Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.
Tiến Văn
27/07/2025
Thưa quí vị đảng viên lão thành cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Hôm 21 tháng 7 vừa qua, Hội Nghị 12 khóa 13 của đảng Hồ-Tàu bế mạc với một quyết định chưa có tiền lệ: Cách chức tất cảcác chức vụ đã nắm của ba cựu ủy viên Bộ Chính Trị, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng.
Đây là ba nhân vật thuộc diện “tứ trụ” đã đột ngột phải từ chức cho về vườn cách đây hơn 1 năm. Trong số ba nhân vật này, Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng còn từng thuộc dạng được “qui hoạch” để nắm vị trí đứng đầu đảng Hồ-Tàu.
Thế nhưng, cho đến nay, như chúng ta thấy, đã bị “về vườn” đột ngột, nhưng cả ba nhân vật này đều không được hưởng một thông lệ bất thành văn như các nhân vật “phải tự về vườn” khác: “Hạ cánh an toàn - làm người tử tế”.
Với việc bị cách mọi chức vụ một cách “hồi tố”, cả ba nhân vật “cựu tứ trụ” đang phải đối diện với những rủi ro khó lường hơn khi tất cả mọi quyền lực chính thống đã bị tuột khỏi tay.
Thưa quí vị và anh chị em, một chi tiết chúng ta không thể quên là cả ba nhân vật này đều đã từng có đường hoạn lộ đi trước, đều đã từng nắm những chức vụ lớn hơn Tô Lâm - kẻ đang giữ ghế chóp bu cao nhất của đảng Hồ-Tàu.
Nhưng cả ba nhân vật đều có một điểm yếu: Không nắm được lực lượng võ trang, lực lượng trấn áp.
Tuy nhiên, quyết định phá tiền lệ vừa nói của Tô Lâm nhằm vào ba nhân vật đã bị thất thế này cho chúng ta thấy cuộc đấu ngầm giữa Tô Lâm và các nhân vật, phe nhóm đối nghịch với y vẫn đang diễn tiến, không hoàn toàn chấm dứt.
Như chúng ta đã phân tích trong nhiều chuyên mục trước, việc Tô Lâm phải vội vã, hấp tấp, thay hàng loạt nhân sự để đưa những thân tín cùng quê, cùng thuyền, cùng gốc công an của y trấn giữ các cơ quan, tổ chức quan trọng tại trung ương và địa phương là dấu hiệu khách quan của việc Tô Lâm cảm thấy rất bất an sau khi đã cướp được ghế tổng bí thư sau cái chết của Nguyễn Phú Trọng.
Quyết định phá tiền lệ của Tô Lâm hôm 12 tháng 7 rõ ràng là một hành vi có tính đe dọa, cảnh báo ba nhân vật, và những thân tín, phe nhóm của họ: Chớ có hành động chống lại tôi!
Tuy nhiên, xét về mặt lí tính, chúng ta phải thấy những mưu toan chống lại Tô Lâm là những việc làm thuận lẽ tự nhiên và giúp ích cho sự phát triển tốt đẹp hơn của xã hội.
Thuận lẽ tự nhiên là bởi bất cứ sự thất thế của một quan chức nào trong các chế độ độc tài toàn trị đều không phải là kết quả của công lí, công minh. Đó hoàn toàn chỉ là ý muốn cạnh tranh độc đoán của những kẻ nắm được sức mạnh hoặc cơ hội. Do đó, phản ứng chống đối, thậm chí tấn công lại, của các quan chức thất thế trong chế độ độc tài toàn trị là một phản ứng hợp lí, tự nhiên trước một sự tấn công, loại bỏ có bản chất độc đoán, bất công.
Trong cả ba sự “về vườn” đột ngột của Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng, chúng ta không hề thấy một sự luận tội công khai nào cho toàn dân biết rõ. Đó chỉ là một bản thông cáo ngắn gọn, vài ba chữ từ cái gọi là cơ quan của đảng Hồ-Tàu. Thậm chí, chúng ta cũng chưa bao giờ được biết ba “quan chức hàng đầu quốc gia” có lời nói nào trước khi “từ chức” hay không. Do đó sự bức xúc, phẫn nộ của ba nhân vật này là điều tự nhiên và cần được toàn dân ủng hộ.
Ngoài ra, nếu chúng ta xem xét xa hơn, cả ba nhân vật này có thể phải từ chức vì đã dính líu vào những tội trạng không thể dung thứ, thì việc xét xử và quyết định buộc ba nhân vật này phải từ chức không thể đến từ những kẻ như Tô Lâm - là kẻ hoàn toàn không đủ tư cách vì chính y là kẻ đã phạm nhiều tội ác, đã có nhiều hành vi lộ liễu không thể dung thứ.
Cuối cùng, việc chống đối, phản công của các nhân vật, phe nhóm bị Tô Lâm thanh trừng, gạt bỏ sẽ giúp ích cho hệ thống chính trị dần dần thoát khỏi những thông lệ, tập tục chỉ có lợi cho quyền lực độc đoán, độc đảng, đơn nguyên.
Trong mọi xã hội phát triển bình thường và lành mạnh, hệ thống chính trị luôn tồn tại sự cạnh tranh, chống đối, kình địch nhau một các công khai giữa các cá nhân, phe nhóm, đảng phái. Thậm chí ngay trong nội bộ một đảng, xã hội lành mạnh cũng tạo điều kiện để các bất đồng, li khai, chống đối nhau xảy ra một cách công khai, quyết liệt cho toàn dân, toàn xã hội biết rõ. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu trước mắt và lâu dài của những người yêu nước Việt Nam, những người muốn có một xã hội phát triển bình thường và lành mạnh.
Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.
No comments:
Post a Comment