Wednesday, June 1, 2022

Venice xứ An Nam.

Chuyện Nước Non Mình

Ngập lụt triền miên ở Việt Nam là căn bệnh kinh niên mà chỉ có dân chúng là phải chịu đựng với sự thiệt hại của cải cùng tính mạng chỉ vì sự cai trị ngu dốt và tham nhũng của kẻ cầm quyền.

Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “ Venice xứ An Nam“ của  Đoàn Bảo Châu  sẽ được Vân Hà trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Đoàn Bảo Châu.

Mưa là một hiện tượng thiên nhiên rất lãng mạn, mưa gột rửa đường phố, mưa cuốn đi những bụi bặm, những nóng nực bức bối của những ngày nóng và đôi lúc mưa gột rửa chính tâm hồn của ta.

Hà nội và Saigon bỗng nhiên biến thành những Venice mênh mang nước là nước, bọn chuột sẽ phải chui từ hang lên và con người chúng ta sẽ có dịp gần gũi hơn với những người anh em bốn chân bé xíu, bọn chúng thì được chứng kiến thế giới của động vật hai chân được gọi là con người.

Nước từ bể phốt, cống rãnh, vật thải sẽ có dịp được lênh láng, được phân phối lại để cây cối có được thêm chất bón. Hệ miễn dịch của con người, loài động vật cao sang sẽ có dịp được luyện tập với bọn vi trùng các loại.

Đây cũng chính là cơ hội để các giáo sư, tiến sỹ hàng đầu xứ ta phát minh ra loại xe hơi, xe gắn máy mà bỗng chốc có thể biến hình thành thuyền, để có thể lướt sóng ngạo nghễ giữa những dòng sông cuốn quanh phố sông ở Venice Hà Nội, Venice Saigon.

Người đàn ông trên chiếc xe hơi bị ngập nước, bỗng có cơ hội được nằm ung dung giữa trời đất, giữa phố xá thênh thang mà cảnh sát giao thông không làm gì được, lại còn cảm thấy mình là một minh tinh khi các ống kính chĩa vào đầy ngưỡng mộ.

Chúng ta tự hỏi thực tại này nghĩa là sao và có đáng lo ngại không?

Mỗi một cái xe hơi tuỳ mức độ khi bị ngập nước sẽ mất vài chục tới vài trăm triệu và giá trị chiếc xe sẽ bị giảm đi rất nhiều khi bán. Những người này sẽ không nhìn thấy vẻ đẹp của Venice HN và Venice Saigon mà chỉ nhìn thấy cái túi tiền của mình bị vơi đi một chút và mỗi lần nhìn thấy những giọt mưa, họ sẽ mang tâm trạng của con chim sợ cành cong.

Nước ngập, phố thành sông sẽ chẳng làm sao nếu không có những tai nạn khi những đứa trẻ bị rơi xuống nắp cống đang mở để thoát nước, các cột điện bị dò điện gây chết người, bao xe hơi bị hư, nhà có cửa kính khi xe hơi đi qua, vỡ tan tấm kính rồi gây chết người… những tai nạn ấy đã, đang và sẽ còn xảy ra.

Tôi luôn tự hỏi là mình có nhìn thực tại với một tâm lý tiêu cực quá không, cái hiện thực này có thực sự đáng buồn đáng thế không và cái hệ thống này có thật sự tồi tệ đến thế không?

Tôi băn khoăn bởi sự công bằng, khách quan luôn là tiêu chuẩn của tôi. Qua vụ test kit Việt Á, vụ giải cứu đồng bào mắc kẹt ở vùng dịch thì tôi khẳng định là cái nhìn của mình không tiêu cực quá. Ngành y luôn đề cao y đức, đề cao mục tiêu cứu con người, luôn coi trọng đạo đức nghề nghiệp mà đã vậy thì cán bộ ở các ngành khác sẽ còn chất chứa lòng tham đi cùng với niềm tiềm ẩn sự bùng phát tham nhũng đến đâu nữa.

Việc nước ngập ở các thành phố lớn đã được đưa ra thảo luận nhiều, đã có những dự án hàng nghìn tỉ, với những đề nghị, với những hứa hẹn và khẳng định đầy lạc quan nhưng không đi đến đâu.

Đó là một việc lớn nhưng thử hỏi với tâm trạng nhỏ mọn thì có thể làm được việc lớn không?

Hệ thống thoát nước ở Hà Nội toàn cống rãnh được xây từ thời Pháp. Bao nhiêu năm mà thủ đô không có một hệ thống nào đáng kể được xây mới. Cái gì cũng vụn vặt, chắp vá, vừa làm xong đã hỏng. Nhân tiện đang có phong trào cấp danh hiệu, tôi nghĩ nên phong cho Hà Nội là thủ đô có vỉa hè luôn được đổi mới với mức độ lớn nhất thế giới. Hay đây chính là một phương pháp đặc biệt để phát triển, để luôn làm mới bộ mặt thủ đô chăng?

Những thành phố lớn rất cần một hệ thống thoát nước lớn, được đặt kế hoạch với các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm về quy hoạch đô thị. Nhưng khi đầu óc của cán bộ chỉ lo vụn vặt về lợi ích và căn bệnh tham nhũng như một loại ung thư đã di căn nặng thì ai có đủ tâm, đủ tầm để làm được việc này? Đề ra dự án này kia, liệu hiệu quả ra sao, tiền có thực sự đi vào công trình hay lại đi vòng vèo và rơi vào túi cá nhân?

Nếu có cái “lò đốt củi” thì cái lò ở Việt Nam sẽ có được danh hiệu đáng kể trên mặt mũi thế giới.

Cái người dân cần là những lãnh đạo có tâm, có lòng để có thể bắt đầu vạch ra những việc làm rõ ràng để khắc phục dần những vấn đề của xã hội. Tiếc thay, cái mà tôi nghe được thì chỉ là những phát biểu lạc quan tếu, không có giá trị thực tiễn.

Nếu không có những suy nghĩ và hành động quyết liệt cùng đúng đắn thì những dòng sông bất đắc dĩ ở HN và Saigon sẽ còn sâu hơn và rộng hơn nữa. Khi ai đó có người nhà gặp tai nạn vì những vụ ngập lụt thì họ sẽ không còn bay bổng để gọi đấy là những Venice của Việt Nam được nữa.

 

No comments:

Post a Comment