Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc và anh Miên Dương
1. ĐÀ NẴNG NGẬP LỤT NẶNG SAU CƠN MƯA LỚN KÉO DÀI
Chiều ngày 5 tháng 7 năm 2025, thành phố Đà Nẵng đã hứng chịu một trận mưa như trút nước kéo dài hơn một giờ đồng hồ, khiến nhiều khu phố tại trung tâm cũng như vùng ngoại ô chìm trong biển nước. Cơn mưa bắt đầu từ khoảng 6 giờ chiều, kéo dài đến hơn 7 giờ, với lượng nước mưa đo được tại một số nơi lên đến gần 70 ly.
Các con đường như Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Hải Phòng, Trần Cao Vân đều bị ngập sâu, có đoạn nước dâng cao đến gần thắt lưng người lớn. Xe cộ chết máy la liệt, giao thông tê liệt, người dân phải dắt bộ hoặc tìm đường vòng để về nhà. Nhiều căn nhà, hàng quán bị nước tràn vào, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản.
Tại các khu vực ngoại ô như Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Sở, Âu Cơ, tình trạng ngập cũng không kém phần nghiêm trọng. Đây là lần thứ hai trong mùa mưa năm nay Đà Nẵng bị ngập nặng, sau đợt mưa lớn hồi trung tuần tháng Sáu do ảnh hưởng của bão số 1.
2. CSVN TĂNG PHỤ CẤP CHO LỰC LƯỢNG DƯ LUẬN VIÊN
Theo nghị định mới ban hành đầu tháng Bảy năm nay, nhà cầm quyền csvn quyết định cấp thêm mỗi người 5.000 đồng mỗi tháng cho các nhân viên chuyên trách làm công tác bảo vệ an ninh trên không gian mạng. Khoản phụ cấp này được xem là một phần trong nỗ lực tăng cường sức mạnh cho lực lượng thường được gọi là “dư luận viên” – những người có nhiệm vụ theo dõi, phản bác, định hướng dư luận trên các diễn đàn điện tử cũng như đánh phá các tiếng nói phản biện lại nhà cầm quyền từ người dân.
Theo nội dung nghị định, khoản tiền này không được tính vào lương chính thức, cũng không bị trừ vào các khoản bảo hiểm hay thuế má. Đối tượng được hưởng gồm có công chức, viên chức, quân nhân, công an, và cả những người không mặc sắc phục nhưng được tuyển dụng để thi hành nhiệm vụ đặc biệt trên mạng lưới điện toán.
Chính phủ cho hay, ngân khoản chi trả sẽ do ngân sách quốc gia đài thọ, và việc thi hành sẽ bắt đầu từ trung tuần tháng Tám. Tuy nhiên, hiện chưa có con số rõ ràng về tổng số nhân viên sẽ được hưởng phụ cấp này. Trước đây, Bộ Quốc phòng từng tiết lộ có hơn 10.000 người thuộc lực lượng đặc nhiệm mạng, nhưng các cơ quan khác vẫn giữ kín số liệu.
Chính sách mới này được giới quan sát xem là một bước đi nhằm củng cố hàng ngũ dư luận viên, chuyên đánh phá và tố giác những tiếng nói phản biện từ người dân.
3. ISREAL KHÔNG KÍCH GAZA, HÀNG CHỤC THƯỜNG DÂN TỬ THƯƠNG
Rạng sáng ngày 5 tháng 7, lực lượng quân sự Do Thái đã mở các đợt không tập dữ dội vào Dải Gaza, làm thiệt mạng ít nhất 56 người Palestine, theo báo cáo của cơ quan phòng vệ dân sự tại chỗ do tổ chức Hamas quản trị. Trong số nạn nhân có ba trẻ nhỏ và sáu người khác thiệt mạng gần những khu vực phát chẩn, nơi người dân nghèo tụ họp chờ nhận viện trợ.
Hai cuộc oanh kích đáng kể xảy ra gần các trường học ở thành phố Gaza, nơi thường dân, kể cả phụ nữ và nhi đồng, đang tạm lánh. Một trường bị đánh trúng trực tiếp khiến 5 người chết, và trường thứ hai bị phá hoại khiến ba người thiệt mạng cùng 10 người bị thương.
Phía quân đội Israel lên tiếng cho hay mục tiêu họ nhắm tới là các căn cứ quân sự trá hình do Hamas giấu dưới cơ sở hạ tầng dân sự như trường học, bệnh viện và trạm phát chẩn.
Đáng chú ý, vụ tấn công xảy ra không lâu sau khi Hamas bày tỏ sẵn sàng thương thảo về bản đề nghị ngưng bắn do Hoa Kỳ bảo trợ. Liên Hiệp Quốc loan báo đã ghi nhận hơn 600 thường dân tử nạn tại các điểm cứu trợ kể từ cuối tháng 5, phản ánh tình trạng bạo lực leo thang chưa có hồi kết tại vùng đất khốn khổ này.
4. OPEC TĂNG MẠNH SẢN LƯỢNG DẦU, THỊ TRƯỜNG BIẾN ĐỘNG
Hôm 5 tháng 7, Tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu lửa (OPEC) cùng đồng minh, nổi bật là Ả Rập Xê Út và Liên bang Nga, đã đồng thanh quyết định nâng mức sản xuất thêm 548.000 thùng mỗi ngày từ tháng 8. Quyết định này vượt dự báo của các nhà phân tích trước đó chỉ khoảng 411.000 thùng/ngày.
Trong bản tuyên bố sau hội nghị tại thủ đô Vienne của Áo, OPEC viện lẽ thị trường đang có nhiều dấu hiệu thuận lợi, nhu cầu ổn định và kho dự trữ dầu thấp là lý do chính đáng để gia tăng sản lượng. Quyết định này đến sau cuộc xung đột kéo dài gần nửa tháng giữa Iran và Israel, khiến giá dầu từng vượt ngưỡng 80 Mỹ kim mỗi thùng vì lo ngại eo biển Hormuz – tuyến hàng hải huyết mạch – có thể bị phong tỏa.
Trước đó, nhóm OPEC+ từng có chủ trương giảm sản lượng để nâng đỡ giá dầu kể từ năm 2022. Tuy nhiên, từ tháng 5, một số nước chủ lực trong khối, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, bất ngờ đảo chiều, tăng mạnh sản lượng khiến giá dầu xuống mức 65-70 Mỹ kim/thùng.
Tình hình mới đang khiến giới đầu tư quốc tế theo dõi sát sao vì tác động không nhỏ đến thị trường năng lượng và lạm phát toàn cầu.
5. ĐAN MẠCH ĐẢM NHẬN VAI TRÒ CHỦ TỊCH EU GIỮA THỜI CUỘC RỐI REN
Đan Mạch chính thức bước vào vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên Âu từ đầu tháng 7, trong một giai đoạn đầy biến động về địa chính trị và kinh tế. Cơ hội lãnh đạo khối mang đến cho Đan Mạch thế đứng mới để thúc đẩy những ưu tiên chiến lược như quốc phòng, di dân và khí hậu.
Một trong những thử thách lớn đầu tiên là cuộc điều đình thương mại với Hoa Kỳ trước thời hạn ngày 9/7, giữa lúc Washington đe dọa áp thuế cao với hàng hóa Âu Châu. Tuy nhiên, phía Ủy ban châu Âu cứng rắn khẳng định không nhượng bộ các luật lệ về kỹ thuật số vốn bị Mỹ chỉ trích là thiên vị.
Cùng lúc, Đan Mạch phải gánh vác việc điều phối những nỗ lực củng cố quốc phòng chung của châu lục, đặc biệt sau khi hội nghị NATO đề xuất nâng chi tiêu quân sự lên 5% GDP – một mức cao chưa từng có, khiến nhiều quốc gia phải đắn đo giữa an ninh và ngân sách.
Hơn nữa, Copenhague đang tích cực kêu gọi viện trợ thêm cho Ukraine, nhưng trong lúc Hoa Kỳ rút dần can dự, một số nước Âu khác lại chùn bước. Vai trò chủ tịch lần này là phép thử lớn cho khả năng lèo lái của Đan Mạch giữa dòng xoáy quyền lợi và áp lực quốc tế.
6. KENYA KHỦNG HOẢNG NHÂN ĐẠO, TRẠI TỊ NẠN KAKUMA LÂM NGUY
Trại tị nạn Kakuma, nằm tại vùng Tây Bắc xứ Kenya, đang chìm trong cảnh khốn cùng khi các nguồn viện trợ bị cắt giảm nghiêm trọng, khiến hàng ngàn người rơi vào cảnh thiếu ăn, khát nước và mất an ninh. Trại hiện quy tụ khoảng 200.000 người lánh nạn, phần lớn đến từ Nam Sudan, Ethiopia và Somalia.
Đầu tháng 7, cư dân trong trại đã đồng loạt xuống đường biểu tình phản đối tình trạng thiếu hụt lương thực và nước sạch. Nguyên do chính là việc Hoa Kỳ cắt giảm ngân khoản viện trợ nhân đạo. Cụ thể, cơ quan USAID sẽ chấm dứt các chương trình cứu trợ quốc tế, chuyển trách nhiệm sang Bộ Ngoại giao theo chính sách mới của Tổng thống Donald Trump.
Tình hình trở nên trầm trọng khi không chỉ thiếu ăn, mà người dân nơi đây còn khó tiếp cận thuốc men, giáo dục và các dịch vụ thiết yếu khác. Một số vụ bạo loạn nhỏ đã xảy ra, báo hiệu sự bất mãn lan rộng.
Nếu tình hình này không được giải quyết kịp thời, Kakuma – một trong các trại tị nạn lớn nhất thế giới – có thể trở thành tâm điểm khủng hoảng nhân đạo mới, đe dọa ổn định khu vực Đông Phi và làm suy giảm uy tín quốc tế về cam kết bảo vệ người tị nạn.
No comments:
Post a Comment