Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.
Tiến Văn
06/07/2025
Thưa quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Bắt đầu từ tháng 7 này, nhiều tỉnh thành, địa giới hành chính và nhiều tên gọi đã trở thành lịch sử của đất nước đã bị thay đổi, thậm chí bị xóa tên trên các văn bản hành chính, bản đồ, sách giáo khoa.
Sự thay đổi này đã được công luận phân tích và phản đối vì tính chất phi khoa học và tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc cho sự phát triển của đất nước.
Như chúng ta đã cùng bàn luận ở đây, quyết định thay đổi cho một vấn đề lớn một cách hết sức đột ngột và hấp tấp này của Tô Lâm là nhằm vào các toan tính bảo vệ cho quyền lực đầy bất trắc của Tô Lâm mới cướp được từ trong tay các đối thủ ngay trong đảng Hồ-Tàu.
Song, một câu hỏi cần được đặt ra: Liệu sự xáo trộn, lật đổ các cấu trúc hành chính, quyền lực cũ để lập nên một cấu trúc mới có đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Tô Lâm trong thời gian tới không?
Thưa anh chị em và quí vị, trước khi lí giải câu hỏi này chúng ta cần xem lại một sự kiện xảy ra ở Bắc Kinh vào ngày 13 tháng 6 vừa qua.
Ngày hôm đó, tại trung tâm quyền lực của Trung Cộng, Tập Cận Bình đã triệu tập một cuộc gặp mặt với những nhân vật thuộc nhóm nắm quyền lực lớn nhất trong bộ máy cầm quyền độc tài của y. Những nhân vật này, hầu hết, đều thuộc lớp con cháu cận kề của thế hệ cộng sản đầu tiên của Trung Cộng. Chi tiết đáng nói nhất, đã được báo chí quốc tế ghi nhận, là việc Tập Cận Bình đã có những động thái và phát biểu mang tính chất ve vãn, hứa hẹn với các đồng sự thân cận thuộc cấp. Tờ Nikkei Asia, hãng truyền thông của Nhật Bổn, đã bình luận rằng:
“Tập dường như đã phải van nài các thuộc cấp bằng việc hứa hẹn rằng: 'Các anh chị hãy ủng hộ tôi hết lòng, còn tôi sẽ bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi, tài sản của các anh chị bằng bất cứ giá nào.'”
Những lời phủ dụ, vỗ về này của Tập Cận Bình đối với thuộc cấp không chỉ gây ngạc nhiên cho dư luận mà còn phù hợp với các tin đồn rộ lên từ nhiều tháng qua về những khả năng có thể Tập bị lật đổ bởi các đối thủ chính trị.
Thưa quí vị và anh chị em, nói về kinh nghiệm, thủ đoạn chính trị độc tài thì Bắc Kinh luôn là bậc thầy của Hà Nội. Song, như chúng ta thấy, Tập Cận Bình, bậc thầy của Tô Lâm, cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Vậy Tô Lâm chắc chắn cũng phải đối mặt với những rủi ro và có thể rủi ro còn lớn hơn cả quan thầy của y.
Kế hoạch xáo trộn hành chính, địa giới tỉnh thành là một thủ đoạn nhằm loại bỏ tối đa tận gốc cơ sở các phần tử tiềm ẩn đối lập với Tô Lâm và bộ sậu. Trong âm mưu này, sự thay đổi giám đốc công an tại Thành Hồ cách đây vài tuần là một minh chứng rõ ràng nhất. Mai Hoàng, một tay công an chưa đến 50 tuổi nhưng đồng quê Hưng Yên với Tô Lâm đã được bổ vào vị trí nắm giữ bộ máy trấn áp mạnh nhất tại đầu não kinh tế của đất nước.
Trong hệ thống hành chính và lãnh đạo tới đây, sẽ có rất nhiều vị trí được dành cho người đồng quê, thân cận với Tô Lâm, gia đình và bộ sậu.
Vô hình chung, hệ thống chính trị/hành chính tới đây do Tô Lâm chủ xướng sẽ biến thành một hệ thống có hai tính chất cơ bản là: độc đảng và gia đình trị.
Hệ thống lưỡng cực này mang lại một ưu thế lớn cho Tô Lâm là: mọi ý muốn, chủ xướng của Tô Lâm sẽ được thực hiện vô điều kiện, bất chấp mọi phản đối, dị nghị.
Tuy nhiên, hệ thống lưỡng cực này sẽ đưa tới hai tai họa khó lường cho chính Tô Lâm và hệ thống.
Thứ nhất, tính chất quan liêu, lười nhác, sách nhiễu dân chúng sẽ ngày càng gia tăng vì các quan chức đều mang tâm trạng hống hách, ngạo mạn của những con ông cháu cha.
Thứ hai, chính hệ thống độc đảng và thân quen/gia đình sẽ sớm nhận ra sức mạnh khuynh loát của bản thân nó đối với Tô Lâm. Nói một cách khác, Tô Lâm sớm muộn cũng trở thành kẻ phụ thuộc vào chính hệ thống, con người mà Tô Lâm đang tạo ra. Bởi không có những con người đó, mọi quyết định, ý muốn của Tô Lâm sẽ tắc tị.
Đễ dễ hình dung, chúng ta hãy quay trở lại chính thời kì Tô Lâm dưới trướng Nguyễn Phú Trọng. Tô Lâm phục dịch đắc lực Nguyễn Phú Trọng trong các cuộc trấn áp đối thủ. Nhưng cuối cùng, chính Nguyễn Phú Trọng, kẻ dùng Tô Lâm, lại trở thành con tin của Tô Lâm trong ván bài quyền lực chóp bu.
Tô Lâm sẽ là con tin của ai, sẽ có số phận thế nào?
Chưa ai có thể trả lời chính xác. Nhưng chắc chắn sẽ không có gì sáng lạn. Bởi Tô Lâm đã ngoan cố tàn ác không chỉ với nhân dân mà với cả đồng sự, đồng đảng không cùng quê, cùng thuyền.
Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.
No comments:
Post a Comment