Saturday, July 5, 2025

Ca sĩ Duy Khánh

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Một nhạc sĩ vừa là ca sĩ, có giọng ca truyền cảm mang đậm dấu ấn dân ca miền Trung. Ông được xem là 1 trong 4 nam ca sĩ nổi tiếng thời VNCH trình bày nhiều nhạc phẩm bất hủ. Ông được nhiều người ái mộ, đặc biệt là 2 ca khúc “Xuân này con không về” và “Người lính già xa quê hương” do nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân sáng tác.

Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Ca sĩ Duy Khánh của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, sinh ngày 1/6/1936 tại làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là con áp út trong gia đình vọng tộc, thuộc dòng dõi Quận công Nguyễn Văn Tường, Phụ chánh đại thần triều Nguyễn.

-Năm 1952, Nguyễn Văn Diệp đoạt giải nhất trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á tại Huế với bài hát Trăng thanh bình. Sau đó, ông chuyển vào Sài Gòn để theo đuổi nghiệp cầm ca với danh hiệu Hoàng Thanh. Ông cùng với Duy Trác và Anh Ngọc trở thành 3 giọng nam được yêu thích nhất thời bấy giờ, qua những ca khúc có âm hưởng dân ca của nhạc sĩ Phạm Duy như: Ngày trở về, Vợ chồng quê, Nhớ người thương binh, Tình nghèo, Về miền Trung, Quê nghèo .v.v.

-Năm 1959, Nguyễn Văn Diệp lấy danh hiệu Duy Khánh, bắt đầu sáng tác nhạc nói về tình yêu quê hương mang đậm hơi dân ca xứ Huế, được giới mộ điệu đón nhận nồng nhiệt ngay từ 2 nhạc phẩm đầu tay: Ai ra xứ Huế, Thương về miền Trung.

-Năm 1960, Duy Khánh thành lập nhóm chủ trương xuất bản Tập nhạc mang tên “1001 Bài Ca Hay”, trong đó có nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng như: Trần Thiện Thanh, Trịnh Lâm Ngân, Lam Phương. Hoài Linh, Trúc Phương .v.v. Tập nhạc được in ấn nhiều lần và phổ biến đến năm 1975, được giới mộ điệu đánh giá cao nhờ bản in đẹp, có hình minh họa rất công phu do chính ông thực hiện.

-Năm 1965, Duy Khánh cùng với Thái Thanh được nể trọng và thán phục với tài năng thiên phú, qua 2 ca khúc nổi tiếng là Con đường cái quanMẹ Việt Nam của Phạm Duy. Đây là 2 bản trường ca đòi hỏi giọng ca cao vút và ngân vang mới biểu hiện được tâm ý của tác giả.

Ngoài giọng thiên phú ca ngợi quê hương, đã đi vào lòng giới bình dân qua các nhạc phẩm: 

Đêm tiền đồn, Kẻ ở miền xa, Xin anh giữ trọn tình quê, Đa tạ, Trăng tàn trên hè phố, Qua cơn mê, Thương về em gái thành đô, Duy Khánh còn được biết đến như một nhạc sĩ tài hoa với hơn 30 ca khúc đặc sắc.

-Năm 1975, Duy Khánh ở lại Việt Nam, bị cấm hát trong thời gian dài. Sau đó, ông và nhạc sĩ Châu Kỳ, Nhật Ngân, cùng với các ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến, thành lập Đoàn văn nghệ Quê Hương đi lưu diễn để mưu sinh.

-Năm 1988, ông sang Hoa Kỳ, hát độc quyền cho Trung tâm Làng Văn và xuất hiện trong một số video của trung tâm Asia. Sau đó, ông thành lập Trung tâm Trường Sơn tiếp tục nghề cầm ca và dạy nhạc cho đến khi qua đời.

-Ngày 12/2/2003, ông từ trần vào lúc 12 giờ trưa tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, hưởng thọ 66 tuổi.

 

****

Ca sĩ Duy Khánh được xem là một thiên tài về văn nghệ, không những về sáng tác nhạc, mà còn là một ca sĩ có giọng ca truyền cảm. Những khúc tình ca của ông đã làm ấm lòng chiến sĩ Cộng Hòa và giới mộ điệu trong lúc quê hương đang chìm trong khói lửa.

Nhắc về Duy Khánh, nhạc sĩ Phạm Duy nhận xét: “Trong giọng ca Duy Khánh có âm hưởng của tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh”.

Mười lăm năm tha hương, Tết nào Duy Khánh cũng hát với tiếng nấc nghẹn ngào trong tim, qua đôi mắt đọng sầu. Mọi người vừa nghe vừa rơi lệ qua lời ca: “Nhớ quá mẹ hiền, nhớ quá anh em. Vẫn thấy quê hương đêm ngày réo gọi. Vẫn thấy trong tim canh cánh đường về. Vẫn thấy nơi đây chỉ là đất tạm. Thầm hẹn ngày về chết giữa quê hương”. Rất tiếc cho ông, người nghệ sĩ tài hoa không thực hiện được ước nguyện của mình.

Ca sĩ Duy Khánh “ra đi” để lại nhiều thương tiếc cho nhiều người. Những tác phẩm âm nhạc và tiếng hát của ông gửi gấm tình yêu quê hương, tình chiến hữu, tình yêu lứa đôi đầy tính nhân văn, đã tô điểm cho cuộc sống con người thêm tươi đẹp và có ý nghĩa.

Tên ông sống mãi trong tâm khảm của giới mộ điệu, và nhất là trong lòng các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Giờ đây ở nơi chín suối, chắc ông sẽ nở nụ cười mãn nguyện khi thấy rất nhiều người vẫn thương mến, nhắc nhớ đến mình: Ca sĩ Duy Khánh.

No comments:

Post a Comment