Sau đây là chuyên mục
CDTNLT do Thúc Lân biên soạn. Lần này xin gửi đến quý thính giả chân dung
của TNLT, nhà văn Phạm Thành, người vừa ra tù hôm 21/7/2025 qua sự trình bày
của Bảo Trân để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Nhà văn bất đồng chính kiến Phạm Chí Thành, thường được biết tới với bút danh Phạm Thành, sinh năm 1952. Ông là chủ trang blog Bà Đầm Xòe và là tác giả của một loạt cuốn sách phê phán chế độ như: Cô hồn xã nghĩa, Hậu Chí Phèo, Nền Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN: Xuống hố cả lũ, Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo?
Giống như hai văn nghệ sĩ bất đồng chính kiến cùng thời là Trần Đức Thạch
và Nguyễn Tường Thụy, nhà văn Phạm Thành cũng có thời gian phục vụ trong quân
đội Bắc Việt. Ông từng giữ chức Thư ký Tòa soạn Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)
trong nhiều năm, nhưng đã bị bãi nhiệm vào năm 2007 vì các bài viết chống Trung
cộng. Ông từng được trao Huy chương Kháng chiến Hạng Nhì do Hội đồng Bộ trưởng
(nay là Chính phủ) của cái gọi là nhà nước CHXHCN Việt Nam tặng năm 1990, và
Huy chương Vì sự nghiệp phát thanh do Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
(tương đương cấp Bộ trưởng) trao tặng năm 1997.
Có lẽ, vì đã trải qua nhiều năm trong guồng máy nhà nước, cộng với sự nhạy
bén trước thời cuộc của một người cầm bút, Phạm Thành đã nhận ra bộ mặt thật của
chế độ và dứt khoát chọn cho mình một ngã rẽ, dù biết rằng sẽ đầy rẫy hiểm
nguy, khốn khó. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA),
ông từng bộc bạch: “Tôi đã 41 năm theo Đảng và Nhà nước rồi. Bây giờ ngoảnh
lại, thấy dân tộc này cái gì cũng tụt lùi. Nguyên nhân tại đâu? Nguyên nhân là
chúng ta không có dân chủ. Nguyên nhân là Đảng Cộng sản duy trì sự độc tài!”
Phạm Thành bị bắt ngày 21/5/2020 khi đang chăm sóc cây cảnh trên sân
thượng. Bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ ông, cho biết thái độ của chồng lúc đó “rất
bình thản”. Ông nói với công an: “Tôi đã chuẩn bị ngày này từ lâu rồi. Các ông
hãy làm phận sự của mình đi.” Nhà văn cũng dặn vợ: “Đừng lo cho tôi, hãy lo cho
phong trào đấu tranh.”
Ông bị cáo buộc vi phạm Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015 “Làm, tàng trữ,
phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước
CHXHCN Việt Nam.” Nhiều người cho rằng vụ bắt giữ liên quan trực tiếp đến cuốn
sách Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo?,
được ông công bố vào tháng 9/2019.
Sau nửa năm bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, nhà văn Phạm Thành bất ngờ bị chuyển
đến Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, khiến người thân và bạn bè choáng váng. Bà
Nghiêm kể lại: “Ngày 25/11/2020, điều tra viên cho biết đã chuyển chồng tôi đến
Viện Pháp y Tâm thần Trung ương để giám định hay kiểm tra sức khỏe gì đó, báo
cho tôi biết để đến gửi đồ tiếp tế.” Bà cũng chia sẻ trên Facebook cá nhân: “Là
vợ chồng sống với nhau bao nhiêu năm, tôi thấy anh hoàn toàn bình thường, không
có biểu hiện gì về tâm thần nên không hiểu họ chuyển chồng tôi xuống đó làm gì?
Nay tôi đến Viện đã gửi tiền lưu ký và quà nhưng không được gặp trực tiếp. Tôi
vô cùng lo lắng nếu có sự cố bất ổn xảy ra.”
Việc chuyển ông Phạm Thành đến trại tâm thần gợi lại những trường hợp khác
như blogger Lê Anh Hùng và ông Nguyễn Trung Lĩnh, những người từng lên tiếng
mạnh mẽ và sau đó bị dùng đến biện pháp đàn áp phi nhân đạo này. Sau ông Thành,
nhà cầm quyền tiếp tục áp dụng phương thức tương tự với hai nhà hoạt động Trịnh
Bá Phương và Nguyễn Thúy Hạnh. Cả hai đều bị đưa từ trại giam đến trại tâm thần
như một cách trả thù vì không thể khuất phục những con người này bằng xiềng
xích.
Ngày 9/7/2021, một phiên tòa cộng sản được mở tại Hà Nội đã kết án nhà văn
Phạm Thành 5 năm 6 tháng tù giam, kèm 5 năm quản chế, chỉ trong vòng chưa đầy 2
giờ đồng hồ xét xử. Sau một thời gian ở Hỏa Lò, ông được chuyển tới trại giam
Ba Sao (Nam Hà), nơi từng giam giữ nhiều tù nhân chính trị và nổi tiếng hà
khắc. Một minh chứng cho sự tàn bạo của nhà tù này là tấm bia thờ 626 tù nhân
chính trị, được nhắc đến trong bài viết Ba Sao chi mộ của cựu
tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên.
Ngày 21/7/2025, nhà cầm quyền đã phóng thích nhà văn Phạm Thành, sớm hơn 4
tháng so với bản án đã tuyên, để hoàn tất một kịch bản nhân đạo giả tạo do
chính họ dựng lên: trừng phạt cho đến khi gần kiệt sức, rồi phóng thích nhằm
tránh những rủi ro ngoài ý muốn có thể xảy ra trong nhà tù.
Không ít người cho rằng: “Những người có gốc gác VNCH chống cộng là điều dễ
hiểu. Nhưng chính những đảng viên cộng sản, những người từng phục vụ trong
guồng máy chế độ mà dám đứng lên chống cộng mới đáng quý. Do vậy, đòn thù mà họ
lãnh nhận cũng phải hơn người khác.”
Chính những Phạm Thành, Trần Đức Thạch, Nguyễn Tường Thụy - những người
phản tỉnh như các ông - đang góp phần làm lung lay nền móng chế độ cộng sản,
chế độ mà họ từng phục vụ trong quá khứ. Và cũng chính những con người đáng
trân quý này đã tự nguyện trở thành những viên gạch lót đường cho thế hệ kế
tiếp xây dựng tự do.
Thúc Lân
Tháng 7/2025.
(Ghi chú: Bài viết gốc được hoàn thành vào tháng 12 năm 2020. Phiên bản
hiện tại đã được biên tập, cập nhật và bổ sung thông tin mới đến tháng 7 năm
2025).
No comments:
Post a Comment