóng Ma Trung Cộng Bao Phủ Hồng Kông

Bình Luận

Mặc dù đã trấn áp thành công phong trào đòi dân chủ năm 2020, nhưng Bắc Kinh lúc nào cũng nơm nớp lo sợ sự trỗi dậy của thanh niên - sinh viên Hồng Kông.

Kính mời quý thính giả theo dõi bài Bình Luận tựa đề “Hàng Không Mẫu Hạm SƠN ĐÔNG: Bóng Ma Trung Cộng Bao Phủ Hồng Kông” của THẾ VŨ, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, do Hướng Dương trình bày sau đây. 

Sự kiện chiến hạm Sơn Đông, chiếc Hàng Không Mẫu Hạm thứ nhì và là chiếc đầu tiên do Trung Cộng hoàn toàn chế tạo, cập bến Hồng Kông vào ngày 3 tháng Bảy vừa qua đã tạo sự chú ý trong giới truyền thông cũng như chính trường quốc tế. Đây không đơn giản là một chuyến thăm viếng có tính cách biểu tượng quân sự, mà còn là một thông điệp Bắc Kinh muốn gửi tới cả dân chúng Hồng Kông, cũng như với thế giới bên ngoài, đặc biệt trong bối cảnh tình hình Đông Á đang căng thẳng. Việc một chiến hạm có tầm vóc biểu tượng như Sơn Đông hiện diện tại vùng đất từng là thuộc địa Anh quốc, nơi chỉ mới vừa bị Bắc Kinh siết chặt quyền tự trị qua Luật An ninh Quốc gia từ năm 2020, đã mang đầy đủ ý nghĩa chính trị, quân sự và tuyên truyền.

Trước hết, cần biết rằng Hồng Kông không phải là một hải cảng quân sự theo nghĩa truyền thống, và càng không là nơi có nhu cầu tiếp đón các chiến hạm hạng nặng. Tuy nhiên, với Trung Cộng, việc đưa một biểu tượng hải lực đến đây rõ ràng là nhằm khẳng định chủ quyền không thể chối cãi, một cách ngang nhiên và đầy thách thức. Trong mắt của Bắc Kinh, Hồng Kông không còn là “một quốc gia, hai chế độ”, mà đã thuần tuý là một phần của đại lục, phải tiếp nhận mọi sự chỉ đạo của quyền lực trung ương. Tàu Sơn Đông cập cảng là một sự phô trương mà đối tượng không chỉ là dân chúng Hồng Kông mà còn là toàn dân Trung Hoa lục địa, để chứng tỏ rằng đảng Cộng sản Trung Quốc đang kiểm soát tình hình và đang tiến tới một thời kỳ bành trướng hải lực.

Chuyến thăm lần này cũng nhằm đánh bóng hình ảnh quân đội Giải phóng Nhân dân trong lòng công chúng. Từ sau phong trào Dù Vàng năm 2014, và nhất là sau biến động 2019, quân đội Trung Cộng vốn bị nhìn với cặp mắt dè chừng tại Hồng Kông. Nay họ chọn xuất hiện trong một khung cảnh “thân thiện”, mở cửa cho dân chúng thăm viếngchiến hạm trong vài ngày, như muốn rửa sạch hình ảnh đàn áp và bạo lực mà họ từng bị gán. Tuy nhiên ý đồ này khó thành tựu, bởi người dân Hồng Kông – vốn được giáo dục trong tinh thần tự do – chưa dễ quên cảnh cảnh sát đàn áp biểu tình, hay những vụ bắt người vô cớ dưới danh nghĩa an ninh. Chiếc tàu đồ sộ kia, dẫu mang vẻ hùng tráng, cũng không thể xoá nhoà sự thực đây là sản phẩm của một guồng máy cường quyền.

Ngoài mục tiêu đối nội, việc Hàng không Mẫu hạm Sơn Đông hiện diện ở Hồng Kông còn là một thông điệp gửi tới Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng về Đài Loan, Biển Đông, và chuỗi cung ứng công nghệ, Bắc Kinh muốn phô trương khả năng điều động lực lượng hải quân tới các vùng trọng yếu. Mặc dù Hồng Kông không phải là tiền tuyến, nhưng việc chiến hạm cỡ lớn neo đậu tại đây vẫn là một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc có khả năng đưa lực lượng quân sự hiện đại đến gần các tuyến đường hàng hải sống còn, và thêm nữa, họ cũng đã có lực lượng đủ sức bảo vệ cái mà họ gọi là “lợi ích cốt lõi”.

Dĩ nhiên, thế giới không dễ bị che mắt bởi những hình ảnh lễ lạc hay biểu ngữ hoà bình; mọi nhà quan sát nghiêm túc đều hiểu rằng sự hiện diện ấy là một phần của sách lược “bình thường hoá” sức mạnh quân sự trong mắt cộng đồng quốc tế.

Về phía người dân Hồng Kông, phản ứng trước sự kiện này không đồng nhất. Một số người, nhất là những ai đã từng được đào tạo trong hệ thống giáo dục sau 1997, có thể cảm thấy hãnh diện về “sức mạnh dân tộc” dưới lá cờ Trung Hoa. Nhưng với phần đông đã sống qua thời thuộc địa, và đặc biệt là giới trẻ từng xuống đường đòi dân chủ, sự xuất hiện của Hàng không Mẫu hạm Sơn Đông là một hình thức đe doạ ngầm. Nó nhắc nhở rằng mọi ý định ly khai, dù nhỏ nhoi đến đâu, cũng sẽ bị dập tắt dưới bóng dáng của sắt thép và kỷ luật quân đội.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, khi Hoa Kỳ và các đồng minh đang nỗ lực tái lập cân bằng lực lượng tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, sự kiện này cũng là một lời nhắc nhở rằng cuộc tranh chấp giữa các cường quốc không còn giới hạn ở mặt trận kinh tế hay ngoại giao, mà đã mở rộng ra đến cả tâm lý và biểu tượng. Bắc Kinh hiểu rằng trong chính trị, biểu tượng có thể quan trọng không kém thực lực. Và việc cho Sơn Đông ghé Hồng Kông chính là một thứ biểu tượng – của quyền lực, của sự thống trị, và của quyết tâm bẻ gãy mọi mầm mống bất phục.

Nhưng cũng như mọi biểu tượng do cưỡng ép mà có, uy lực của nó không lâu bền. Một con tàu, dẫu lớn đến đâu, cũng không thể neo giữ được lòng dân. Và một chính thể, dẫu hùng mạnh đến mấy, nếu không biết tôn trọng tự do và nhân phẩm, rồi cũng sẽ bị lịch sử lên án. Hồng Kông, dù nay đã yên lặng dưới bóng tàu Sơn Đông, vẫn mang trong lòng một ngọn lửa âm ỉ – ngọn lửa của khát vọng được sống như người tự do. Và khi thời cơ đến, lịch sử có thể lại viết tiếp những trang mà hôm nay tưởng chừng đã bị khoá lại bằng sắt thép và súng đạn./.

 

No comments:

Post a Comment