Saturday, June 25, 2022

Sứ thần Nguyễn Biểu

Danh Nhân Nước Việt

Sử Việt ghi lại câu chuyện về sứ thần Giang Văn Minh, người đã hiên ngang đưa ra câu đối hào hùng "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng" bị vua nhà Minh giận dữ ra lệnh hành hình. Trước đó, nước Việt cũng có một vị sứ thần can trường bị giết khi đi sứ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Ông đã tận trung với triều đình, trong giờ phút lâm nguy của đất nước ông vẫn giữ tròn khí tiết của một kẻ sĩ.

Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Sthần Nguyễn Biểu” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.


Cùng với núi Thành Sơn sông Lam Giang, tên của sứ thần Nguyễn Biểu vẫn được trường tồn qua nhiều thế hệ với 2 câu đối ở đền Nghĩa Liệt ca ngợi ông như sau:

Tồn Trần kính tiết, Thành sơn thạch,

Mạ tặc dư thanh, Lam thủy ba.

Tạm dịch:

Tiết cứng phò Trần, đá Nghĩa Liệt,

Tiếng vang mắng giặc, sóng Lam Giang.

Nguyễn Biểu quê ở làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An. Ông đỗ Tiến sĩ cuối đời Trần, làm quan đến chức Điện Tiền Thái Sử. Khi quân Minh xâm lược nước Nam, ông phò vua nhà Trần là Trùng Quang Đế suốt 4 năm (từ năm 1409 đến năm 1413).

Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, vua nhà Trần rút vào Hóa Châu cử ông đi gặp tướng Minh là Trương Phụ để giảng hòa với mục đích hoãn binh, nhằm kéo dài thời gian cho 2 tướng Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị xây dựng lực lượng.

Trương Phụ đã tỏ ra ngạo mạn và khinh bạc khi tiếp sứ thần Nguyễn Biểu. Y sai quân dọn ra một mâm cỗ chỉ có một cái đầu người luộc chín, ép Nguyễn Biểu ăn, cốt để thị uy.

Sứ thần Nguyễn Biểu ung dung ngồi vào mâm cỗ, nói: "Mấy thuở được ăn thịt người phương Bắc", sau đó lấy đũa khoét đôi mắt chấm muối ăn. Vừa ăn, ông vừa ngâm bài thơ “Cỗ đầu người” khiến Trương Phụ kính phục muốn tha ông, nhưng hàng tướng Phan Liêu ton hót với Trương Phụ rằng Nguyễn Biểu nói: "Năng sảm nhân đầu, năng sảm Phụ", nghĩa là: có khả năng nuốt được cỗ đầu người, cũng có khả năng nuốt được Trương Phụ.

Trương Phụ tức giận, đưa câu ấy ra bắt ông phải đối lại. Nếu đối được thì cho về, không được thì chém. Nguyễn Biểu ung dung đối lại rằng: "Hựu tồn ngô thiệt, hựu tồn Trần", nghĩa là: còn ba tấc lưỡi của ta thì nhà Trần vẫn còn. Trương Phụ nổi giận đổi ý, sai quân cắt lưỡi của ông và nói: Thử xem cắt lưỡi nó đi, nhà Trần có còn nữa hay không ? 

Kế đó, Trương Phụ sai quân trói ông vào chân cầu, để nước thủy triều lên cao dìm chết. Tương truyền, ông dùng móng tay vạch vào chân cầu 8 chữ: "Thất nguyệt, thập nhất nhật Nguyễn Biểu tử", nghĩa là: Nguyễn Biểu tử tiết tháng 7 ngày 11.

Khi ông mất, dân chúng vùng Nghệ An - Hà Tĩnh lập miếu thờ, suy tôn ông là Nghĩa Vương. Các triều đại về sau cũng đều truy phong ông làm Phúc Thần. Hiện nay tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ có đền thờ ông được xây dựng vào thời nhà Lê.

*****

Sau khi Sứ thần Nguyễn Biểu mất 5 năm, vào năm Mậu Tuất (1418), nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của Bình Định Vương Lê Lợi vùng dậy chiến đấu suốt 10 năm, đánh tan đoàn quân xâm lược của nhà Minh, lật đổ ách thống trị do tướng Trương Phụ áp đặt lên đầu dân Việt.

Lúc bấy giờ sứ thần Nguyễn Biểu không còn nữa, nhưng khí phách anh hùng và tinh thần xả thân vì nước của ông vẫn được dân tộc tự hào.

Chỉ 2 vụ giết chết sứ thần nước Việt của triều đình nhà Minh cũng đủ minh chứng cho sự tráo trở và lật lọng của cái dân tộc tự xưng mình là "trung tâm tinh hoa", biết lễ nghĩa do Khổng - Mạnh truyền dạy mà vẫn làm những hành vi man rợ. Mọi rợ hơn nữa là, trước khi giết chết bọn chúng khoét mắt, cắt lưỡi những sứ thần vốn chỉ là quan văn như Nguyễn Biểu và Giang Văn Minh.

Do đó, chỉ có những kẻ cam tâm làm nô lệ như Tập đoàn CSVN mới nói Tàu Cộng là "láng giềng tốt", nên vẫn ra rả xưng tụng về tình hữu nghị Việt - Hoa.

Từ mấy ngàn năm qua, giòng Hán tộc luôn xem các dân tộc nhỏ bé ở quanh họ là "man di, mọi rợ", cần phải tiêu diệt. Thái độ trịch thượng này, một lần nữa lại thể hiện trên báo chí qua cách hành xử hách dịch của Bộ trưởng Ngoại giao Tàu cộng Dương Khiết Trì đối với VN qua cụm từ "đứa con hoang" khi nói đến đảng CSVN.

Điều quan trọng nhất là trước mối nhục quốc thể này, không một quan chức CSVN nào có được khí phách như sứ thần Nguyễn Biểu Giang Văn Minh, để lên tiếng đáp trả những lời lẽ ngông cuồng và mất dạy đó.

Lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm phương Bắc của dân tộc Việt qua mấy ngàn năm, với 12 lần sang xâm lược, lũ giặc Tàu đều bị thảm bại. Nhưng than ôi! Hiện nay dưới sự lãnh đạo của CSVN, một tập đoàn hèn hạ chỉ vì vinh thân phì da mà phải chấp nhận khom lưng cúi đầu quỳ lụy Tàu Cộng, thì hiểm họa mất nước vào tay lũ giặc Tàu là chuyện không thể tránh khỏi.

Là con dân nước Việt, xin đừng quên lời dặn dò của các bậc tiền nhân, nhất là lời kiên quyết của vua Trần Nhân Tông:“Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác".

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment