Thái độ hung hăng bành trướng của CSTQ tại Đông Á là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia trong vùng và sách lược ủng hộ cho đảo quốc Đài Loan của Hoa Kỳ càng mạnh mẽ và cụ thể hơn.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Những chuyển động nguy hiểm ở eo biển Đài Loan” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Cùng với cuộc chiến tranh ở Ukraine, tình hình eo biển Đài Loan đang nóng lên từng giờ khi Bắc Kinh gia tăng sức mạnh Hải Quân và Washington gia tăng cam kết bảo vệ đảo quốc dân chủ này trước âm mưu xâm lược của Trung Quốc.
Sáng
Thứ Sáu, 17 Tháng Sáu, Trung Quốc hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ ba, đặt tên là
Phúc Kiến (Fujian), mang số hiệu 18.
Truyền thông quốc tế dẫn lời các quan sát viên quân sự cho biết tàu Phúc Kiến lớn hơn, tân tiến hơn hai chiếc trước, hoàn toàn do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc mở rộng năng lực và tầm hoạt động của Hải Quân Trung Quốc.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin, tàu Phúc Kiến có độ giãn nước 80,000 tấn, được trang bị các loại vũ khí tân tiến nhất và sử dụng công nghệ phóng điện từ để phóng phi cơ, tương tự như các hàng không mẫu hạm của Mỹ và Pháp.
Một hàng không mẫu hạm tân tiến hơn chắc chắn có vai trò quan trọng trong việc thực hiện tham vọng từ lâu của ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, xâm chiếm và sáp nhập Đài Loan – đảo quốc dân chủ mà Trung Quốc vẫn khăng khăng là một phần lãnh thổ của họ và không loại trừ khả năng tấn công xâm lược bằng quân sự để đạt mục đích.
Hàng không mẫu hạm mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của Hải Quân Trung Quốc sẽ đặt ra một thách thức lớn cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và đồng minh.
Đảo Đài Loan – có lần được Tướng Douglas MacArthur của Mỹ gọi là “chiếc hàng không mẫu hạm và căn cứ tàu ngầm không thể đánh chìm” – có một giá trị hết sức quan trọng về quân sự, là tiền đồn trấn giữ vùng Đông Bắc Á, ngăn cản mưu đồ đe dọa và tấn công của Trung Quốc vào các đồng minh quan trọng Nhật Bản và Nam Hàn.
Cuộc khẩu chiến về Đài Loan lại càng nóng lên trong tuần này sau khi một nhà lập pháp hàng đầu của Đài Loan tiết lộ quân đội nước này có loại hỏa tiễn siêu thanh Yun Feng (Vân Phong) có tầm bắn tới thủ đô Bắc Kinh và đập Tam Hiệp của Trung Quốc.
Hôm Chủ Nhật, ông Du Tứ Khôn, chủ tịch Quốc Hội Đài Loan, nói khi ông còn làm thủ tướng (2002-2005) ông đã biết Đài Loan có loại hỏa tiễn siêu thanh tầm trung này và lúc đó ông không được công khai nói về nó; còn bây giờ, ông cảnh báo Trung Quốc “phải suy nghĩ kỹ trước khi xâm lược Đài Loan.” “Tất nhiên Đài Loan sẽ không bao giờ xâm lược Trung Quốc… Đài Loan sẽ không bao giờ chủ động tấn công Bắc Kinh hoặc đập Tam Hiệp. Nhưng trước khi tấn công Đài Loan, Trung Quốc cần phải xem xét năng lực hiện có của Đài Loan, có thể bắn tới Bắc Kinh,” ông Du nói.
Trong chính sách của Hoa Kỳ và các đồng minh, Đài Loan không chỉ là một đảo quốc 24 triệu dân và chỉ có quan hệ ngoại giao với 15 trong số 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc mà vấn đề Đài Loan gắn liền với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, theo đó không quốc gia nào được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để xâm chiếm đất đai của nước khác hoặc giải quyết những bất đồng trong quan hệ quốc tế.
Tại thủ đô Washington, sáng 17 Tháng Sáu, các thượng nghị sĩ đã trình ra Thượng Viện một dự luật lưỡng đảng, xác định các cam kết chính của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Đài Loan chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Đạo luật mới có tên Luật Chính Sách Đài Loan 2022, nếu được thông qua, sẽ thay thế cho Luật Quan Hệ Đài Loan 1979, do hai Thượng Nghị Sĩ Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey) và Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) bảo trợ, sẽ cải cách toàn diện chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan đã thực hiện hơn 40 năm qua.
Điểm mới và nổi bật của đạo luật là cung cấp cho Đài Loan viện trợ về an ninh trị giá $4.5 tỷ trong bốn năm tới, xác định Đài Loan là “Đồng minh chính ngoài NATO” (Major Non-NATO Ally) của Hoa Kỳ – đặt căn cứ để cung cấp cho Đài Loan sự hỗ trợ về quốc phòng, thương mại và hợp tác an ninh. Ngoài ra, đạo luật cũng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Đài Loan gia nhập các tổ chức quốc tế và các tổ chức thương mại đa phương – điều mà chắc chắn Trung Quốc sẽ ngăn chặn.
Trong hơn 40 năm qua, Hoa Kỳ luôn giữ chính sách “mơ hồ chiến lược,” cung cấp vũ khí, quân dụng để Đài Loan tự bảo vệ mà không nói rõ trong trường hợp đảo quốc này bị tấn công thì quân đội Mỹ có trực tiếp tham chiến hay không.
Trong chuyến công du Đông Á đầu tiên cuối Tháng Năm vừa qua, trả lời câu hỏi của báo chí, Tổng Thống Joe Biden nói Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan bằng quân sự nếu Trung Quốc xâm lược. Câu trả lời của ông Biden làm Bắc Kinh nổi giận vì cho rằng Washington đơn phương thay đổi chính sách; nhưng các nhà lập pháp cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa trong Quốc Hội Mỹ từ lâu đã kêu gọi bãi bỏ “mơ hồ chiến lược,” kêu gọi Washington thể hiện mạnh mẽ hơn quyết tâm bảo vệ Đài Loan trước những mối đe dọa ngày càng tăng và sức ép quân sự ngày càng mạnh của Bắc Kinh.
“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ nguy hiểm… Nguy hiểm sẽ chỉ ngày càng tệ nếu chúng ta bộc lộ sự yếu kém trước mối đe dọa của Trung Quốc và âm mưu xâm lược Đài Loan của họ,” Thượng Nghị Sĩ Graham nói trong tuyên bố trình dự luật Chính Sách Đài Loan 2022 ra Thượng Viện sáng 17 Tháng Sáu.
Đạo luật mới đặt Đài Loan làm “Đồng minh chính ngoài NATO” là một sự thể hiện như vậy; nó đặt căn cứ pháp lý cho phép tổng thống Mỹ thẩm quyền quyết định can thiệp bằng quân sự khi Đài Loan bị tấn công, tương tự như quy định trong Điều 5 của hiệp ước NATO. Từ đó, cam kết mới của Mỹ – cùng với sự thất bại thấy trước của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine – có thể làm nguội những cái đầu nóng máu phiêu lưu trong Quân Ủy Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhưng nó cũng có thể kích thích Bắc Kinh ra tay sớm, thôn tính Đài Loan trước khi hòn đảo này có thêm lợi thế quân sự từ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và đồng minh. Trái banh đang ở phần sân Trung Quốc, ông Tập có sút bóng, có ghi bàn được hay không, hãy chờ xem./.
No comments:
Post a Comment