Monday, July 7, 2025

Nỗi Thất Vọng Không Lời

Bình Luận

Việc một Ủy viên Trung ương Đảng nói dân số Quảng Trị có hơn 1 tỷ người có thể do dốt nát, hoặc do thói quen ỷ lại cho trợ lý soạn sẵn các bài phát biểu mà không kiểm chứng, hay cả hai nguyên nhân trên. Dù với lý do nào cũng phản ánh thực tế, sau hơn 50 năm thoát ra từ bưng biền, giới lãnh đạo cộng sản vẫn hầu hết là bất tài, dốt nát và tham nhũng.Mời quý thính giả nghe phần bình luận của Giao Phương Trần, thành viên Ban Biên Tập đài ĐLSN với tựa đề: “Nỗi Thất Vọng Không Lời”qua sự trình bày của Miên Dương để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay.

Giao Phương Trần

Vào sáng ngày 30 tháng 6 năm 2025, tại một buổi lễ long trọng công bố Nghị quyết và Quyết định của Trung ương cũng như của tỉnh về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, bà Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, đã phát biểu một câu khiến cả hội trường như nín lặng: “Sau khi sáp nhập, dân số tỉnh Quảng Trị sẽ là 1 tỷ 870 ngàn 845 người.” Chỉ với một con số, mà tưởng như một quả bom chấn động toàn cõi mạng xã hội, truyền thông và cả những ai còn chút quan tâm đến vận mệnh đất nước. Một câu nói ngắn ngủi, nhưng mở ra một chuỗi câu hỏi dài bất tận về năng lực, trách nhiệm, và nhất là sự thật thà – thứ lâu nay hiếm hoi trong những phát biểu từ giới chức cao cấp.

Không khó để nhận ra rằng con số 1 tỷ 870 ngàn 845 người là điều phi lý trắng trợn. Dân số cả nước Việt Nam hiện nay cũng chỉ xấp xỉ 100 triệu người, thì lẽ nào riêng tỉnh Quảng Trị – một tỉnh miền Trung nhỏ bé, lại có dân số gấp… gần 20 lần toàn quốc? Một lỗi sơ đẳng trong khi đọc số, hoặc một lỗi đánh máy nếu là văn bản, có thể được tha thứ nếu được nhìn nhận sòng phẳng và được sửa sai ngay. Nhưng ở đây, điều khiến dư luận sững sờ không phải chỉ ở sai sót ấy, mà ở cung cách các giới chức vẫn thường xuyên thể hiện: nói mà không cần nghĩ, phát biểu mà không phải chịu trách nhiệm, đọc mà không buồn kiểm tra lại nội dung.

Người dân miền Nam trước năm 1975, dù sống trong chiến tranh, nhưng vẫn thường tự hào về tinh thần cẩn trọng trong hành chánh, về sự chuẩn mực trong văn phong của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Một biên bản hành chính sai một dấu phẩy cũng phải được điều chỉnh. Một bài diễn văn công bố số liệu mà sai thì viên chức ấy có thể bị kiểm điểm hoặc từ chức vì danh dự. Trong khi ngày nay, một sai lầm “có vẻ vô tình” như con số 1 tỷ dân này lại được buông ra nhẹ nhàng như một trò đùa, thì thử hỏi, nền hành chánh quốc gia sẽ đi về đâu? Và quan trọng hơn, người dân còn có thể đặt niềm tin vào những lời công bố chính thức đến mức nào?

Báo chí sau đó đã nhanh chóng chỉnh sửa lại thông tin và nhấn mạnh rằng “có thể bà Thủy đọc nhầm.” Nhưng cái gọi là “nhầm” này không còn đơn giản là chuyện cá nhân nữa. Đây là một nghi thức trang trọng, được chuẩn bị từ lâu, có kịch bản, có văn bản cầm tay. Vậy thì lỗi ở đâu? Ở người phát ngôn? Ở bộ phận chuẩn bị tài liệu? Hay sâu xa hơn, là ở một hệ thống mà sự ẩu tả, hình thức và thiếu trung thực đã trở thành thói quen cố hữu?

Giả như sau phát biểu đó, bà Thủy lên tiếng xin lỗi công khai, thừa nhận sai sót, thì người dân có thể thông cảm phần nào. Nhưng không, một lần nữa, im lặng lại là chiến thuật quen thuộc. Không ai bị khiển trách, không ai từ chức, và rồi sự việc sẽ lại chìm xuồng như bao sự việc khác. Trong khi đó, trên mạng xã hội, người dân thi nhau châm biếm, giễu cợt, bởi đó là cách duy nhất để bày tỏ nỗi thất vọng không lời.

Chúng ta đã quá quen với những bài phát biểu dài lê thê, sáo rỗng và vô nghĩa. Chúng ta đã quá quen với những con số được thổi phồng, tô hồng để báo cáo thành tích. Nhưng cái mà xã hội đang cần, là sự trung thực, là tinh thần trách nhiệm, là một nền hành chánh phục vụ đúng nghĩa. Một viên chức không cần nói hay, không cần màu mè, chỉ cần nói đúng, làm thật, và chịu trách nhiệm cho lời nói và hành động của mình.

Điều đáng nói là, hiện tượng này không phải cá biệt. Nó chỉ là một lát cắt của cả bức tranh lớn đang ngày càng lộ rõ sự trì trệ và suy thoái trong bộ máy hành chánh. Từ những vụ việc bổ nhiệm thần tốc, bằng cấp giả, đến những phát ngôn ngô nghê, lạc lõng – tất cả cho thấy, cái gốc của vấn đề không phải ở kỹ thuật, mà là ở đạo đức công vụ. Khi người ta xem thường vai trò của chức vụ, thì ghế ngồi chỉ còn là phương tiện để tô điểm cho quyền lực, chứ không còn là trách nhiệm với quốc dân đồng bào.

Sự phát triển thật sự không thể đến từ những quyết sách sai lệch hoặc những bài diễn văn được soạn vội. Nó phải đến từ nền tảng minh bạch, chính xác và một tinh thần phụng sự chân thành. Một quốc gia mạnh là quốc gia mà mỗi lời nói của giới chức đều đáng tin, mỗi con số đều được kiểm chứng, và mỗi lỗi lầm – dù nhỏ – cũng phải được nhìn nhận và sửa sai.

 

Sự kiện vừa qua, dù có thể được bao biện là “sơ suất”, nhưng nó đã để lại một vết hằn nữa trong lòng công chúng vốn đã mỏi mệt vì những lần thất vọng. Nếu muốn xây dựng một nền hành chánh hiện đại, hiệu quả và gần dân, thì việc đầu tiên phải làm là chấm dứt thói quen nói bừa, làm ẩu, và phủi trách nhiệm. Đã đến lúc nhà cầm quyền cần học lại bài học sơ đẳng nhất: sự thật. Và sự thật đôi khi bắt đầu từ một con số đúng.

 

No comments:

Post a Comment